(TSVN) – Năm quốc gia, bao gồm Philippines, Việt Nam, Indonesia, Malaysia và Trung Quốc đã chính thức khởi động Chương trình Phân tích nguồn lợi thuỷ sản chung (CFRA) đầu tiên nhằm giải quyết tình trạng cạn kiệt hải sản, đặc biệt là cá ngừ vằn ở biển Đông.
Các nhà khoa học từ 5 quốc gia này đã hợp tác để thực hiện các phân tích mang tính bước ngoặt đầu tiên về nguồn lợi hải sản chung của khu vực, cũng là nguồn thực phẩm và sinh kế cho hàng triệu người.
Hợp tác quốc tế thông qua chương trình CFRA sẽ cung cấp nền tảng khoa học để xây dựng chính sách quản lý bền vững hơn các nguồn lợi biển Đông. Mỗi quốc gia là một mắt xích quan trọng và không thể quản lý nghề cá một mình mà cần phải chung tay hành động dựa trên sự đồng thuận về mặt khoa học, ông Mudjekeewis Santos, nhà nghiên cứu Viện Nghiên cứu và Phát triển Thuỷ sản, Nông nghiệp quốc gia Philippines (DA-NFRDI) cho biết.
Tình trạng khai thác cá ngừ non trên biển Đông đang ở mức báo động, tiềm ẩn nguy cơ cạn kiệt nguồn lợi. Ảnh: Japan Times
Chương trình CFRA đầu tiên sẽ nhắm đến đối tượng cá ngừ vằn. Đây là đối tượng hải sản có giá trị kinh tế cao mà cả 5 quốc gia đều tập trung khai thác và được xếp vào nhóm cá có tập tính di cư rất xa theo Công ước của Liên hợp quốc về luật biển (UNCLOS).
Theo báo cáo của 5 quốc gia, tình trạng khai thác cá ngừ non trên biển Đông ngày càng gia tăng. Nếu không được quản lý, điều này dẫn đến nguồn lợi cá ngừ non cạn kiệt trước khi chúng có thể sinh sản, sau cùng là suy giảm nguồn lợi nhanh chóng. Một nghiên cứu trước đây cho thấy trữ lượng cá ngừ trong khu vực đã giảm từ 70 – 95% từ những năm 1950.
Cố vấn an ninh quốc gia Philippines Clarita Carlos nhấn mạnh tầm quan trọng của báo cáo và thỏa thuận khai thác chung có thể là một trong những cách thức phi truyền thống để giải quyết tranh chấp ở biển Đông. Qua phân tích chung của cả 5 quốc gia, bà Clarita Carlos khẳng định các nhà khoa học trong khu vực có thể hợp tác với nhau để phát triển bằng chứng khoa học cần thiết. DA-NFRDI và Trung tâm đối thoại nhân đạo (HD) chủ trì lễ ra mắt CFRA.
Dũng Nguyên
Theo Seafoodnews