Huyện Vân Đồn – Quảng Ninh: Bấp bênh nghề nuôi tu hài

Chưa có đánh giá về bài viết

(Thủy sản Việt Nam) – Theo Phòng NN&PTNT huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh, đến thời điểm hiện nay toàn huyện có khoảng 700 hộ và 20 đơn vị, doanh nghiệp nuôi tu hài bị thiệt hại do dịch bệnh. Nguyên nhân đã tìm ra nhưng khó khăn của người nuôi thì vẫn đang bế tắc.

Thiệt hại lớn

Theo sự chỉ dẫn của cán bộ Phòng NN&PTNT huyện Vân Đồn, chúng tôi đến xã Bản Sen, một trong những xã bị thiệt hại nặng nề do tu hài chết hàng loạt. Anh Phạm Hải Đôn, thôn Nà Sắn cho biết: Mấy năm trước, tôi đầu tư 100 triệu, thu lãi 100 triệu là chuyện bình thường, tuy nhiên từ tháng 8/2011 bắt đầu xuất hiện dịch bệnh làm tu hài chết, đặc biệt là vào thời điểm tháng 4, 5 năm nay. 6.000 lồng nuôi tu hài thương phẩm đến giai đoạn thu hoạch nhưng đang bị chết, mỗi lồng chỉ còn sót lại từ 5-7 con, lồng nào nhiều thì hơn chục con nhưng vẫn đang tiếp tục chết. Nếu trước đây giá tu hài thương phẩm từ 140.000 – 150.000 đồng/kg thì nay chỉ còn 50.000 – 60.000 đồng/kg, anh Đôn nói.

Dẫn chúng tôi ra thăm khu bè ương tu hài giống, anh cho biết, hiện nay tu hài giống ương tại bè đã đạt cỡ giống cấp 2 nhưng cũng bị mắc bệnh và đang chết nên anh cũng chưa dám xuống giống để nuôi. Nếu tính giá bán hiện nay khoảng 1.000 đồng/con thì riêng tu hài giống anh đã thiệt hại khoảng 600 triệu đồng.

Không chỉ hộ gia đình mà cả doanh nghiệp như Công ty TNHH Đỗ Tờ, một đơn vị chuyên nuôi tu hài ở đảo Bánh Sữa cũng bị thiệt hại nặng nề. Tuy chưa xác định được chính xác mức độ thiệt hại do tu hài vẫn đang bị chết (cả tu hài giống và tu hài thương phẩm) nhưng ước tính con số cũng lên đến hàng chục tỷ đồng. Ông Đỗ Hữu Tờ, Giám đốc Công ty cho biết.

 Đi qua những bè nuôi tu hài quanh các đảo hiện nay thì thấy rất nhiều lồng để ngổn ngang trên bè và phơi trên các hốc núi đá, cũng không còn cảnh người dân chăm sóc lồng bè khi nước triều rút. Và các “chủ đầu tư” cũng chẳng có tiền để thuê người đổ cát, vệ sinh lồng bãi nên những vùng nuôi tu hài càng trở nên vắng vẻ. Nhiều chủ bè giờ đã bỏ lên bờ tìm công việc khác mưu sinh.

 

Nguy cơ tái nghèo cao

Theo ông Vũ Bình Thường, Phó Chủ tịch UBND xã Bản Sen thì hiện xã có khoảng hơn 340 hộ thì có đến 200 hộ nuôi tu hài. Vốn đầu tư nuôi tu hài chủ yếu là do người dân vay từ Ngân hàng Chính sách, Ngân hàng NN&PTNT tại địa phương và huy động từ người thân, vốn tự có là rất ít. Một số hộ năm ngoái có lãi thì lại dồn vốn vào nuôi tiếp, tuy nhiên đợt tu hài chết tháng 4, tháng 5 vừa qua khiến người nuôi trắng tay, tỷ lệ tái nghèo sẽ có thể quay trở lại và tăng lên.

Dịch bệnh thời gian qua khiến người nuôi tu hài ở Vân Đồn trở nên trắng tay, nguy cơ tái nghèo cao – Ảnh: Quốc Minh

Bà Trần Thị An, người có 1.000 lồng nuôi tu hài đang đến giai đoạn chuẩn bị thu hoạch cũng bị chết hết. Mong muốn của bà và cũng như của nhiều hộ nuôi tu hài ở Vân Đồn hiện nay là được ngân hàng giãn nợ, nhà nước hỗ trợ để có thể tái sản xuất.

Trong 5 năm qua, nghề nuôi tu hài đã giúp người dân nơi đây thoát nghèo, nhiều hộ trở nên giàu có, thậm chí là tỷ phú. Cũng chính vì thế mà ngày càng có nhiều người đầu tư nuôi. Có những hộ nuôi năm trước nuôi trúng thì lại dùng hết số tiền lãi đó để đầu tư nuôi tiếp, nhưng thiệt hại do dịch bệnh thời gian qua đã khiến họ trở nên trắng tay, nguy cơ tái nghèo là rất cao, ông Nguyễn Quang Ninh, Phó phòng NN&PTNT huyện Vân Đồn cho biết.

 

Nguyên nhân và giải pháp

Ông Đoàn Duy Ái, Chi cục trưởng Chi cục Thú y Quảng Ninh cho biết, nguyên nhân tu hài chết ở Vân Đồn theo kết quả xét nghiệm của Trung tâm Chẩn đoán Thú y Trung ương là do khuẩn Vibrio spp và Perkinsus spp. Đây là loại bệnh nguy hiểm, có sức lây lan nhanh, việc phòng và trị bệnh cho tu hài nuôi tự nhiên là rất khó, chưa thực hiện được. Trước tình hình dịch bệnh, Chi Cục Thú y đã khuyến cáo bà con không nên tiếp tục thả tu hài, nên thu hoạch ngay những lồng nuôi đã đạt kích cỡ thương phẩm… Bên cạnh đó, Chi cục Thú y cũng phối hợp với Chi cục Nuôi trồng Thủy sản, Phòng NN&PTNT huyện vận động người dân vệ sinh vùng nuôi để tránh dịch bệnh phát sinh diện rộng…

Dịch bệnh xảy ra thời gian qua, theo nhiều nhận định có thể là do chất lượng con giống không đảm bảo, có đến khoảng 70% nguồn giống nhập từ miền Trung và thậm chí từ Trung Quốc, vì vậy chất lượng con giống kém do sự khác biệt về khí hậu, chất lượng nguồn tu hài bố mẹ… Tuy nhiên, theo ông Đỗ Tờ, khi nuôi chung tu hài và đối tượng khác là ngao hoa thì tu hài bị bệnh chết còn ngao vẫn phát triển bình thường, vì vậy cần phải nghiên cứu kỹ hơn.

Hiện nay, các cơ quan chuyên môn của huyện cũng đề xuất với UBND tỉnh phương án hỗ trợ cho người nuôi nhằm giảm thiệt hại và giúp cho người nuôi tái sản xuất. Hy vọng trong thời gian sớm nhất những khó khăn sẽ được giải quyết để con tu hài không chỉ giúp người dân phát triển kinh tế mà còn trở thành một trong những thương hiệu mạnh của Quảng Ninh – tu hài Vân Đồn.

>> Theo ông Đỗ Hữu Tờ, qua nhiều năm nuôi cho thấy, tu hài giống sản xuất tại địa phương sinh trưởng tốt hơn giống từ nơi khác mua về. Vì vậy, Nhà nước cần đầu tư nghiên cứu mở rộng sản xuất giống tại địa phương để đáp ứng nhu cầu phát triển nghề nuôi tu hài nơi đây.

Quốc Minh

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!