(TSVN) – Bộ Biển và Nghề cá Indonesia (KKP) đã đại diện đăng cai tổ chức Hội nghị lần thứ 12 của Liên minh tôm ASEAN (ASA) năm 2022 bằng hình thức trực tuyến. Đây là diễn đàn thảo luận các vấn đề liên quan đến sự phát triển của ngành tôm toàn cầu, gồm công nghệ, dịch bệnh, tiêu chuẩn hóa, hệ thống chứng nhận và thương mại cùng các vấn đề về phát triển các sản phẩm tôm tại các nước châu Á.
Tổng cục trưởng Cục Nuôi trồng thủy sản Indonesia Tebe Haeru Rahayu tuyên bố rằng các cuộc họp đa phương như ASA là một chương trình nghị sự quan trọng trong sự phát triển của ngành nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là các mặt hàng tôm với vai trò quan trọng như xương sống của nền kinh tế quốc gia. Ông tin rằng cuộc họp ASA lần thứ 12 có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy quản lý và phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững và có trách nhiệm trong khu vực ASEAN.
Ông Tebe giải thích: “Nuôi trồng thủy sản được đánh giá là một lĩnh vực tiềm năng để phục hồi nền kinh tế sau hàng loạt khó khăn do COVID-19 gây ra. Chúng ta cần biến những khó khăn này thành cơ hội cho ngành nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là ngành tôm để có thể thúc đẩy và mở rộng sản xuất tôm nhằm đáp ứng những mục tiêu trong chương trình đột phá mà KKP đã đề ra”.
Chính phủ Indonesia đang có kế hoạch xây dựng một mạng lưới “làng” nuôi trồng thủy sản giá trị cao gồm tôm, cua, tôm hùm và rong biển vào cuối năm 2022. Ảnh: Seafoodnews
Được biết, KKP đã chuẩn bị một kế hoạch phát triển nuôi trồng thủy sản theo 2 chương trình đột phá bao gồm: phát triển nuôi trồng thủy sản định hướng xuất khẩu với các mặt hàng chủ lực gồm tôm, tôm hùm, cua, rong biển; và phát triển các làng nghề nuôi trồng thủy sản dựa vào thế mạnh của từng địa phương.
Ông Tebe cho biết ngành nuôi trồng thủy sản giữ vai trò quan trọng đối với cả thế giới, do đó Indonesia đã cam kết phát triển ngành này thông qua hướng tiếp cận nền kinh tế xanh, tức là chú trọng vào sự cân bằng giữa lợi ích kinh tế và sinh thái, nhằm nâng cao sức mạnh và phúc lợi cho cộng đồng. Theo ông, chỉ có hành động chung sức của toàn cộng đồng nuôi trồng thủy sản mới giúp chúng ta phục hồi sau đại dịch nhờ sự đa dạng về sinh kế, việc làm, an ninh lương thực và xoá đói giảm nghèo.
Trong khi đó, chuyên gia cao cấp về các vấn đề nghề cá quốc tế, thuộc Bộ Thuỷ sản Thái Lan kiêm Chủ tịch ASA, ông Chuanpid Chantarawarathit đã khẳng định để được thị trường toàn cầu công nhận, riêng thị trường tôm ASEAN đóng một vai trò rất quan trọng vì mục tiêu ban đầu của ASA khi thành lập vào năm 2011 đó là nâng tầm vị thế của từng thành viên trên thị trường thế giới.
Ông cho biết thêm, thông qua các kế hoạch hành động của ASA giai đoạn 2021 – 2025, ông đã thúc đẩy sự phát triển của các nền tảng cần thiết nhằm đánh giá nhu cầu đối với sản phẩm tôm của các nước nhập khẩu và giờ đây đã trở thành chiến lược phục hồi nền kinh tế toàn cầu.
Theo ông Chuanpid Chantarawarathit, chỉ với hệ thống chứng nhận thì chưa đủ để nâng tầm được vị thế và mang lại sức mạnh cho ngành tôm ASEAN. Chúng ta vẫn cần có một số chiến lược khác như giám sát chặt chẽ tình hình nuôi, sản xuất và thương mại trong ngành tôm hiện nay, đặc biệt chú trọng đến các hàng rào phi thuế quan.
Đan Linh
Theo Shrimpnews