Có thể nói, năm 2012 là năm hoạt động khai thác đánh bắt thủy sản của huyện Đông Hải gặp nhiều khó khăn. Song, với việc tập trung thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ ngư dân của Ban chỉ đạo sản xuất huyện, hoạt động đánh bắt thủy sản tiếp tục phát triển và tăng cao so với cùng kỳ năm trước.
Cùng với những bất cập về hạ tầng chưa phục vụ kịp cho nhu cầu phát triển sản xuất, ngư dân huyện Đông Hải còn đối mặt với hàng loạt vấn đề từ ảnh hưởng thời tiết, giá nhiên vật liệu đầu vào tăng cao, giá thu mua nguyên liệu thủy sản không ổn định… Vậy mà, năm qua, ngư dân của huyện đã khai thác gần 52.000 tấn thủy sản. Trong đó, tôm chiếm hơn 9.400 tấn, còn lại là cá và các loại thủy sản khác.
Ông Nguyễn Văn Vũ (thị trấn Gành Hào, huyện Đông Hải), đúc kết: “Khó khăn nhất của năm qua chính là giá thu mua nguyên liệu thủy sản không ổn định và có nhiều loại giá thu mua thấp hơn so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, do hiệu quả khai thác kém nên ngư dân lãi không nhiều, thậm chí lỗ nếu gặp phải thời tiết không thuận lợi”.
Thu mua nguyên liệu thủy sản ở Cảng cá Gành Hào – Ảnh: K.T
Đối phó với khó khăn này, ngư dân đã áp dụng nhiều mô hình khai thác để giảm chi phí đầu tư, tăng lợi nhuận như khai thác thủy sản bằng lưới rê xù, nghề câu, hoạt động theo tổ đội… Đơn cử như việc phát triển các đội tàu dịch vụ hậu cần nghề cá, bên cạnh việc tiếp tế nguyên liệu để các phương tiện khai thác tiếp tục đánh bắt khỏi phải đưa tàu vào cảng để lên hàng, các tàu dịch vụ này còn thu mua thủy sản ô-xy (thủy sản tươi sống) cho lợi nhuận cao gấp 3 – 4 lần so với thủy sản muối đá.
Tuy nhiên, phần lớn các phương tiện khai thác và áp dụng những mô hình này đều là những phương tiện khai thác xa bờ, còn phương tiện đánh bắt gần bờ thì không thể áp dụng. Nêu lên vấn đề để thấy rằng, hoạt động khai thác thủy sản của huyện vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Trong tổng số hơn 600 phương tiện khai thác thủy sản trong toàn huyện, chỉ có 262 phương tiện có công suất 90CV trở lên đủ điều kiện đánh bắt xa bờ, còn gần 340 phương tiện đều là tàu nhỏ khai thác gần bờ và chủ yếu là các ghe cào, ghe te. Đối với những phương tiện nhỏ này, hiệu quả khai thác không những không cao (do máy tàu lạc hậu “uống dầu” nhiều), mà còn làm hủy diệt nguồn lợi thủy sản gần bờ.
Đánh giá về hoạt động khai thác thủy sản năm 2012, ông Nguyễn Trường Hận, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Đông Hải, cho rằng: “Thành công trong hoạt động đánh bắt thủy sản năm qua thể hiện sự nỗ lực rất lớn của bà con ngư dân. Nếu không, sẽ khó đạt mục tiêu đề ra. Năm nay, có nhiều phương tiện được đóng mới và chủ yếu là phương tiện đánh bắt xa bờ. Năm 2013 này, huyện sẽ tập trung củng cố và phát triển các mô hình khai thác hiệu quả như: cào đôi, tổ, đội hợp tác trên biển, dịch vụ hậu cần nghề cá… Đồng thời, thực hiện có hiệu quả các chương trình hỗ trợ của Chính phủ, Bộ NN&PTNT cho các phương tiện khai thác ở vùng đảo Trường Sa, Hoàng Sa với mục tiêu ngày càng có nhiều phương tiện khai thác ở hai khu vực này. Song song đó, tăng cường đầu tư về vốn, kỹ thuật cho các phương tiện đánh bắt xa bờ…”.
Với những giải pháp hỗ trợ trên, hoạt động khai thác thủy sản năm 2013 của ngư dân hứa hẹn sẽ thắng lợi và có nhiều đội tàu tiếp tục vươn ra biển lớn.