T2, 06/07/2020 10:15

“Hung thần” trên vùng biển ven bờ

Chưa có đánh giá về bài viết

Theo quy định, những tàu thuyền có công suất lớn hơn 20CV không được khai thác, đánh bắt thủy hải sản ven bờ. Nhưng gần đây, nhiều tàu thuyền hành nghề giã cào có công suất lớn vẫn ngang nhiên khai thác cách bờ chưa đến 1 hải lý!

Giã cào “bay” càn quét ven bờ

Gần đây, nhiều ngư dân trên địa bàn TP. Nha Trang bức xúc khi hàng chục tàu thuyền có công suất lớn (đến vài trăm CV) nhưng không hoạt động ngoài khơi thì lại làm nghề giã cào “bay” ở ven bờ. Ngư dân Nguyễn Đình Thanh (Hòn Rớ) làm nghề lưới ghẹ thở dài: “Vùng biển gần bờ vốn đã ít tôm cá, đội tàu giã cào hoạt động suốt ngày đêm không chỉ khiến nguồn lợi hải sản ven bờ ngày càng cạn kiệt (chỉ còn khoảng 30% so với trước) mà còn làm hỏng ngư cụ của chúng tôi. Cứ đà này, chúng tôi chẳng còn gì để đánh bắt…”.

Theo ông Nguyễn Vĩnh Thọ (phường Vĩnh Nguyên), sở dĩ ngư dân gọi đội giã cào này là giã cào “bay” bởi tàu của họ có công suất rất lớn, di chuyển nhanh, có thể đạt hơn 8 hải lý/giờ. Không chỉ hoạt động ở khu vực đầm Nha Phu, ven biển Bãi Dài… đội quân này còn ngang nhiên hoạt động trong vịnh Nha Trang. Các tàu giã cào “bay” thường đi thành từng đôi và thả bộ lưới dài khoảng 500m xuống sát đáy. Đội quân giã cào “bay” đi đến đâu là quét sạch đến đó, từ những con cá, con tôm nhỏ nhất đến những vật cản, kể cả lưới, lờ… của ngư dân đang khai thác trên biển. Cách đây không lâu, số lưới ghẹ của gia đình anh Thọ trị giá hơn 3 triệu đồng đã bị hỏng và mất cũng chỉ vì giã cào “bay”.

“Hung thần” trên vùng biển ven bờ 

Đôi tàu hành nghề giã cào “bay” ngang nhiên hoạt động trong vịnh Nha Trang (ảnh chụp ngày 17/1/2013).

Với những ngư dân chuyên đánh bắt, khai thác hải sản gần bờ, mỗi lần ra biển mà gặp giã cào “bay” chẳng khác nào gặp “hung thần”. “Chúng tôi chỉ còn cách tránh xa. Đã đôi lần chúng tôi lên tiếng nhưng họ tỏ ra rất hung dữ, tàu giã cào thì lớn, ghe mình lại nhỏ, nếu họ đâm thẳng vào thì ghe mình chết chìm như chơi”, anh Thọ chia sẻ.

Ngang nhiên hoạt động sai tuyến

Để quản lý hoạt động khai thác thủy hải sản, Nghị định 33 của Chính phủ quy định, tàu thuyền có công suất từ 90CV trở lên khai thác thủy sản tại tuyến khơi, không được khai thác tại tuyến ven bờ và tuyến lộng; tàu có công suất từ 20CV đến dưới 90CV khai thác tại tuyến lộng và tuyến khơi, không được khai thác ở tuyến ven bờ; tuyến ven bờ chỉ có tàu có công suất dưới 20CV được phép khai thác. Nghị định 31 của Chính phủ cũng quy định việc xử phạt vi phạm hành chính đối với các chủ tàu thuyền hoạt động sai tuyến. Tuy nhiên, trên thực tế, vì lợi ích trước mắt, những người làm nghề giã cào “bay” vẫn bất chấp quy định, đưa tàu chỉ được khai thác ở tuyến khơi, tuyến lộng vào khai thác ngay tại tuyến ven bờ!

Trên địa bàn tỉnh hiện có gần 10.000 tàu thuyền khai thác thủy hải sản; trong đó gần 1.100 tàu thuyền có công suất hơn 90CV hoạt động các nghề chính gồm: giã cào, lưới cản, câu cá ngừ đại dương… Trung bình hàng năm, ngư dân toàn tỉnh khai thác được khoảng 80.000 tấn hải sản các loại, trong đó sản lượng khai thác ở tuyến lộng và tuyến ven bờ chỉ đạt khoảng 30.000 tấn. Lý giải về nguyên nhân nguồn lợi thủy sản ven bờ đang ngày càng cạn kiệt, ông Võ Khắc Én – Trưởng phòng Quản lý khai thác, nguồn lợi, môi trường khai thác (Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh) cho biết: “Nguyên nhân chính là do số lượng tàu thuyền khai thác ven bờ quá nhiều. Không chỉ tàu có công suất nhỏ, ngay cả các tàu có công suất lớn cũng tham gia đánh bắt. Bên cạnh đó, vì lợi ích trước mắt, nhiều ngư dân vẫn khai thác bằng những nghề cấm; đáng lo ngại nhất vẫn là nghề giã cào. Nghề này không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn lợi thủy hải sản mà còn ảnh hưởng đến ngư dân nghèo khai thác thủy sản ven bờ”. Được biết, để bảo vệ nguồn lợi thủy sản ven bờ, hiện Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh không cấp phép cho các tàu thuyền có công suất trên 90CV hành nghề giã cào. Đơn vị cũng đã triển khai nhiều đợt tuyên truyền, vận động ngư dân khai thác hải sản đúng tuyến quy định, nhưng vẫn còn nhiều ngư dân không chấp hành.

Thực trạng những tàu hành nghề giã cào “bay” hoạt động sai tuyến, vi phạm các quy định trong Nghị định 33 của Chính phủ về đánh bắt thủy sản đã và đang tiếp diễn. Tình trạng này, nếu không được ngăn chặn thì nguồn lợi thủy hải sản ven bờ sẽ cạn kiệt, đời sống của những ngư dân nghèo chuyên khai thác ven bờ sẽ hết sức khó khăn.

>> Ông Lê Văn Dũng – Phó Chánh Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Khánh Hòa: Năm 2012, Thanh tra Sở đã tổ chức 80 đợt kiểm tra đối với 320 tàu thuyền hoạt động giã cào trên địa bàn tỉnh. Qua đó, phát hiện và lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính 10 chủ tàu thuyền với số tiền 18 triệu đồng, tịch thu nhiều phương tiện đánh bắt mang tính hủy diệt. Tuy nhiên, hiện nay, việc truy quét, xử lý các tàu giã cào hoạt động trong vùng cấm khai thác là hết sức khó khăn. Bởi các đối tượng hoạt động lén lút, có “vệ tinh” cảnh báo nên nhanh chóng trốn thoát khi thấy lực lượng chức năng. Mặt khác, do khó khăn về kinh phí nên đơn vị không thể thường xuyên tổ chức truy quét được. Trong khi đó, mức xử phạt hành chính đối với hành vi vi phạm này còn thấp nên chưa đủ sức răn đe. Để xử lý việc tàu thuyền hoạt động sai tuyến, Thanh tra Sở rất cần sự phối hợp chặt chẽ của lực lượng biên phòng, chính quyền địa phương.

Bích La

Báo Khánh Hòa

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!