Indonesia – Mỹ: Ký thỏa thuận đảm bảo chất lượng xuất khẩu thủy sản

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Lãnh đạo Indonesia thuộc Bộ Hàng hải và Ngư nghiệp (KKP) vừa họp bàn và ký một thỏa thuận về khung quy định liên quan đến đảm bảo chất lượng sản phẩm thủy sản xuất khẩu sang Mỹ.

Mục đích của thỏa thuận nhằm phát triển một hệ thống quản lý đảm bảo chất lượng và an toàn cho các sản phẩm hải sản và thủy sản của Indonesia để phù hợp với tiêu chuẩn nhập khẩu của Mỹ và toàn cầu.

Năm 2021, Quốc hội Mỹ yêu cầu Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm (FDA) cải thiện quy định về nguồn gốc tôm nhập khẩu. Nhiệm vụ này bao gồm việc thiết lập các thỏa thuận hợp tác với Ấn Độ, Indonesia và Ecuador. Trong đó, Ecuador trở thành quốc gia đầu tiên trong 3 nước ký kết thỏa thuận hợp tác vào tháng 9/2023 và sau đó là Ấn Độ.

Thỏa thuận yêu cầu áp dụng 6 tiêu chuẩn cho các nhà sản xuất tôm Indonesia, bao gồm: “Nuôi trồng tốt” (CBIB) tham chiếu theo SNI 8228.1:2015; “Ươm giống tốt” (CPIB) theo SNI 8035:2019; “Xử lý tốt trên tàu” (CPIB Ship) theo SNI 8087:2014; “Thức ăn tốt” (CPPIB); “Thuốc tốt” (CPOIB), theo Quy định của Tổng cục Thủy sản năm 2023 số 187 và “Phân phối thuốc tốt” (CDOIB), theo Quy định của Tổng cục Thủy sản năm 2023 số 186.

Các nhà chế biến tôm Indonesia sẽ phải có Giấy chứng nhận Đủ điều kiện Chế biến (SKP) tham chiếu theo CODEX Hazard Analysis Critical Control Point (HACCP); triển khai Hệ thống Phân tích nguy cơ và kiểm soát điểm giới hạn, theo SNI CXC 1:1969 và Chứng nhận Quản lý phân phối cá (SPDI), theo Quy định Bộ trưởng KP số 27 năm 2021.

Bà Ishartini, Tổng Cục trưởng Cơ quan Đảm bảo Chất lượng, Bộ Biển và Thủy sản Indonesia, cho biết, “Những chứng nhận này nhằm tăng cường niềm tin cho khách hàng và khả năng tiếp cận các thị trường xuất khẩu. Tại thị trường nội địa, chúng được sử dụng để xây dựng hình ảnh và tăng sức cạnh tranh cho mặt hàng thủy sản. Với sự hợp tác này, Indonesia sẽ trở thành thành viên của mạng lưới phòng thí nghiệm kiểm tra bệnh truyền qua thực phẩm WGS toàn cầu có trụ sở tại Mỹ và Viện Nghiên cứu An toàn thực phẩm và dinh dưỡng ứng dụng của Đại học Maryland và FDA Mỹ”. 

Bà Ishartini cho biết Cơ quan Đảm bảo Chất lượng, Bộ Biển và Thủy sản Indonesia cũng đang phát triển các quy định tập trung vào an toàn thực phẩm cho ngành thủy sản đánh bắt tự nhiên, bao gồm các quy tắc đảm bảo tất cả hải sản đánh bắt trong vùng biển Indonesia, không vi phạm các quy định về khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU); các quy định yêu cầu kiểm tra vi khuẩn và virus truyền qua thực phẩm như salmonella, E. coli, và listeria; các quy tắc cấm sử dụng ngư cụ bất hợp pháp và đánh bắt tôm mà không có thiết bị loại trừ rùa.

Tại Hội chợ Hải sản Bắc Mỹ 2023 tại Boston, Massachusetts, Mỹ, bà Ishartini và một số đại diện Indonesia đã gặp gỡ Giám đốc Văn phòng Quan hệ quốc tế và kiểm tra hải sản của NOAA, ông Alexa Cole, để thảo luận về Đạo luật Bảo vệ động vật biển. 

Oanh Thảo 

Theo Seafoodsource

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!