Indonesia: Hỗ trợ người nuôi tôm ở Pemalang lắp đặt cảm biến kỹ thuật số

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Ngân hàng Indonesia (KpwBI) đã hỗ trợ người nuôi tôm thẻ chân trắng ở Pemalang, một huyện ven biển thuộc tỉnh Trung Java (Indonesia) toàn bộ chi phí lắp đặt cảm biến kỹ thuật số công nghệ IoT.

Đại diện Ngân hàng Indonesia, ông Tegal Marwadi cho biết, tôm thẻ chân trắng là một trong những đối tượng thủy sản nuôi chủ lực của huyện Pemalang. Đây cũng là nguồn thu ngoại tệ cho địa phương này thông qua hoạt động xuất khẩu. 

Để hỗ trợ nông dân địa phương đẩy mạnh nuôi tôm thẻ thâm canh phục vụ xuất khẩu, Văn phòng đại diện Ngân hàng Indonesia đã hỗ trợ cơ sở vật chất và thiết bị nuôi tôm dưới dạng cảm biến kỹ thuật số IoT. Thiết bị này có thể kết nối với điện thoại của nông dân địa phương trên nền tảng android. 

Một ao nuôi tôm thẻ ở huyện Pemalang, thuộc tỉnh Trung Java, Indonesia. Ảnh: Xinhua

Ông Marwadi giải thích, tôm thẻ chân trắng rất nhạy cảm với những thay đổi chất lượng nước ao nuôi và cần phải có biện pháp can thiệp nhanh chóng trong trường hợp chất lượng nước ao gặp vấn đề. Do đó, lắp đặt cảm biến IoT cho người dân là việc làm thiết thực. Thông qua thiết bị này, nông dân có thể tìm hiểu và kiểm soát các điều kiện hiện tại về chất lượng nước ao, từ đó đạt kết quả thu hoạch tối ưu.

Văn phòng đại diện Ngân hàng Indonesia kết hợp chính quyền địa phương đang nỗ lực tìm giải pháp tốt nhất để nâng cao vai trò của các hộ nuôi tôm quy mô siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME) trong nền kinh tế địa phương. Hiện, nhiều trang trại ở Pemalang gia công tôm thẻ từ khâu nuôi kéo dài 3 – 4 tháng, thu hoạch, sơ chế, bóc vỏ và cấp đông để xuất khẩu sang Phúc Châu, Trung Quốc. Hầu hết đều được hỗ trợ lắp đặt cảm biến kỹ thuật số. 

Chủ tịch huyện Pemalang, ông Rianto cho biết, mục tiêu xa hơn của gói hỗ trợ thiết bị cảm biến kỹ thuật số cho người tôm là kiểm soát lạm phát, khuyến khích các MSME có tiềm năng xuất khẩu. Thiết bị này kiểm soát nhanh chất lượng ao nuôi và giảm thiểu tỷ lệ tôm chết, từ đó giảm chi phí sản xuất xuống mức tối thiểu. Ông cho rằng, IoT là xu hướng mới trong công nghệ nuôi tôm hiện nay, nếu không ứng dụng IoT sớm, ngành tôm của Indonesia có nguy cơ tụt hậu so với các nước châu Á khác. 

Đan Linh

(Theo InternationalFishFarming)

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!