Một sự kiện được chờ đợi từ lâu, đánh dấu bước phát triển của nghề đánh bắt hải sản đã diễn ra sáng 30/8/2013 tại Cảng cá Tắc Cậu (Châu Thành, Kiên Giang): Trao giấy phép cho tàu đi ngư trường Indonesia.
Tại buổi lễ, ông Lâm Hoàng Sa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang nói: “Sự kiện tàu đánh cá công suất lớn của tỉnh Kiên Giang lần đầu tiên được cấp phép đi đánh bắt ở nước ngoài có ý nghĩa hết sức đặc biệt, mở ra bước đột phá mới trong hợp tác quốc tế về khai thác thủy sản”.
Để hiểu thêm ý nghĩa của sự kiện, cần thiết nhìn lại thực tế nhiều năm qua. Từ khi vươn ra khơi xa, ngư dân vùng ĐBSCL năng động đã đóng những con tàu công suất lớn, bám biển dài ngày, đánh bắt được nhiều hải sản. Tuy nhiên, giữa biển mênh mông lại thường vô tình xâm phạm lãnh hải các nước lân cận, bị bắt tàu, giam người. Ngư dân một số địa phương mạnh dạn hợp tác với phía nước bạn nhưng không chính thức bằng con đường quốc gia nên cũng gặp nhiều rủi ro. Thiệt hại với ngư dân, với nghề cá nước ta là rất lớn.
Chẳng hạn, chỉ trong 10 tháng đầu năm 2011, thượng úy Đoàn Công Nghiệp, Đồn phó Đồn Biên phòng 692 – Sông Đốc (Trần Văn Thời, Cà Mau), cho biết có 51 tàu cá bị nước ngoài bắt giữ và xử phạt tù 455 ngư phủ. Đáng chú ý là một số tàu cá sau khi nước ngoài bắt giữ đã bị tiêu hủy. Trong đó, Thái Lan bắt 43 tàu, xử phạt 410 ngư phủ; Malaysia 5 tàu, 45 ngư phủ; bên cạnh, 3 vụ tàu cá bị nước ngoài cập mạn lấy tài sản. Cũng thời gian ấy, Chủ tịch UBND thị trấn Sông Đốc Từ Văn Hiền cho biết, thị trấn Sông Đốc còn 59 chiếc tàu cá với khoảng 500 ngư phủ, hợp đồng đánh cá “chui” với Malaysia. Việc hợp đồng “chui” diễn ra từ nhiều năm trước, các cơ quan chức năng hứa sẽ hỗ trợ để có hợp đồng chính thức nhằm đảm bảo quyền lợi và an toàn cho ngư dân nhưng đến lúc đó chưa thực hiện được.
Nay, niềm mong đợi đã đến. Trên cơ sở thỏa thuận giữa Tổng cục Thủy sản của Bộ NN&PTNT Việt Nam với Bộ biển và Nghề cá của Indonesia, Công ty CP Đầu tư Đại Dương (TP Quy Nhơn, Bình Định) đã hoàn tất thủ tục pháp lý để đưa 8 tàu đánh cá công suất lớn thuộc hai doanh nghiệp thủy sản ở Kiên Giang đi khai thác hợp pháp tại ngư trường Indonesia. Ông Trương Văn Ngữ, Chủ tịch Hội Nghề cá TP Rạch Giá, cũng là doanh nghiệp có tàu được cấp phép đi khai thác lần này phấn khởi nói: “Đây là cơ hội tốt cho ngư dân chúng tôi mở rộng ngư trường, tạo việc làm cho người lao động, mang lại nguồn thu nhập tốt hơn từ biển”.
Ông Trần Chí Viễn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Kiên Giang, đánh giá đây là bước đi ghi dấu mốc quan trọng trong việc thực hiện chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, với mục tiêu hàng đầu là phấn đấu đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển. “Thông qua hợp tác khai thác thủy sản với các nước, tỉnh Kiên Giang nói riêng, ngư dân Việt Nam nói chung sẽ có cơ hội tiếp cận với công nghệ và kỹ thuật khai thác hiện đại, vừa đảm bảo mục tiêu kinh tế, vừa bảo vệ bền vững nguồn lợi thủy sản”, phát biểu của ông Viễn có lẽ cũng nói hộ suy nghĩ của nhiều người tâm huyết với nghề cá nước ta.