Không mua bảo hiểm hoặc để bảo hiểm hết hạn nên không được bồi thường là chuyện phải chấp nhận. Nhưng chuyện hy hữu ở Quảng Ngãi, đó là vì trễ hạn đăng kiểm nên ngư dân phải mất cả tỷ bạc, trong khi tài sản chỉ còn là một đống gỗ vụn.
Ngư dân Hồ Minh Lũy ở xã Phổ Quang, huyện Đức Phổ chủ tàu cá QNg 94469 TS. Ngày 26/1/2017, ông đưa tàu xuất bến đi biển đánh cá. Đến sáng 11/2, thời tiết trên biển diễn biến xấu nên ông Lũy phải cho tàu chạy vào cảng Sa Kỳ. Do mưa to nên tầm nhìn hạn chế, con tàu này đã đâm vào hòn Bàng Than chắn ngang trước cửa. Các ngư dân may mắn sống sót, nhưng con tàu chỉ còn là một đống củi vụn.
Trong Hợp đồng bảo hiểm AD 0266 của Bảo Minh Quảng Ngãi ghi thời hạn bảo hiểm là 29/2/2016 đến 29/2/2017. Giá trị thực tế thân tàu là 1 tỷ đồng. Còn 18 ngày nữa là bảo hiểm hết hạn. Trong hợp đồng này, Nhà nước hỗ trợ mua bảo hiểm trên 20 triệu đồng, chủ tàu chỉ bỏ ra hơn 7 triệu đồng. Nhìn tờ giấy bảo hiểm Bảo Minh có biểu tượng 2 bàn tay đỡ giọt nước, nhiều ngư dân suýt xoa rằng “trời còn thương để ông Lũy làm lại từ đầu”.
Nhưng khi mang giấy tờ đi xác nhận, cả gia đình của ông Lũy mới bật khóc, vì Bảo hiểm Bảo Minh loại hồ sơ với lý do là đăng kiểm của tàu bị trễ hạn. Theo quy định, mỗi con tàu đều phải có đăng kiểm để kiểm điểm toàn bộ các thông số kỹ thuật, tình trạng tàu, các giấy tờ có liên quan khác. Nhưng nếu đăng kiểm đã qua ngày thì cơ quan bảo hiểm coi như hợp đồng không còn giá trị và “gia chủ trắng tay”. Đăng kiểm dù mới hết hạn thì bảo hiểm sẽ căn cứ vào đó để không bồi thường.
Trong giấy phép khai thác thủy sản của Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Ngãi do ông Lê Văn Sơn, Chi cục trưởng xác nhận, tàu QNg 94469 TS của ông Hồ Minh Lũy sử dụng nghề lưới vây, công suất máy 280 CV, gia hạn đăng kiểm lần 3 từ ngày 2/1/2016 đến ngày 18/1/2017. Có nghĩa là đăng kiểm của ông Lũy mới bị trễ hạn 23 ngày. Tờ giấy màu đen sờn thấm nước mặn là cơ sở pháp lý để xác nhận tàu cá vận hành an toàn, nhưng vì quên gia hạn, gia đình ông đã lâm cảnh trắng tay.
Một vụ việc tương tự xảy ra, khiến ngư dân mất hơn 1 tỷ đồng. Đó là tàu cá của ngư dân Bùi Cương ở thôn Định Tân xã Bình Châu đâm vào bãi ngầm ở quần đảo Hoàng Sa vào đêm 26/2/2017. Sau khi sự việc xảy ra, các ngư dân trên tàu đã được tàu cá của ngư dân địa phương đánh lưới chuồn đến cứu vớt và đưa vào bờ. Tàu của ông Cương làm nghề lưới chuồn ở Hoàng Sa được nằm trong diện được hỗ trợ mua bảo hiểm, nhưng ông Cương đã không làm thủ tục này rơi vào cảnh trắng tay. Sau tai nạn và không còn tài sản gì, ông Cương đã theo tàu ngư dân tiếp tục quay ra hòn đảo bị mắc cạn với hy vọng còn tháo gỡ được máy tàu. Nhưng khi ra Hoàng Sa và đến bãi cạn, ông Cương lắc đầu vì toàn bộ máy móc đã bị tháo dỡ, con tàu chỉ còn một đống gỗ vụn nho nhỏ.
Mua bảo hiểm là một bài toán “cân não” đối với ngư dân đánh bắt xa bờ. Vì đối với tàu cá có công suất trên 400 CV, mỗi năm phải bỏ ra khoảng 60 triệu đồng để mua bảo hiểm. Một số tàu cá không đủ tiền nên đã mua bảo hiểm nhỏ giọt theo kiểu 3 tháng một lần. Trước đó, Quyết định 48 của Chính phủ hỗ trợ bảo hiểm cho ngư dân đã “gánh” một khoản kinh phí rất lớn đối với các chủ tàu. Đối với tàu cá có công suất từ 400 CV trở lên sẽ được hỗ trợ 50% chi phí khi chủ tàu mua bảo hiểm thân tàu, bảo hiểm ngư lưới cụ và bảo hiểm rủi ro đặc biệt. Riêng Nghị định 67 (nay là Nghị định 89), mức hỗ trợ là 90% cho tàu có công suất từ 400 CV trở lên, 70% cho tàu từ 90 CV đến dưới 400 CV.