(TSVN) – Là quốc gia sản xuất tôm lớn thứ 3 châu Á, sau ́n Độ và Việt Nam, ngành tôm Indonesia đang nỗ lực biến lợi thế thành sức mạnh cạnh tranh để vươn lên vị trí số 1 châu Á.
Khoảng cách quá xa giữa các trung tâm nhân giống tôm bố mẹ (thường ở Hawaii, hoặc Florida, Mỹ) và khách hàng, chủ yếu ở châu Á và Ấn Độ chính là điểm yếu trong chuỗi phân phối sản phẩm này. Nhu cầu phát triển trung tâm nhân giống tôm bố mẹ (BMC) càng cấp bách hơn trong thời kỳ đại dịch COVID-19.
Tại Hội nghị bàn tròn nuôi trồng thủy sản (NTTS) năm 2021, ông Steve Arce, Giám đốc dịch vụ kỹ thuật tại Kona Bay Shrimp-Hendrix Genetics Aquaculture đã đề cập nhiều lợi ích của một trung tâm BMC ở địa phương. Ông dẫn chứng, vận chuyển 1.000 con tôm bố mẹ suốt chặng đường 12.615 km từ Mỹ sang châu Á gây ra lượng khí thải tương ứng 11.46 tấn CO2, chưa kể mỗi g tôm cần sử dụng 40 g nước.
Năm 2020, Hendrix Genetics đã xây dựng PT Kona Bay Indonesia (KBI) làm cơ sở phát triển BMC đầu tiên tại Indonesia. Theo kế hoạch, đến đầu năm 2021, các trại tôm giống ở Indonesia sẽ có nguồn cung tôm bố mẹ sạch bệnh SPF chất lượng cao ngay tại địa phương. Theo Ari Setiardhi, KBI đặt mục tiêu sản lượng 80.000 cặp tôm bố mẹ mỗi năm tại cơ sở sản xuất hoàn toàn mới ở Buleleng Regency phía bắc đảo Bali
đến năm 2023. Nhờ đó, ngành tôm trong nước được hỗ trợ tối đa để cải thiện chất lượng và nguồn cung nhằm mục tiêu gia tăng xuất khẩu. Phân phối tôm bố mẹ SPF trong nước cũng giảm thiểu đáng kể rủi ro mầm bệnh tiềm ẩn.
BMC ở Bắc Bali bắt đầu hoạt động vào quý III/2022 và đến tháng 6/2023, KBI đã bán ra thị trường 7.034 cặp tôm bố mẹ và tăng lên 10.852 cặp vào tháng 7/2023. Trong tháng 5/2023, KBI tuyên bố xuất khẩu lô TTCT bố mẹ đầu tiên sang Malaysia, tiếp tục đáp ứng nhu cầu tôm bố mẹ chất lượng, gia tăng cơ hội tiếp cận nguồn tôm giống chất lượng cho nông dân trên toàn thế giới. Ari chia sẻ Ecuador không cho phép nhập khẩu tôm thương phẩm hay tôm bố mẹ SPF và tự xây dựng được Trung tâm nhân giống hạt nhân và Trung tâm nhân giống tôm bố mẹ để sản xuất ấu trùng tôm. Do đó, nếu Indonesia không chú trọng phát triển tôm giống bố mẹ, nâng cao chất lượng tôm giống thì khó vượt lên trên đối thủ ở châu Á và Mỹ Latinh.
Shrimp Club Indonesia là hiệp hội hàng đầu của những người nuôi tôm tại Indonesia. Chủ tịch của hiệp hội, ông Haris Muhtadi nói rằng ngành công nghiệp nuôi tôm của Indonesia chưa phát huy hết tiềm năng. Sản lượng tôm nuôi của cả nước năm 2022 khoảng 300.000 tấn với 70% được xuất khẩu sang Mỹ. Đến nay, ngành tôm vẫn đang phải đối mặt nhiều trở ngại liên quan đến sản xuất manh mún với nhiều trang trại nhỏ lẻ phân tán khắp bán đảo, một kênh phân phối chồng chéo, và quy trình vận chuyển kéo dài 12 giờ từ trang trại đến các nhà máy chế biến tập trung ở Trung Java, Lampung và Jakarta.
Do đó, Indonesia đã tận dụng lợi thế để biến thành sức mạnh cạnh tranh, đó là số lượng và chất lượng của các vùng ven biển cùng tài nguyên nước và chi phí lao động thấp. Ông Haris Muhtadi nói, ngành tôm Indonesia đặt mục tiêu hiện đại hóa tối đa để phát huy tiềm năng sản xuất, từ đó vươn lên vị trí dẫn đầu ngành tôm nuôi khu vực và xa hơn là toàn cầu. Trong các chiến dịch nuôi tôm kết hợp bảo tồn rừng ngập mặn, chính quyền Indonesia cũng triển khai dự án nuôi tôm tái tạo rừng ngập mặn ở Sulawesi. Hình ảnh tôm sạch gắn liền với bảo vệ rừng sẽ là những thông tin đắt giá thu hút người tiêu dùng trên thế giới và là bàn đạp để nâng tầm thương hiệu tôm của Indonesia trên thị trường toàn cầu.
Dịch bệnh bùng phát và an toàn sinh học vẫn đang là trở ngại nhưng gần 90% trang trại nuôi tôm ở Indonesia đều lót bạt, ông Haris thông tin. Cùng đó, các trại đều đặt mục tiêu thu hoạch 20 – 30 tấn/ha kết hợp nâng cao an toàn sinh học. Giờ đây, người nuôi tôm không còn chú trọng gia tăng mật độ để tăng sản lượng như trước đây bởi không còn khả thi nữa. Thay vào đó, họ tập trung vào phương thức NTTS chính xác và tin rằng mật độ thả nuôi phải dựa vào sức tải của ao trong khi tôm giống chất lượng cao là “chìa khóa” cho tỷ lệ sống tốt hơn.
Ở mức độ trang trại, quy mô sản xuất không được đề cao khi ngày càng nhiều trại nuôi lớn vẫn thất bại. Những trang trại quy mô 20-50 ao bền vững và dễ quản lý hơn. Do đó, nhiều trang trại cũng không chạy đua mở rộng diện tích ao nuôi. Ngành tôm Indonesia cũng đang kỳ vọng vào những chiến dịch marketing và loại bỏ cách thức chế biến kém hiệu quả. Các thành viên của Shrimp Club Indonesia nỗ lực hợp tác phát triển cơ sở chế biến nhỏ nhằm đảm bảo độ tươi ngon cho tôm và đạt chứng nhận để thâm nhập các thị trường mới.
Haris Muhtadi khẳng định, chúng tôi rất quan tâm đến xây dựng thương hiệu thống nhất cho tôm Indonesia. Trong khi đó, chính phủ cũng đang duy trì chiến dịch “mỗi ngày ăn một con tôm” tại các địa phương trên cả nước để kích cầu nội địa. Với dân số hiện nay của Indonesia, nếu chiến dịch này thành công thì chắc chắn ngành tôm sẽ không còn phụ thuộc vào các thị trường xuất khẩu. Indonesia đặt mục tiêu tham vọng trở thành trung tâm đầu tư quan trọng cho nghề nuôi tôm bền vững, nhưng trước đó, phải tìm cách biến lĩnh vực nuôi tôm trở thành mảnh đất màu mỡ và tiềm năng.
Tiến sĩ TB Haeru Rahayu, Tổng Cục trưởng Cục NTTS Indonesia cho biết, chính phủ đã đầu tư 11,4 triệu USD phát triển vùng nuôi tôm thân thiện môi trường. Cùng đó là kế hoạch mở rộng ở đông Nusa Tenggara trên tổng diện tích 1.800 ha. Ông kỳ vọng, ngành tôm Indonesia sẽ bứt phá khỏi vị trí thứ 3, vượt qua Ấn Độ và Việt Nam để giành ngôi vị cao hơn tại châu Á.
>> Tổng diện tích nuôi tôm tại Indonesia tính đến hết 2022 đạt trên 300.000 ha, trong đó có gần 10.000 ha ao nuôi thâm canh, 43.643 ha ao bán thâm canh và 247.803 ha ao nuôi truyền thống (Bộ Nông nghiệp Indonesia).
Tuấn Minh
(Tổng hợp)