Hợp tác đánh bắt hải sản với Indonesia: Biển “mở” nhưng giấy tờ vẫn “khép”

Chưa có đánh giá về bài viết

(Thủy sản Việt Nam) – Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp Việt Nam mong muốn đưa tàu sang Indonesia để hợp tác khai thác thủy sản. Thế nhưng, hàng loạt thủ tục, điều kiện hết sức khắt khe đã khiến các doanh nghiệp này chùn bước.

Vừa qua, tại Hội thảo xúc tiến đầu tư của doanh nghiệp thủy sản Việt Nam ra nước ngoài do Tổng cục Thủy sản tổ chức, ông Rear Admiral Syahrin Abdurrahman, Tổng cục trưởng Tổng cục Kiểm ngư (Bộ Thủy sản và Các vấn đề về biển Indonesia) cho biết, hiện Indonesia đang rất cần sự hợp tác về khai thác và chế biến thủy sản với các nước có nhiều tiềm năng về lĩnh vực này như Việt Nam để khai thác ở mức cho phép nguồn lợi thủy sản biển rất lớn ở nước này. Điều kiện để được khai thác hải sản tại vùng biển đặc quyền kinh tế của Indonesia là doanh nghiệp Việt Nam phải có tàu trọng tải trên 100 tấn mà thuyền trưởng phải là người Indonesia, và phải đầu tư nhà máy chế biến thủy sản tại quốc gia này, trong đó tỷ lệ góp vốn ít nhất là 80% tổng vốn đầu tư.

Nhiều điều kiện khắt khe trong việc hợp tác khai thác thủy sản ở vùng biển Indonesia khiến doanh nghiệp Việt Nam chùn bước

Đại diện một doanh nghiệp khai thác thủy sản ở Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang cho biết, yêu cầu phải cho người Indonesia làm thuyền trưởng trên tàu do doanh nghiệp Việt Nam đưa sang khai thác thủy sản ở nước này khiến không ít chủ doanh nghiệp lo ngại.

Trong tháng 12 tới, một quy định mới của Bộ Tài chính Indonesia có hiệu lực càng làm cho các doanh nghiệp Việt Nam thêm nản lòng. Khi đó, mỗi lần các doanh nghiệp nước ngoài ký hợp đồng đưa tàu cá vào khai thác thủy sản tại Indonesia sẽ phải đóng 5% phí nhập khẩu tàu.

Theo Chi cục Khai thác và Bảo vệ Nguồn lợi thủy sản tỉnh Bến Tre, thường các doanh nghiệp Việt Nam chỉ được hợp đồng khai thác thủy sản tại Indonesia trong thời gian một năm, và tàu sẽ được trả về cho doanh nghiệp Việt Nam khi hết thời gian ghi trong hợp đồng. Sau đó, nếu doanh nghiệp Việt Nam lại ký hợp đồng khai thác thủy sản với Indonesia thì phải tiếp tục đóng 5% phí nhập khẩu.

Trước những khó khăn trên của các doanh nghiệp Việt Nam, đại diện Bộ Thủy sản và Những vấn đề biển Indonesia cho biết, hiện giữa Việt Nam và Indonesia chỉ mới có những hợp tác ban đầu, cho nên hai bên sẽ tiếp tục đàm phán để có những thỏa thuận chung nhất cho việc khai thác, chế biến hải sản trên vùng biển Indonesia.

>> Theo ông Nguyễn Trần Biên, đại diện Công ty Phát triển thủy sản PT PAPUA tại Indonesia: Khó khăn lớn nhất khi doanh nghiệp Việt Nam đầu tư nhà máy chế biến thủy sản tại Indonesia là vấn đề thủ tục hành chính. Bởi, ngoài việc phải đầu tư 80% vốn vào nhà máy chế biến, doanh nghiệp phải hoàn thành một lượng lớn giấy tờ, thủ tục hành chính trong khâu cấp phép. 

   THÀNH CÔNG

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!