(TSVN) – Indonesia có kế hoạch mở rộng bảo vệ các vùng biển để có diện tích gần bằng diện tích của Đức vào năm 2030 và sau đó tăng gấp 3 lần vào năm 2045.
Bộ Thủy sản Indonesia cho biết quốc gia này hiện có 284.000 km2 diện tích biển đang được bảo vệ và có kế hoạch tăng con số này lên 325.000 km2 vào cuối thập kỷ này, tương đương 10% tổng lãnh hải. Động thái này là một phần đóng góp của quốc gia vào mục tiêu bảo tồn toàn cầu “30 đến 30”, nhằm bảo vệ 30% các vùng biển và vùng đất trên thế giới vào năm 2030.
Từ năm 2030 – 2045, Chính phủ Indonesia có kế hoạch tăng gấp 3 lần diện tích khu bảo tồn biển lên 975.000 km2. “Đại dương phải được bảo vệ”, đó là thông điệp mà Bộ trưởng Bộ Thủy sản Indonesia Sakti Wahyu Trenggono đã chia sẻ với Hãng thông tấn Antara.
Quần thể đa dạng sinh học tại quần đảo Komodo, Indonesia. Ảnh: Diveplanit
Bộ trưởng nói thêm: “Các khu vực bảo tồn sẽ không chỉ đóng vai trò là nơi sinh sản của cá mà còn có thể hấp thụ khí thải carbon”. Cũng theo Bộ Thủy sản Indonesia, nước này sẽ phát triển các chiến lược để tăng cường quy hoạch và giám sát các khu bảo tồn biển nhằm đảm bảo quản lý bền vững các khu này. Các chiến lược sẽ nhấn mạnh sự cần thiết phải nâng cao lợi ích kinh tế của việc bảo tồn, xây dựng dựa trên sự phát triển văn hóa và kiến thức cộng đồng về các lĩnh vực khác nhau để mang lại những tác động có ý nghĩa.
“Tôi nghĩ đây là một mục tiêu đầy tham vọng. Nhưng có thể đạt được nếu mục tiêu là mở rộng hoặc thêm khu vực được phân bổ để bảo tồn”, ông Arisetiarso Soemodinoto, người đứng đầu chương trình đại dương của Tổ chức phi chính phủ bảo tồn Yayasan Konservasi Alam Nusantara (YKAN) cho biết.
Theo ông Arisetiarso, hiện chỉ có khoảng 25% mạng lưới các khu bảo tồn biển của Indonesia hiệu quả trong việc bảo tồn nguồn cá và đa dạng sinh học, đồng thời đảm bảo lợi ích công bằng cho các cộng đồng phụ thuộc vào đại dương. Ông cũng lưu ý đến kế hoạch gây tranh cãi của Bộ Thủy sản Indonesia nhằm áp đặt một chế độ quản lý nghề cá mới dựa trên hạn ngạch và đặt câu hỏi rằng điều này sẽ phù hợp với việc mở rộng các khu bảo tồn biển như thế nào?
“Tôi vẫn chưa thấy chính sách quản lý nghề cá mới đã tác động đến các khu bảo tồn như thế nào trong việc hỗ trợ hoạt động. Dường như chúng đang đi theo hai con đường riêng”, ông nói.
Các nhà phê bình cảnh báo rằng, chính sách dựa trên hạn ngạch đe dọa tính bền vững của trữ lượng cá ở các vùng biển mà phần lớn đã được coi là đã khai thác hết. Và cho rằng ngành thủy sản sử dụng khoảng 12 triệu người Indonesia, vì thế điều quan trọng là cả chính sách quản lý nghề cá và chính sách mở rộng khu bảo tồn biển phải bổ sung cho nhau.
Đa dạng sinh học biển của Indonesia đóng một vai trò quan trọng trong việc cung cấp hải sản trong nước và toàn cầu. Đất nước này là nơi sinh sống của một số sinh vật biển đa dạng nhất trên hành tinh, đặc biệt là ở khu vực phía Đông nằm trong Tam giác san hô Thái Bình Dương, một khu vực nổi tiếng với sự phong phú của san hô và cá rạn.
Thảo Nguyên
Theo Mongabay