Ngày 2/10, Trung tâm Thông tin, thống kê, ứng dụng khoa học và công nghệ (Sở Khoa học và Công nghệ) tổ chức hội thảo tham quan, đánh giá mô hình nuôi lươn thương phẩm không bùn thuộc đề tài nghiên cứu, hoàn thiện quy trình kỹ thuật sinh sản nhân tạo giống và nuôi lươn thương phẩm không bùn tại tỉnh Hưng Yên.
Các đại biểu tham quan mô hình nuôi lươn thương phẩm không bùn tại Trung tâm Thông tin, thống kê, ứng dụng khoa học và công nghệ
Mô hình được triển khai tại 2 địa điểm: Xã Thuần Hưng (Khoái Châu), quy mô 20 bể xi măng, với 7.000 con giống và Trung tâm Thông tin, thống kê, ứng dụng khoa học và công nghệ, quy mô 15 bể bạt, khung sắt, với 5.000 con giống. Giống lươn được lựa chọn thả tại 2 địa điểm là kết quả của mô hình sinh sản nhân tạo giống do Trung tâm Thông tin, thống kê, ứng dụng khoa học và công nghệ thực hiện năm 2022 và 2023. Thời điểm thả lươn giống vào tháng 12/2023, tháng 1-2/2024, với trọng lượng lươn giống 200-300 con/kg và thả vào chiều tối.
Nhóm nghiên cứu của đề tài đã hoàn thiện quy trình kỹ thuật nuôi lươn thương phẩm không bùn phù hợp với điều kiện tự nhiên của tỉnh gồm: Lựa chọn địa điểm nuôi lươn; thiết kế khu vực nuôi lươn; chuẩn bị bể nuôi trước khi thả lươn giống; chọn lươn giống và thả giống; kỹ thuật chăm sóc và quản lý bể nuôi lươn; kỹ thuật thu hoạch lươn.
Kết quả thực hiện mô hình cho thấy, tỉ lệ sống của lươn giống sau khi thả đạt trên 82%, lươn thương phẩm tạo ra là 1,267 tấn.
Các đại biểu dự hội thảo đề nghị ban chủ nhiệm đề tài làm rõ hơn các nội dung như: Tính ưu việt, phù hợp của quy trình kỹ thuật; đánh giá hiệu quả kinh tế của mô hình; khả năng nhân rộng của mô hình…