T4, 08/11/2023 08:00

Hướng đến nghề cá hiện đại: Phát huy vai trò chủ thể của ngư dân

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan từng nhận định, ngư nghiệp, ngư dân, ngư trường phải được nhìn nhận một cách chỉnh thể, đồng bộ, xuyên suốt. Ngư dân phải được đặt ở vị trí trọng tâm trong chiến lược phát triển kinh tế biển, hướng đến một quốc gia mạnh về biển, giàu về biển. Ngư dân phải được xem là một trong những hình ảnh đại diện của quốc gia trong thế kỷ của biển và đại dương.

Gian truân nghề biển 

Nếu như mọi năm, vào thời điểm này, tại cảng cá Gành Hào, huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu không khí lao động tất bật, tàu cá đầy khoang trở về sau những chuyến đánh bắt dài ngày trên biển, thì hiện không khí cảng cá trầm lắng, vắng vẻ đến bất ngờ. Dù đang là vụ cá chính trong năm thế nhưng nhiều tàu của ngư dân trở về với khoang vơi cá. 

Chiến lược quốc gia phát triển khai thác thủy sản hiệu quả, bền vững hướng đến ngư dân là trung tâm. Ảnh: Như Đồng

Ngư dân Đặng Quốc Thùy, chủ tàu cá ở ấp 1, thị trấn Gành Hào cho biết, nhiều chuyến biển lượng hải sản mà tàu cá của anh đánh bắt sụt giảm tới 1/3 so với mọi năm, vì thế nên thua lỗ nặng. Theo tính toán của anh, với tàu cá công suất trên 400 CV, một chuyến đánh bắt xa bờ khoảng 1 tháng, chi phí hơn 500 triệu đồng, trong đó trả tiền công cho ngư phủ đã gần 100 triệu đồng, tiền dầu khoảng 15.000 đồng/lít, tương đương gần 300 triệu đồng. Chi phí lớn là vậy, trong khi tiền bán thủy sản mỗi chuyến chưa được 400 triệu đồng, tính ra lỗ từ vài chục triệu đến hơn 100 triệu đồng/chuyến. 

Giá dầu tăng cao quá, chi phí cho mỗi chuyến biển lên gấp đôi. Hiện giá dầu diesel đã hơn 23.000 đồng/lít. Riêng nhiên liệu đã chiếm hơn một nửa chi phí ra khơi khai thác hải sản. Mỗi lần giá xăng dầu tăng, ngư dân và các chủ tàu âu lo đủ đường. Ngoài dầu tăng giá, các chi phí khác cũng tăng cao, nên thua lỗ triền miên. Hiện nay, nhiều tàu cá ở đây phải nằm bờ cả tháng, chờ khi nào thấy giá cả tạm ổn mới ra khơi đánh bắt lại. Đó là những chia sẻ đầy ngậm ngùi của ngư dân Mã Thanh Tường, chủ tàu cá ở ấp 1, thị trấn Gành Hào. 

Ngư dân Hồ Giống, (72 tuổi, ngụ thôn Hà Dương, xã Bảo Minh, TP Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình) đã có thâm niên gần 40 năm với nghề biển cho biết, nghề rập ghẹ vào mùa hè cho sản lượng đánh bắt tốt, trong khi mùa đông thì gần như người dân phải gác chài treo lưới vì biển động. 

Khoảng hai tháng gần đây, thuyền gia đình ông phải nằm bờ vì việc đánh bắt rập ghẹ không có. So với trước đây thì sản lượng những năm qua có giảm, trong khi chi phí cho mỗi chuyến đi lại tăng cao. Mỗi chuyến vươn khơi, gia đình ông chi phí khoảng 75 – 100 triệu đồng tùy vào thời gian bám trụ trên biển. Trong đó, chi phí tiền dầu đã lên đến gần 70 triệu đồng, bình quân cho 3 tấn dầu/chuyến. Ông kiến nghị, mong muốn nhà nước có thêm chính sách hỗ trợ ngư dân vay vốn, giảm lãi suất cho vay để sửa chữa tàu thuyền, mua sắm trang thiết bị, tăng đời sống cho ngư dân; cùng đó, ổn định giá cả thị trường, tăng giá trị sản phẩm khai thác. 

Hiện đại hóa nghề cá 

Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, tình trạng ô nhiễm môi trường biển, ven biển đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng; các hoạt động kinh tế ở vùng ven biển diễn biến ngày càng phức tạp… Tình trạng vi phạm pháp luật liên quan đến khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản vẫn diễn ra phổ biến, thường xuyên, như: còn hiện tượng sử dụng các nghề, ngư cụ có tính tận diệt nguồn lợi thủy sản như chất nổ, xung điện, lưới kéo, lưới kéo đôi (giã cào bay); đánh bắt cá con; đánh bắt trái phép ở vùng biển ven bờ, trong và xung quanh các khu bảo tồn biển, thủy vực nội đồng vẫn tiếp diễn ngày càng tinh vi; tình trạng đánh bắt, thu mua, vận chuyển, tiêu thụ các loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm vẫn còn diễn ra. 

Công tác điều tra, đánh giá nguồn lợi thủy sản đã được quan tâm triển khai, nhưng còn một số khu vực chưa có thông tin, dữ liệu về nguồn lợi thủy sản do chưa thực hiện điều tra như: vùng biển sâu, vùng gò nổi, rạn ngầm…, dẫn đến chưa có đầy đủ thông tin về trữ lượng nguồn lợi thủy sản. Hơn nữa, hiện nay đang thiếu các chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề cho ngư dân trong khi công tác tổ chức hỗ trợ cộng đồng tham gia bảo vệ nguồn lợi thủy sản, thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản chưa đồng bộ, chủ yếu tập trung ở vùng biển ven bờ. 

Trước thực tế này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã yêu cầu Bộ NN&PTNT triển khai thực hiện các chương trình điều tra đánh giá tổng thể nguồn lợi thủy sản và môi trường sống của thủy sản định kỳ 5 năm. Điều chỉnh cơ cấu tàu thuyền đối với một số ngành nghề ở vùng biển phù hợp khả năng cho phép của nguồn lợi thủy sản. Tổ chức thực hiện có hiệu quả quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản giai đoạn 2021 – 2030 sau khi được phê duyệt, Chương trình quốc gia bảo vệ, phát triển nguồn lợi thủy sản 2023 – 2030, rà soát, điều chỉnh thành lập mới các khu bảo tồn biển cấp quốc gia, cấp tỉnh, nhằm đạt mục tiêu tối thiểu 6% diện tích vùng biển cần được bảo tồn. 

Xây dựng chính sách chuyển đổi nghề, chuyển đổi sinh kế cho cộng đồng ngư dân sang các nghề khác, hỗ trợ ngư dân trong thời gian tạm ngừng khai thác thủy sản, phát triển đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Xây dựng các chính sách, nhằm hỗ trợ các khu bảo tồn biển phát triển bền vững, quản lý tốt hạn ngạch khai thác hải sản, đẩy mạnh chuyển đổi từ nghề khai thác xâm hại nguồn lợi thủy sản và môi trường sang làm các nghề khác phù hợp hơn cho ngư dân. 

Được biết, Chính phủ có đề án chuyển đổi khoảng 2.000 tàu cá hoạt động ở vùng biển ven bờ, vùng lộng đang làm nghề khai thác hải sản sang nghề NTTS, dịch vụ NTTS, nghề cá giải trí, các nghề mà địa phương đang có định hướng phát triển hoặc tham gia hướng dẫn du lịch trong khu vực bảo tồn… 

>> Tại buổi tiếp xúc cử tri quận Đồ Sơn, TP Hải Phòng mới đây, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhận định, ý kiến của các cử tri về việc xem xét, chỉ đạo, nghiên cứu có chính sách hỗ trợ ngư dân thực hiện việc chuyển đổi nghề khai thác, để ngư dân yên tâm sản xuất, phát triển kinh tế gắn với bảo vệ chủ quyền biển đảo, bảo đảm theo đúng quy định của pháp luật là hoàn toàn xác đáng; nội dung này liên quan đến Luật Thủy sản 2017, vấn đề hoán đổi nghề nghiệp. Đồng thời, chúng ta phải chống khai thác IUU, để tháo gỡ “thẻ vàng” của EC; bảo đảm phát triển bền vững cho nghề cá. 

ÔNG LÊ MINH HOAN, BỘ TRƯỞNG BỘ NN&PTNT 

Trong giải pháp phát triển bền vững ngành thủy sản, chống khai thác IUU, ngoài công cụ bằng pháp luật thì còn có sức mạnh cộng đồng và nguồn lực kinh tế. Ngành thủy sản phải xây dựng chiến lược là ngư nghiệp - ngư dân - ngư trường, xây dựng cơ chế đồng quản lý là người dân cùng có trách nhiệm, nâng cao nhận thức từ người dân, cán bộ địa phương, mục tiêu là gỡ “thẻ vàng” EC, chống khai thác IUU. Đối với chống khai thác IUU, ngành nông nghiệp không chỉ quan tâm đến việc xây dựng thể chế tốt mà còn quan tâm đến ý thức ngư dân, từ thể chế nhà nước đến hành động của ngư dân. 

Ngành thủy sản muốn phát triển bền vững thì phải quan tâm tới yếu tố con người, trong đó cần chuyển đổi nghề khai thác trên biển phù hợp, đa ngành, đa dạng, giá trị cao. Những kế hoạch hành động trong chuyển đổi nghề phải từ cơ sở, từ mỗi ngư dân, tìm được tiếng nói chung giữa nhà nước và người dân, hỗ trợ phải hướng đến thứ ngư dân cần. 

Chiến lược quốc gia phát triển khai thác thủy sản hiệu quả, bền vững hướng đến ngư dân là trung tâm, không chỉ dừng lại ở việc hỗ trợ an sinh xã hội. Chiến lược bắt đầu từ việc định danh, định hướng, đào tạo nghề nghiệp, tổ chức lại một ngành nghề chuyên nghiệp để hướng đến một nền ngư nghiệp chuyên nghiệp. Chiến lược phải được xây dựng và triển khai thực hiện bằng tình cảm, bằng tinh thần trách nhiệm của chúng ta với hàng trăm nghìn ngư dân bám biển, sống chết với biển. 

Đừng chỉ nhìn ngư nghiệp qua những con số tăng trưởng, sản lượng khai thác, kim ngạch xuất khẩu, mà hãy ghi nhận từng đóng góp của những ngư dân chung tay tạo ra những con số đó. Đừng chỉ nhìn ngư dân bằng đôi mắt thương cảm, mà hãy tìm hiểu, lắng nghe bằng tấm lòng thấu cảm đối với những con người chọn cho mình một nghề từng được xem là “hạ bạc”. Đừng chỉ nhìn ngư trường chỉ là nơi khai thác tài nguyên biển, mà hãy cùng nhắc nhớ rằng đấy là Tổ quốc thiêng liêng mà mỗi người thể hiện tinh thần yêu nước của mình. Yêu biển là yêu nước, yêu biển là yêu những người ngư dân khát khao khám phá biển! 

Diệu An

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!