Hùng Vương thâu tóm cổ phiếu Agifish: Một mũi tên trúng hai đích

Chưa có đánh giá về bài viết

(Thủy sản Việt Nam) – Thâu tóm doanh nghiệp bằng cổ phiếu đang dần được coi là xu hướng đầu tư mới của các doanh nghiệp hiện nay. “Một mũi tên trúng hai đích”, nó vừa là cách để thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư, vừa có thể phục vụ mục đích đẩy mạnh sản xuất của doanh nghiệp. Công ty CP Hùng Vương đang là minh chứng cho sự thành công này.

Tầm nhìn xa

Trong những năm trở lại đây, Công ty CP Hùng Vương nổi lên không chỉ là thương hiệu lớn của ngành thủy sản mà còn là một trong những doanh nghiệp luôn duy trì được tốc độ tăng trưởng cao. Với mô hình khép kín từ sản xuất thức ăn, nuôi trồng, chế biến đến hệ thống kho lạnh dự trữ đã và đang trở thành lợi thế cạnh tranh trên thị trường. Bên cạnh đó, sự ổn định của các thị trường truyền thống và chiến lược “chiếm lĩnh” thị trường mới đã giúp đầu ra của Hùng Vương duy trì ổn định. Hiện  nay, với 150 ha ao nuôi, Hùng Vương đảm bảo được khoảng 50% nhu cầu nguyên liệu, điều đó giúp công ty ổn định sản xuất và hạn chế được các biến động. Ngoài ra, hệ thống kho lạnh hiện đại, công suất lớn vừa đáp ứng nhu cầu sản xuất vừa tạo nguồn thu ổn định cho công ty. Tuy nhiên, “tham vọng” của Hùng Vương không dừng lại ở đó, Hùng Vương đang hướng đến một sự đầu tư mới – cổ phiếu, và Agifish là phép thử đầu tiên.

Tháng 11/2009, Công ty CP Hùng Vương đã niêm yết 59.999.993 cổ phiếu trên sàn chứng khoán HoSE

Tháng 5/2008, VN-Index có xu hướng sụt giảm liên tục, các quỹ nước ngoài liên tục bán cổ phiếu của Agifish. Nắm bắt cơ hội này, Công ty CP Hùng Vương bắt đầu mua vào. Trong vòng hơn một tháng, Hùng Vương có trong tay khoảng 1,5 triệu cổ phiếu của Agifish. Tháng 6/2008, Hùng Vương tiếp tục mua một lượng lớn cổ phiếu AGF do Dragon Capital bán ra. Đến cuối tháng 8/2008, Công ty CP Hùng Vương trở thành cổ đông lớn nhất của Agifish khi nắm giữ gần 2,45 triệu cổ phiếu, tương đương 19,03% vốn AGF.

Có thể nói, đây là sự đầu tư chiến lược của Hùng Vương. Bởi thời điểm này, giá cổ phiếu AGF chỉ còn 22.000 đồng/cổ phiếu, trong khi đó, theo báo cáo tài chính tháng 4/2009 của Agifish thì công ty có khoản thặng dư vốn cổ phần 385,5 tỷ đồng từ sau đợt phát hành tăng vốn năm 2007; quỹ đầu tư phát triển 79 tỷ đồng, quỹ dự phòng tài chính 8,8 tỷ đồng… Do vậy, việc mua bán này sẽ góp phần tích cực cho chiến lược phát triển kinh doanh của Hùng Vương.

Đầu năm 2010, Công ty CP Hùng Vương bắt đầu thực hiện mong muốn tham gia kiểm soát và điều hành Agifish thông qua mua cổ phiếu AGF. Với giá chào mua 36.000 đồng/cổ phiếu, Hùng Vương đã chi 135 tỷ đồng để sở hữu 29,16% số cổ phiếu đang lưu hành của Agifish. Nâng tổng tỉ lệ nắm giữ cổ phiếu tại Agifish lên 51,08% và Hùng Vương chính thức nắm quyền điều hành Agifish.

 

Sức mạnh hợp nhất

Về lý do mua cổ phiếu của Agifish, ông Dương Ngọc Minh, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Hùng Vương cho rằng: Agifish có nền tảng của một doanh nghiệp tốt, có cơ sở hạ tầng để đẩy mạnh doanh số xuất khẩu. Điểm yếu là cách quản trị doanh nghiệp của Agifish dẫn đến hiệu quả làm ăn thấp. Do vậy, mục tiêu của việc mua bán này là nhằm nâng cao năng lực sản xuất và tối đa hóa hiệu quả đầu tư của cả hai doanh nghiệp.

Năm 2008, Hùng Vương bắt đầu “chiến dịch” khai phá thị trường, đặc biệt là thị trường Đông Âu và Nga, đáng chú ý là bản hợp đồng lớn và dài hạn cung cấp cá cho quân đội Ucraina. Và năm 2009, sau khi Nga mở cửa thị trường cho thủy sản Việt Nam thì ngay trong năm đó, Hùng Vương đã dẫn đầu cả nước về kim ngạch xuất khẩu vào thị trường này.

Theo đánh giá của các chuyên gia, việc thâu tóm này là nhằm phân chia lại thị phần, đem lại lợi ích cho cả hai phía, nhất là trong bối cảnh khó khăn. Nắm Agifish, Công ty CP Hùng Vương sẽ phát triển vùng nguyên liệu để chế biến bằng nhà máy của Agifish và với thế mạnh sẵn có, Agifish có cơ hội để khai thác thế mạnh xuất khẩu sang Mỹ và châu Âu.

Hơn nữa, việc chào mua này cũng giúp cổ phiếu HVG của Hùng Vương “nặng” hơn. Tháng 11/2009, Công ty CP Hùng Vương đã niêm yết 59.999.993 cổ phiếu trên sàn giao dịch chứng khoán TP.HCM với mã cổ phiếu là HVG. Quý 1/2010, Công ty chế biến thức ăn Việt Thắng – đơn vị nằm trong hệ thống Hùng Vương Group cũng đã chính thức niêm yết trên sàn chứng khoán TP.HCM.

 

Xu hướng mới

Trong vòng 3 tháng đầu năm 2010, trên sàn chứng khoán Việt Nam đã có 3 thương vụ chào mua công khai cổ phiếu trên sàn được công bố. Điều này gây chú ý đặc biệt cho các nhà đầu tư, bởi hiện nay kênh chứng khoán chưa có nhiều sản phẩm tài chính phát sinh. Do vậy, việc chào mua công khai này đang được xem là một hướng mới khi thực hiện các thương vụ mua bán sáp nhập doanh nghiệp.

Điển hình là thương vụ chào mua cổ phiếu giữa Công ty CP Hùng Vương và Công ty CP XNK Thủy sản An Giang. Thương vụ của hai doanh  nghiệp ngành thủy sản này diễn ra trong thời gian ngắn, Hội đồng quản trị AGF nhanh chóng thông qua việc HVG chào mua 3,75 triệu cổ phiếu, tương đương 29,16% tổng số cổ phiếu AGF đang lưu hành, giúp HVG nâng tỉ lệ sở hữu lên 51,08%.

Đối với sự việc này, dưới góc độ một nhà đầu tư chuyên nghiệp, lãnh đạo một công ty chứng khoán nhận định, khi doanh nghiệp tham gia chào mua cổ phiếu trên sàn thì cái được trước tiên là tên tuổi của hai bên được giới đầu tư biết đến nhanh chóng. Còn theo ông Lê Thẩm Dương, Trưởng khoa Quản trị kinh doanh, Đại học Ngân hàng TP. HCM: Trước đây, một doanh nghiệp muốn có thêm thành viên phải lập công ty con hoặc tìm đối tác để liên doanh liên kết. Nay, thay vì phải lập một pháp nhân và xây dựng từ đầu, họ chỉ cần chào mua cổ phiếu công khai trên sàn. Thông qua hình thức chào mua, người chủ tận dụng được bộ máy có sẵn và chỉ cần thanh lọc hay định hướng chiến lược kinh doanh mới.

Công ty CP Hùng Vương với vốn điều lệ là 600 tỷ đồng, vốn thực góp là 599.999.930.000, tháng 11/2009, Hùng Vương đã đăng ký niêm yết toàn bộ  59.999.993 cổ phiếu (mã CK: HVG) trên sàn chứng khoán TP.HCM. Loại cổ phiếu phổ thông, mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu. Tổ chức tư vấn niêm yết cho CTCP Hùng Vương là Công ty cổ phần chứng khoán Sài Gòn (SSI). Chốt phiên giao dịch đầu tiên, HVG tăng 7.500 đồng lên 57.500 đồng/cổ phiếu với 191.100 cổ phiếu được trao tay. Biên độ dao động giá trong ngày giao dịch đầu tiên là +/-20%.

Phiên giao dịch ngày 12/1/2011, giá cổ phiếu HVG ở mức 22.900 đồng/cổ phiếu, đã có 81.920 cổ phiếu được giao dịch với tổng giá trị giao dịch đạt gần 1,9 tỷ đồng. Hiện, có 66 triệu cổ phiếu HVG đang lưu hành.

Hồng Hà

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!