Huyện Vân Đồn: Giao mặt nước biển, khôi phục nuôi trồng thủy sản

Chưa có đánh giá về bài viết

Là địa phương thiệt hại nặng nề nhất tỉnh về nuôi trồng thủy sản (NTTS) do bão số 3 (Yagi) gây ra, huyện Vân Đồn đã tập trung sắp xếp vùng nuôi giúp người dân nhanh chóng khôi phục lại nghề nuôi biển.

Các hộ nuôi trồng thủy sản thả phao, xuống giống mới.

Sau những thiệt hại do bão số 3 gây ra đối với ngành thủy sản của huyện, nhằm tạo điều kiện cho các đơn vị, hợp tác xã, hộ NTTS nhanh chóng tái sản xuất, trên cơ sở Đề án phát triển NTTS trên biển huyện đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được phê duyệt, huyện thực hiện bàn giao khu vực biển NTTS cho người dân. Theo Đề án, huyện có 23.821ha, gồm 91 khu vực biển đã được tích hợp vào Quy hoạch chung của tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 (Quyết định số 80/QĐ-UBND ngày 11/2/2023). Trong đó diện tích nằm trong 3 hải lý là hơn 12.385ha; từ 3 đến 6 hải lý là hơn 8.360ha; ngoài 6 hải lý là trên 3.075ha; vùng nuôi an toàn bền vững cho cá biển là 1.025,9ha, nuôi nhuyễn thể là 5.773,4ha

Trên cơ sở Đề án, huyện chỉ đạo các các Phòng TN&MT, NN&PTNT sắp xếp lại vùng NTTS theo diện tích được quy hoạch, đồng thời tiến hành tạm giao vị trí, diện tích mặt nước trên cơ sở hiện trạng các hộ đã nuôi cho người dân. Đến thời điểm này huyện đã giao khu vực biển cho 5 hộ NTTS (dưới 1ha trong vùng 3 hải lý thuộc thẩm quyền của cấp huyện), tổng diện tích 2,6 ha; tạm giao khu vực biển cho 85 HTX (1.165 thành viên), tổng diện tích khoảng 7.700ha. Đến nay các hộ đã xuống giống mới 900/2.240ha hàu; khôi phục hoàn toàn 3.750 lồng cá bị bão đánh hư hỏng. Việc giao khu vực biển cho người dân NTTS đã góp phần nhanh chóng khôi phục ngành kinh tế mũi nhọn, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội địa phương.

Anh Phạm Văn Thân (thị trấn Cái Rồng) là một trong 5 hộ dân đầu tiên được huyện ra quyết định giao 5.000m2 mặt nước biển, cho biết: “Gia đình tôi có gần 300 ô lồng nuôi cá, bị thiệt hại khoảng 90% do bão số 3 gây ra. Ngay sau khi được giao mặt nước, gia đình đã nhanh chóng khôi phục lồng bè để chuẩn bị tái thiết sản xuất”.

Bên cạnh 5 hộ được giao biển theo thẩm quyền của huyện, 5 HTX đang được các sở, ngành chức năng thẩm định. Trong đó, sơ đồ khu vực biển của HTX Trung Nam (xã Bản Sen, xã Đông Xá) đã được UBND tỉnh phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường. Anh Ngô Nam Trung, Giám đốc HTX, cho biết: HTX hiện có 20 xã viên, đều có thâm niên nuôi biển ở Vân Đồn hơn chục năm nay. Được cấp phép NTTS theo sơ đồ giúp người nuôi biển xác lập “chủ quyền mặt nước” trong hồ sơ pháp lý vững bền. “Bìa đỏ trên mặt nước” sẽ tránh được những tranh chấp phát sinh, không bị chồng lấn các dự án; đảm bảo an toàn, an ninh trên biển. Quan trọng nhất là có xuất xứ về nguồn gốc vật nuôi, sản phẩm sẽ có mã số vùng trồng, một công đoạn trong mắt xích của chuỗi tuần hoàn nuôi biển, giá trị kinh tế của vật nuôi sẽ được nâng lên rất nhiều.

Theo thống kê của huyện, năm 2024 tổng diện tích nuôi trồng khoảng 3.869ha/1.230 cơ sở nuôi trồng; đối tượng nuôi chính là hàu, cá song, sản lượng nuôi trồng 63.395 tấn, bằng 100,1% so với kịch bản tăng trưởng của huyện, bằng 181% so với kế hoạch tỉnh giao.

Hiểu Trân
Nguồn: Báo Quảng Ninh

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!