Hợp tác song phương về thủy sản VN – Thái Lan

Chưa có đánh giá về bài viết

Nhận lời mời của Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản – Bộ Nông nghiệp & HTX Thái Lan, đoàn công tác của Bộ NN-PTNT VN do Thứ trưởng, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Vũ Văn Tám dẫn đầu vừa có chuyến thăm và làm việc tại Thái Lan.

Theo thông báo của Tổng cục Thủy sản Thái Lan,  năm 2011 tổng sản lượng nuôi trồng thủy sản (NTTS) của nước này đạt 522.168 tấn, trong đó sản lượng nuôi cá biển 14.021 tấn, nuôi tôm nước lợ 373.000 tấn, cá nước ngọt 115.800 tấn, tôm nước ngọt 19.347 tấn.

Tại cuộc hội đàm, các ý kiến đã tập trung thảo luận xoay quanh vấn đề tăng cường hơn nữa hợp tác về thủy sản giữa hai nước, bàn giải pháp xử lý việc tàu cá vi phạm vùng biển của nhau trên tinh thần hữu nghị và nhân đạo, trao đổi kinh nghiệm về phòng chống dịch bệnh trên tôm nước lợ; công tác quản lý chất lượng vệ sinh hàng thủy sản, những thách thức rào cản thương mại mà hai bên gặp phải tại thị trường Mỹ, EU, Nhật Bản; tăng cường hợp tác, hỗ trợ nhau trong công tác nghiên cứu, đào tạo nâng cao năng lực cho cán bộ và lĩnh vực khác có liên quan.

Trên cơ sở kết quả của cuộc thảo luận, căn cứ nội dung của Biên bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp đã ký năm 2003, hai bên nhất trí kiến nghị Bộ trưởng mỗi nước và ký kết biên bản sẽ thành lập tổ công tác trong lĩnh vực thủy sản giữa hai nước nhằm tăng cường thúc đẩy các hoạt động cụ thể, thiết thực hơn, với những nội dung trọng tâm:

– Hợp tác ngăn chặn và giải quyết tình hình tàu cá của hai nước vi phạm vùng biển của nhau, tăng cường trao đổi thông tin, kinh nghiệm trong lĩnh vực khai thác thủy sản. 

– Tăng cường hợp tác phát triển NTTS bao gồm cả vấn đề phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh thủy sản.

– Nhất trí tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại hàng thủy sản giữa hai nước.

– Hai bên tiếp tục thảo luận và tiến tới ký kết Hiệp định công nhận lẫn nhau (MRA) về công tác kiểm tra, giám sát chất lượng an toàn vệ sinh hàng thủy sản giữa hai nước.

– Thúc đẩy đầu tư, hợp tác trong lĩnh vực khai thác, NTTS.

– Tăng cường hợp tác nghiên cứu, đào tạo cán bộ kỹ thuật và quản lý trong lĩnh vực thủy sản.

Trong thời gian làm việc tại Thái Lan, đoàn công tác cũng đã thăm và tiếp xúc một số đơn vị quản lý, nghiên cứu, SX thủy sản nhằm trao đổi kinh nghiệm giữa hai bên. Đoàn đã làm việc tại một số tỉnh trọng điểm nghề cá Thái Lan gồm 2 trung tâm nghiên cứu và phát triển thủy sản ven biển (Phòng nghiên cứu & phát triển thủy sản ven biển; Cty nuôi trồng thủy sản (Tập đoàn CP) tại tỉnh Chachoengsao; Cty Chế biến thủy sản (TCty CP) tại tỉnh Rayong.

Tại các Trung tâm Nghiên cứu & phát triển thủy sản ven biển, hai bên đã trao đổi kinh nghiệm phòng chống dịch bệnh trên tôm. Thái Lan cũng đang xảy ra tình trạng tôm nuôi bị chết có dấu hiệu tương tự tôm nuôi bị chết tại VN từ năm 2010 đến nay. Các phòng thí nghiệm của tỉnh và TƯ, các cơ quan nghiên cứu cũng đã lấy mẫu phân tích để tìm tác nhân nhưng đến nay vẫn chưa xác định được tác nhân chính, nên gọi là bệnh tôm bị hội chứng chết sớm (VN gọi là bệnh hoại tử gan tụy). Tuy nhiên tỷ lệ tôm nuôi bị bệnh không nhiều.

Trong công tác quản lý điều kiện cơ sở nuôi, Thái Lan cũng gặp khó khăn bởi rào cản thương mại của các nước NK tôm như Mỹ, EU, Nhật Bản… Các thị trường NK yêu cầu sản phẩm tôm nuôi phải được chứng nhận GAP, GlobalGAP, GMP, HACCP… vì vậy từ năm 2007 đến nay, Chính phủ Thái Lan thực hiện kiểm tra, chứng nhận miễn phí cho cơ sở NTTS đạt chứng nhận GAP, CoC, sang năm 2013 thì việc kiểm tra, chứng nhận này bắt đầu được thu phí thông qua một số Cty có đủ năng lực về con người, phòng thí nghiệm. Cơ quan quản lý Nhà nước sẽ kiểm tra, đánh giá và cấp phép cho DN hoạt động nếu đủ năng lực, hàng năm có kiểm tra, giám sát thực hiện.

Theo đánh giá của đoàn công tác của Bộ NN-PTNT sau chuyến khảo sát thì Thái Lan chủ yếu nuôi tôm he chân trắng (chiếm 99%), nuôi tôm sú chiếm 1% diện tích nuôi tôm nước lợ của cả nước. Một số Cty lớn như CP đã chủ động hoàn toàn trong chuỗi SX từ khâu kiểm soát các yếu tố đầu vào (con giống, thức ăn, thuốc, hóa chất, chế phẩm sinh học, sản phẩm xử lý và cải tạo môi trường trong NTTS), công nghệ nuôi đến thu hoạch, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Việc kiểm soát cơ sở nuôi cũng đã được nhà nước Thái Lan quan tâm và hỗ trợ, giám sát rất tích cực.

LM

NNVN

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!