T2, 06/07/2020 09:49

Hướng đến mục tiêu 5,5 tỷ USD

Chưa có đánh giá về bài viết

(Thủy sản Việt Nam) – TNăm 2011, ngành thủy sản Việt Nam lại tiếp tục cho một mục tiêu mới – xuất khẩu 5,5 tỷ USD. Một con số không dễ đạt được nhưng vẫn hoàn toàn có thể nếu ngành thủy sản Việt Nam giữ vững được các thị trường hàng đầu, xông pha những thị trường tiềm năng và chinh phục những “miền đất hứa”.

Giữ thị trường hàng đầu

Bắt đầu từ năm 2000, cơ cấu thị trường xuất khẩu của thủy sản Việt Nam có sự thay đổi rõ nét. Trước đây, Việt Nam chỉ xuất khẩu qua hai thị trường trung gian là Hồng Kông và Singapore thì nay các sản phẩm của thủy sản Việt Nam đã có mặt trên 162 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Năm 2010, dù nhiều biến động nhưng Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc vẫn là những thị trường nhập khẩu thủy sản chính của Việt Nam.

Dẫn đầu là thị trường Mỹ, chiếm 68% tổng kim ngạch xuất khẩu với 971 triệu USD, tiếp đến là Nhật Bản 897 triệu USD, Hàn Quốc 386 triệu USD. Trong bối cảnh của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, các quy định quốc tế mới, các vấn đề về chất lượng sản phẩm thủy hải sản và đặc biệt là các rào cản kỹ thuật từ các nước, cụ thể như: áp thuế chống bán phá giá cao đối với cá tra, basa lên 130%; Nhật Bản nâng cao mức kiểm soát đối với sản phẩm thủy sản từ Việt Nam, có khi lên đến 100% do các lô hàng nhập khẩu từ Việt Nam dư lượng Trifluralin vượt mức cho phép; Qũy Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) đưa cá tra, basa Việt Nam vào danh sách “nhãn đỏ” trong Cẩm nang Hướng dẫn tiêu dùng tại một số nước châu Âu; Câu chuyện tạm dừng nhập khẩu lô hàng 23 tấn cá nóc đầu tiên…

Cá ngừ một trong những tiềm năng xuất khẩu của thủy sản Việt Nam     Ảnh: Nguồn Dost-dongnai

Hàng loạt các khó khăn chồng chéo nhưng xuất khẩu thủy sản Việt Nam vẫn đạt được mức tăng trưởng đáng ghi nhận 5,034 tỷ USD. Tiếp tục cho mục tiêu xuất khẩu thủy sản 5,5 tỷ USD năm 2011, không dễ, nhưng nếu ngành thủy sản Việt Nam chủ động đảm bảo tốt vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, tận dụng nhiều cơ hội hơn nữa và tiếp tục giữ vững được những thị trường hàng đầu như hiện nay thì việc đạt được mục tiêu đề ra là hoàn toàn có thể.

 

Xông pha những “sân chơi” tiềm năng

Năm 2010, nhập khẩu thủy sản Việt Nam từ các thị trường như Trung Quốc và Hồng Kông (247 triệu USD), Đức (210 triệu USD), Tây Ban Nha (167 triệu USD), Australia (152 triệu USD), Italia (136 triệu USD), Hà Lan (132 triệu USD) và Pháp (122 triệu USD)… cũng đạt được sự tăng trưởng khá ấn tượng.

Bên cạnh các thị trường truyền thống có xu hướng giữ vững nhu cầu tiêu thụ thì thủy sản Việt Nam còn có cơ hội mở rộng thị trường sang các nước có tiềm năng như Trung Quốc, Italia, Tây Ban Nha, Đức, Hà Lan… Hiện nay, tại các thị trường này, những mặt hàng thủy sản của Việt Nam đang ngày càng được người tiêu dùng ưa chuộng. Bên cạnh đó, các thị trường này cũng đang mở rộng cánh cửa cho các nhà nhập khẩu Việt Nam tiến đến.

Trung Quốc, nước láng giềng Việt Nam đang chuyển hướng từ nước xuất khẩu sang nhập khẩu cho chế biến và với chính sách thương mại song phương đang ngày một cải thiện cũng sẽ góp phần thúc đẩy xuất khẩu thủy sản Việt Nam chính ngạch lẫn tiểu ngạch. Tây Ban Nha đang là một trong những nhà nhập khẩu cá ngừ lớn nhất của Việt Nam. Tính đến hết tháng 10/2010, nước này đã nhập khẩu tổng cộng 1,38 nghìn tấn sản phẩm cá ngừ của Việt Nam, với kim ngạch đạt khoảng 5,2 triệu USD. Italia là đất nước tuy có nền khoa học – công nghệ ứng dụng trong công nghiệp khá phát triển, nhưng lại có nhu cầu nhập khẩu thủy sản rất lớn, trung bình từ 0,9 – 1 triệu tấn thủy sản/năm, đứng thứ 5 thế giới và đứng thứ 3 trong khu vực EU… Và nhiều thị trường lớn tiềm năng khác như Đức, Hà Lan, Australia, Nga… cũng đang bỏ ngỏ cánh cửa cho thủy sản Việt Nam.

Chinh phục các “miền đất hứa”

Nếu như trước đây, chỉ có một vài quốc gia châu Phi như Nam Phi, Trung Phi, Nigeria, Libya, Algeria, Angola… nhập khẩu thủy sản từ Việt Nam với khối lượng không lớn, từ 5 – 150 tấn thủy sản/năm, thì hiện nay, tính đến 8 tháng đầu năm 2010, Ai Cập đã nhập khẩu trên 16 nghìn tấn thủy sản (chủ yếu là tôm sú sống, tươi, đông lạnh, tôm sú chế biến, tôm chân trắng sống, tươi, đông lạnh, cá tra, basa và nhuyễn thể)… từ Việt Nam, tiếp đó là Algeria (1.900 tấn), Nigeria (1.034 tấn), Libya (407 tấn), Nam Phi (223 tấn)…

Không chỉ có những quốc gia ở châu Phi mà thị trường Đan Mạch cũng có thể được xem là một trong những “miền đất hứa” cho xuất khẩu thủy sản Việt Nam. Nếu thị trường châu Phi có nhu cầu ngày càng lớn nhưng yêu cầu về chất lượng và đòi hỏi về mẫu mã không quá khắt khe… thì thị trường Đan Mạch lại đang có những chính sách rộng mở về cơ hội hợp tác thương mại song phương  trong nhiều lĩnh vực, trong đó có thủy sản. Đại sứ Vương quốc Đan Mạch tại Việt Nam – Ngài John Nielsen cho biết: Đan Mạch sẽ nỗ lực tăng cường mối quan hệ hợp tác thương mại với các đối tác Việt Nam trong ngành thủy sản để giúp những thành quả đạt được như ngày hôm nay phát triển hơn nữa trong tương lai.

Hồng Thắm

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!