Hướng dẫn sản xuất tôm hữu cơ trong mô hình tôm – lúa

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Hoạt động sản xuất nông nghiệp hữu cơ nói chung và tôm hữu cơ (tôm – lúa) nói riêng cần đảm bảo các nguyên tắc trong sản xuất kết hợp với đạo đức con người là yếu tố cốt lõi, để phát triển ngành nông nghiệp bền vững từ nông trại cho đến bàn ăn.

Ngoài các nguyên tắc chung trong sản xuất hữu cơ là sức khỏe, sinh thái, công bằng và cẩn trọng, thì trong sản xuất tôm hữu cơ cần đảm bảo các nguyên tắc sau: 

– Hạn chế sử dụng các nguồn tài nguyên không tái tạo và các vật tư, nguyên liệu đầu vào không có nguồn gốc từ tự nhiên; 

– Sử dụng giống tôm có khả năng kháng bệnh; 

– Duy trì chất lượng môi trường nước lành mạnh và bảo tồn các hệ sinh thái thủy sinh, hệ sinh thái trên cạn xung quanh; 

– Sử dụng thức ăn cho tôm từ nguyên liệu thủy sản được khai thác bền vững, thức ăn hỗn hợp chế biến từ các thành phần nguyên liệu hữu cơ và các thành phần có nguồn gốc tự nhiên; 

– Tránh gây hại đối với các loài cần bảo tồn trong quá trình nuôi tôm hữu cơ. 

Các nguyên tắc này phải được kết hợp chặt chẽ trong quá trình sản xuất nông nghiệp hữu cơ để tạo thành hệ sinh thái bền vững. 

Nuôi nuôi tôm trên ruộng lúa. Ảnh: CTV

Dựa trên định hướng của Nhà nước về phát triển nông nghiệp hữu cơ, trong khuôn khổ chương trình quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa giai đoạn 2021 – 2030; Trung tâm Chứng nhận Phù hợp (QUACERT) đã được Bộ Khoa học và Công nghệ giao chủ trì thực hiện nhiệm vụ “Hướng dẫn tổ chức doanh nghiệp chuyển đổi sản sản xuất nông nghiệp hữu cơ theo tiêu chuẩn quốc gia và tiêu chuẩn nước nhập khẩu”, đã triển khai áp dụng sản xuất hữu cơ tại một số mô hình tôm – lúa tại tỉnh Bạc Liêu, Kiên Giang. Nhiệm vụ đã xây dựng hướng dẫn sản xuất tôm hữu cơ trong mô hình tôm – lúa hữu cơ với các bước cụ thể. 

Lựa chọn khu vực sản xuất tôm – lúa hữu cơ 

Việc lựa chọn khu vực sản xuất đảm bảo không gần các khu vực gây ô nhiễm. Có đủ nguồn nước (nước mặn cho nuôi tôm sú và nước ngọt cho trồng lúa) theo mùa vụ. Các khu vực phải phù hợp với quy hoạch của tỉnh về đối tượng và vùng sản xuất tôm – lúa. 

Cần định kỳ đánh giá các mối nguy liên quan đến vùng sản xuất và lấy mẫu đất, nước cấp, nước thải để xác định mức độ đáp ứng của khu vực sản xuất đối với các văn bản quy phạm pháp luật tương ứng. Các thông tin liên quan đến hoạt động lấy mẫu: Vị trí lấy mẫu, cơ mẫu… cần được lưu giữ đầy đủ để có cơ sở tiến hành các hành động tiếp theo (nếu cần thiết) sau khi có kết quả thử nghiệm. 

Xây dựng các quy trình thủ tục liên quan 

Kế hoạch sản xuất hữu cơ đối với các hoạt động sản xuất, sơ chế, chế biến. với các thông tin sau: 

– Bản mô tả các biện pháp thực hành và các quy trình phải thực 

hiện, bao gồm cả tần suất thực hiện: nuôi trồng, thu hoạch, chế biến, bảo quản…; 

– Danh sách vật tư, nguyên liệu đầu vào, bao gồm thông tin về thành phần, nguồn cung cấp, địa điểm sử dụng và tài liệu kèm theo, nếu có; 

– Bản mô tả các biện pháp thực hành và các quy trình giám sát cần thực hiện, bao gồm cả tần suất thực hiện, để xác minh rằng kế hoạch sản xuất hữu cơ được thực hiện có hiệu quả; 

– Bản mô tả hệ thống hồ sơ lưu trữ được thực hiện để đáp ứng các yêu cầu của tiêu chuẩn hữu cơ; 

– Bản mô tả các biện pháp thực hành và các rào cản vật lý được thiết lập để phân tách sản phẩm hữu cơ và sản phẩm không hữu cơ và để ngăn ngừa sự tiếp xúc của quá trình sản xuất hữu cơ và sản phẩm hữu cơ với các chất không được phép sử dụng trong sản xuất hữu cơ; 

– Các thông tin bổ sung cần thiết nhằm tuân thủ các quy định có liên quan. 

Đối với các HTX, nhóm hộ cần có thêm các quy định quản lý nhóm như sau: Quy định quản lý tài liệu, hồ sơ; Quy định về đánh giá nội bộ; Quy định về phân tích mối nguy… 

Xây dựng thiết kế khu vực sản xuất 

Hệ thống ao lắng 

– Ao lắng: Nhằm chủ động nước, lắng lọc phù sa, ngăn cá tạp. Diện tích ao lắng tùy thuộc vào lượng nước cần lấy trong quá trình nuôi tôm. 

– Ao ương: Để giúp tôm thích nghi tốt với môi trường, nâng cao tỷ lệ sống trước khi thả ra ao nuôi có thể sử dụng lưới mành ngăn một phần ngay trong ao nuôi để làm ao ương. Hoặc làm bể ương: bằng bạt nhựa, hình tròn, khung sắt hoặc Composite. 

Hệ thống ao nuôi – ruộng lúa 

-Bờ bao:Cần được gia cố kỹ đảm bảo vững chắc, không rò rỉ để giữ được nước và tôm nuôi và tránh sạt lở khi mưa bão. Bờ bao tại vị trí cống cấp cần đảm bảo tối thiểu 5% diện tích bề mặt có thực vật bao phủ. 

– Mương bao: Là khu vực nuôi tôm. Ngoài mương bao xung quanh ao nuôi, có thể thiết kế thêm các mương phụ theo hình bàn cờ (hoặc xương cá) có chiều rộng từ 1 – 2 m, để tăng diện tích trú ẩn cho tôm nuôi khi thời tiết thay đổi và nắng nóng. Nên thiết kế đáy mương có độ nghiêng để rút cạn khô ao khi cải tạo. 

– Mặt ruộng: Là khu vực trồng lúa. 

Quá trình chăm sóc 

Chọn giống 

– Trước khi mua giống tiến hành đo môi trường nước ao nuôi gửi đến nơi cung cấp giống. Chỉ được thả giống ở những cơ sở có chứng nhận hữu cơ và có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện về sản xuất, ương dưỡng giống. 

– Chọn con giống đáp ứng theo yêu cầu của TCVN 11041-8:2018 ngoài ra con giống phải khỏe mạnh, phản xạ nhanh và bơi ngược dòng nước, sạch bệnh. Tôm giống phải qua kiểm dịch và xét nghiệm các loại bệnh nguy hiểm như: đốm trắng, đầu vàng, Taura, MBV, hoại tử gan tụy cấp, vi bào tử trùng. 

Quản lý các yếu tố môi trường ao nuôi 

Định kỳ kiểm tra các yếu tố môi trường: pH, độ kiềm, độ trong, màu nước, khí độ NH3+, H2S…, nhằm phát hiện và điều chỉnh các yếu tố môi trường thích hợp cho tôm nuôi, hạn chế ảnh hưởng xấu đến sinh trưởng và phát triển của tôm. 

Quản lý thức ăn 

Tôm nuôi có thể sử dụng thức ăn tự nhiên hoặc thức ăn bổ sung do cơ sở nuôi tự chế biến. Thức ăn tự nhiên bao gồm: Mùn bã hữu cơ và các động thực vật phù du và giáp xác nhỏ trong ao nuôi tôm. Thức ăn tự chế phải được chế biến từ các thành phần hữu cơ, phải tương thích với chế độ ăn trong môi trường tự nhiên và phải đáp ứng với nhu cầu dinh dưỡng của tôm nuôi. Các nguyên liệu và phụ gia sử dụng của thức ăn tự chế phải tuân thủ quy định về thức ăn nuôi tôm hữu cơ. Liều lượng cho ăn tùy theo mật độ và kích cỡ tôm nuôi. 

Chăm sóc sức khỏe tôm 

Áp dụng biện pháp phòng ngừa dịch bệnh tổng hợp 

– Thiết kế và xây dựng hệ thống ao nuôi phù hợp; 

– Cải tạo thật kỹ, đúng quy trình kỹ thuật, áp dụng các biện pháp xử lý để hạn chế mầm bệnh duy trì trong ao nuôi; 

– Chọn lọc nguồn nước, lắng, lọc nước trước khi đưa vào ao nuôi; – Kiểm tra các yếu tố môi trường nằm trong khoảng thích hợp trước khi thả tôm;

– Chọn tôm giống có chất lượng tốt, nên có xét nghiệm để chọn tôm giống không mang các loại mầm bệnh nguy hiểm. Mật độ thả nuôi phù hợp; 

– Thường xuyên kiểm tra hoạt động, tình trạng sức khỏe tôm nuôi. 

Thời gian thu hoạch 

Tôm sú nuôi sau 3 – 4 tháng (từ khi thả giống) đạt kích cỡ theo nhu cầu của thị trường có thể bắt đầu thu hoạch. Trước khi thu hoạch, cần theo dõi chu kỳ lột xác của tôm và tránh thu khi tôm còn mềm vỏ dẫn đến giảm chất lượng. 

ThS NGUYỄN THỊ HẢI XUÂN

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!