(TSVN) – Đây là ý kiến kết luận của Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến tại Hội nghị trao tặng, hỗ trợ phục hồi sản xuất chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản các tỉnh, thành phố ảnh hưởng sau bão, lũ.
Bão số 3 (bão YAGI) đã gây ra thiệt hại hết sức nặng nề về người, tài sản, ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hoạt động sản xuất kinh doanh, đặc biệt là sản xuất nông nghiệp tại hầu hết các địa phương khu vực Bắc Bộ và Thanh Hóa. Riêng về lĩnh vực thủy sản, tính đến ngày 26/9, đã có 8.100 lồng bè, 31.000 ha nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại.
Bộ NN&PTNT, UBND các tỉnh, thành phố đã và đang có các chỉ đạo, hướng dẫn rất cụ thể để các địa phương khẩn trương khôi phục sản xuất; đồng thời kêu gọi cộng đồng trong nước, quốc tế, các nước, các doanh nghiệp và các nhà hảo tâm hỗ trợ theo tinh thần tương thân, tương ái, lá lành đùm là rách lúc hoạn nạn. Tính đến ngày 28/9/2024, tổng cộng đã có gần 190 tỷ đồng được huy động để hỗ trợ người dân và các địa phương khôi phục sản xuất, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản tại các tỉnh, thành phố chịu ảnh hưởng của bão YAGI.
Để khắc phục nhanh hậu quả do bão Yagi và mưa lũ sau bão, khôi phục và phát triển sản xuất nông, lâm, thủy sản, bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm, góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định đời sống của nhân dân, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đề nghị các địa phương, cơ quan Trung ương, cơ quan địa phương, các doanh nghiệp, hiệp hội khẩn trương, chủ động triển khai đồng bộ, kịp thời các nội dung đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, các văn bản chỉ đạo của Bộ NN&PTNT.
Trong đó, về khôi phục nuôi trồng thủy sản, Thứ trưởng chỉ đạo, trước mắt cần tiếp tục thống kê đầy đủ thiệt hại đối với nuôi trồng thủy sản các tỉnh miền Bắc bị ảnh hưởng bởi bão số 3, đề xuất chính sách hỗ trợ kịp thời cho người dân theo quy định tại Nghị định số 02/2017/NĐ-CP ngày 09/01/2017 của Thủ tướng Chính phủ.
Tổ chức quan trắc, giám sát môi trường nuôi trồng thủy sản tại các vùng bị ảnh hưởng do bão, kịp thời thông tin tới người dân về chất lượng nước nuôi trồng thủy sản, đảm bảo người dân khôi phục sản xuất sớm.
Tiếp tục kết nối các doanh nghiệp sản xuất tôm giống, thức ăn, sản phẩm xử lý môi trường, vật tư, trang thiết bị phục vụ nuôi trồng thủy sản để cung ứng hoặc hỗ trợ khôi phục sản xuất tại các vùng bị thiệt hại. Đồng thời, tiếp tục tập huấn, tuyên truyền,hướng dẫn người dân làm sạch môi trường, chuẩn bị ao đầm, lồng bè nuôi, sẵn sàng thả giống khi điều kiện cho phép.
Về lâu dài, cần rà soát các vùng nuôi tập trung và đầu tư hạ tầng đáp ứng yêu cầu công tác phòng chống thiên tai, hạn chế thiệt hại và khôi phục sản xuất. Tổ chức lại sản xuất theo hướng liên kết, tiếp cận công nghệ mới, công nghệ hiện đại, quy mô lớn và theo chuỗi khép kín; Kiên quyết di dời các cơ sở nuôi ra khỏi vùng có nguy cơ cao bị ảnh hưởng bởi thiên tai, bão lũ, biến động môi trường. Cùng đó, nâng cao nhận thức, tăng cường năng lực và kỹ năng cho người dân trong việc ứng phó và thích nghi với các tình huống thiên tai liên quan đến ngành thủy sản.
Thứ trưởng cũng chỉ đạo Cục Thủy sản thành lập các đoàn công tác đến các địa phương để hỗ trợ, hướng dẫn, đôn đốc triển khai các biện pháp cải tạo, gia cố ao hồ, lồng bè; các biện nuôi trồng thủy sản bảo đảm an toàn. Tổ chức triển khai quan trắc môi trường vùng nuôi để kịp thời cảnh báo, hướng dẫn các biện pháp phù hợp.
Các doanh nghiệp, hiệp hội tiếp tục đồng hành, hỗ trợ người dân và các địa phương bằng nhiều hình thức khác nhau như hỗ trợ khắc phục cơ sở hạ tầng chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, cung ứng con giống, thuốc, vắc xin; hỗ trợ kỹ thuật chăm sóc, nuôi dưỡng đàn vật nuôi và thủy sản nuôi.
Bảo Hân