Hướng đến một nghề cá có trách nhiệm

Chưa có đánh giá về bài viết

Ngày 29/6, làm việc với UBND tỉnh về tình hình thực hiện một số nhiệm vụ cấp bách nhằm tháo gỡ “thẻ vàng”, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến đánh giá cao và yêu cầu Bình Định tiếp tục thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp nhằm nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững.


Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến (đầu tiên từ phải qua) kiểm tra công tác vệ sinh môi trường tại Cảng cá Quy Nhơn.

Nhìn nhận đúng thực tế

Báo cáo với Đoàn công tác của Bộ NN&PTNT cho thấy, mặc dù Bình Định đã thực hiện quyết liệt một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách nhằm khắc phục khuyến cáo của EC về chống khai thác IUU, nhưng công tác quản lý, giám sát tàu cá khai thác thủy sản vẫn gặp nhiều khó khăn. Đáng lo ngại là tình trạng tàu cá vi phạm lãnh hải nước ngoài tiếp tục diễn biến phức tạp. Năm 2018, có 22 tàu cá/175 ngư dân vi phạm, nhưng mới chỉ 6 tháng đầu năm đã có 13 tàu/89 ngư dân vi phạm. Việc xử lý tàu cá hành nghề xung điện xiệc máy, nghề lưới kéo… ảnh hướng đến việc thực hiện các khuyến cáo của EC. Theo đại Đại tá Trần Huy Giáp, Phó Giám đốc Công an tỉnh, có nhiều tàu cá xuất bến ngoài tỉnh và thường xuyên không về tỉnh hoặc tàu được bán cho ngư dân tỉnh khác nhưng vẫn mang biển hiệu Bình Định vi phạm vùng biển nước ngoài, nên việc điều tra, xử lý gặp rất nhiều khó khăn.

Công tác xác nhận nguồn gốc nguyên liệu thủy sản cũng còn nhiều hạn chế. “Cảng cá Tam Quan – nơi tập trung 95% tàu cá khai thác thủy sản xa bờ của tỉnh, nhưng chưa đủ điều kiện xác nhận nguồn gốc nguyên liệu thủy sản khai thác. Nếu không xác nhận nguồn gốc thủy sản sẽ ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, xuất khẩu thủy sản, thu nhập của ngư dân và của cả tỉnh. Việc cấp Giấy phép khai thác thủy sản đối với 723 tàu, chiều dài dưới 15 m theo quy định cũng là bài toán nan giải, do loại  tàu này đang hoạt động các nghề ở vùng khơi, nếu chuyển vào hoạt động ở vùng lộng sẽ không phù hợp và không có hiệu quả. Việc chuyển đổi nghề hoặc chuyển đổi vùng khai thác cũng gặp khó khăn do không có hạn ngạch giấy phép khai thác thủy sản nên đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất và gây bức xúc cho ngư dân” – ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN&PTNT Bình Định cho biết.

Chủ động thực hiện nhiều biện pháp

Bà Phan Thị Huệ, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra của Tổng cục Thủy sản, khuyến nghị, vấn đề mà EC quan tâm là công tác tổ chức, quản lý tàu cá; truy xuất nguồn gốc; xác nhận, chứng nhận thủy sản và việc cấp giấy phép khai thác thủy sản. Vì vậy, các hoạt động mà Bình Định đã triển khai đều phải thể hiện trong hồ sơ, để minh chứng rằng Bình Định nói riêng, Việt Nam nói chung đã nỗ lực thực hiện khuyến cáo của EC. 

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến yêu cầu địa phương tiếp tục phát huy tinh thần trách nhiệm, cụ thể hóa các quy định của Luật Thủy sản. Đây là giải pháp quan trọng để Bình Định nói riêng và Việt Nam nói chung hướng đến một nghề cá có trách nhiệm và bền vững, là cơ sở để chứng minh, thuyết phục EC xóa bỏ “thẻ vàng” cho thủy sản Việt Nam. Bộ NN&PTNT tiếp tục hỗ trợ tỉnh đầu tư phát triển ngành nghề thủy sản theo hướng bền vững.

Phạm Tiến Sỹ

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!