T3, 11/07/2023 04:30

Hợp tác đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành nông nghiệp

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Sáng ngày 11/7 tại Hà Nội, Bộ NN& PTNT tổ chức “Hội nghị hợp tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực nông nghiệp, nông thôn” với sự tham dự của hơn 300 đại biểu đại diện cho các bộ ngành, cơ quan, tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp ngành nông nghiệp. Bộ trưởng Lê Minh Hoan, Thứ trưởng Trần Thanh Nam đồng chủ trì hội nghị.

Thiếu hụt nghiêm trọng nhân lực trình độ cao

Hiện nay, cả nước có khoảng 50 cơ sở đào tạo đại học có các chuyên ngành về nông nghiệp, lâm nghiệp, thuỷ sản và thuỷ lợi. Năm 2022, cả nước có 521.263 sinh viên nhập học ở 25 lĩnh vực thì chỉ có 7.100 sinh viên nhập học khối ngành nông lâm nghiệp, thủy sản và thú y (chiếm tỷ lệ 1,37%). Một số ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản truyền thống là khoa học đất, khuyến nông, khai thác thủy sản, quản lý và khai thác nguồn lợi biển đảo…có rất ít hoặc thậm chí không có sinh viên đăng ký theo học. Điều này đã, đang và sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng nguồn nhân lực phục vụ cho nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao khoa học công nghệ và sản xuất, chế biến, kinh doanh lĩnh vực nông nghiệp. Nguyên nhân, một phần do thu nhập của lao động trong ngành nông, lâm, thuỷ sản còn thấp, chỉ bằng 50% so với các ngành công nghiệp, xây dựng và dịch vụ.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan chủ trì hội nghị. Ảnh: Thùy Khánh

Theo PGS.TS Trần Thanh Đức, Hiệu trưởng Trường đại học Nông- Lâm, Đại học Huế, hàng năm các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng khoảng 2200-3000 kỹ sư, bác sĩ thú y nhưng số sinh viên ra trường chỉ có 1500-2000 người, mới đáp ứng 2/3 nhu cầu tuyển dụng. Nhu cầu ngày càng tăng trong khi nguồn cung giảm mạnh đã dẫn đến sự thiếu hụt đáng kể nguồn nhân lực nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản hiện nay và sẽ trầm trọng hơn trong 5-10 năm tới nếu không có các giải pháp kịp thời và bền vững. Ông Đức kiến nghị cần có sự hỗ trợ của Nhà nước đối với các trường đào tạo và sinh viên theo học các ngành nông, lâm, thuỷ sản: bồi dưỡng đội ngũ giảng viên, đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất, hỗ trợ học phí và học bổng cho các sinh viên theo học nhóm ngành nông, lâm, thủy sản như ngành Sư phạm.

Nhà trường và doanh nghiệp liên kết phát triển nhân lực

Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hợp tác với doanh nghiệp trong đào tạo, GS.TS Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam chia sẻ hiện nay, Học viện đã xây dựng mạng lưới liên kết với hơn 200 doanh nghiệp và các tập đoàn kinh tế lớn. Học viện thường xuyên tổ chức hội nghị, hội thảo với các doanh nghiệp để nắm bắt nhu cầu sản xuất thực tiễn, từ đó đưa ra các hướng đào tạo nhân lực phù hợp.

Bà Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Ảnh: Thùy Khánh

Ông Nguyễn Trung Anh, Giám đốc Nghiên cứu và Phát triển bền vững, Công ty Cổ phần Tập đoàn PAN cho biết ngành nông nghiệp đang phải đối mặt với nhiều thách thức như yêu cầu tiến bộ công nghệ, thực hành bền vững và tăng năng suất. Để giải quyết những thách thức này, nhu cầu tuyển dụng các kỹ sư có chuyên môn về nông nghiệp và thuỷ sản ngày càng tăng. Trong vậy, doanh nghiệp và các cơ sở đào tạo cần hợp tác nâng cao chất lượng, thu hút nguồn nhân lực trong ngành nông nghiệp. Đặc biệt, thiết kế các chương trình đào tạo dựa trên sự kết hợp giải quyết các vấn đề thực tế của doanh nghiệp, chú trọng sử dụng công nghệ và thực hành bền vững.
Đánh giá về vai trò của công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực phục vụ cho mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, hướng đến nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan khẳng định: Đây vừa là tiền đề quan trọng để nâng cao trình độ sản xuất, năng suất lao động, năng lực cạnh tranh và bảo đảm phát triển bền vững của ngành, vừa là xu hướng tất yếu và mang lại giá trị lâu dài cho các trường, cơ sở đào tạo và doanh nghiệp nông nghiệp. Bộ trưởng cũng nhấn mạnh cần đưa “luồng gió mới” của thị trường, kinh tế thị trường vào cơ sở đào tạo. Đó là cách để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đồng thời mở ra phương thức đào tạo: một nửa thời gian học trên trường, một nửa thời gian học thực tế ở doanh nghiệp.

Doanh nghiệp và các trường trao thỏa thuận hợp tác. Ảnh: Thùy Khánh

Chính vì vậy, thông qua hội nghị này, Bộ NN&PTNT mong muốn sẽ có nhiều thoả thuận hợp tác giữa các doanh nghiệp, tổ chức, các cơ sở đào tạo trong và ngoài Bộ trên phương diện nối nhu cầu tuyển dụng lao động giữa các doanh nghiệp và các cơ sở đào tạo, đặc biệt là nhân lực nông nghiệp chất lượng cao; hỗ trợ và khuyến khích sinh viên đăng ký học các ngành nông nghiệp, đặc biệt là các ngành khó tuyển sinh, khó xã hội hoá; nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu, thương mại hóa sản phẩm khoa học công nghệ. Đẩy mạnh truyền thông để nâng cao nhận thức của xã hội về các cơ hội trong học tập, cơ hội việc làm, cơ hội khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp.

Thùy Khánh

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!