(TSVN) – Chính sách thương mại mới nhất do chính phủ Indonesia ban hành gây ảnh hưởng đến ngành xuất khẩu ghẹ xanh ở mức độ nghiêm trọng hơn so với các loại thủy sản nội địa khác.
Theo Expana, các nhà xuất khẩu của Indonesia (gồm ngành thủy sản và lâm nghiệp) sẽ đối mặt một quy định mới yêu cầu giữ lại doanh thu xuất khẩu trong một tài khoản đặc biệt tại ngân hàng quốc gia trong suốt một năm. Trước đây, chính sách cũ buộc các nhà xuất khẩu phải duy trì ít nhất 30% doanh thu từ xuất khẩu trong hệ thống tài chính nội địa tối thiểu 90 ngày, với điều kiện giao dịch trên 250.000 USD. Quy định kéo dài một năm này sẽ ảnh hưởng đến thanh khoản của nhiều doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản, đặc biệt là những mặt hàng có giá trị cao như thịt cua.
Sự thay đổi nói trên đã gây khó khăn cho các hãng xuất khẩu thịt ghẹ xanh, do sản phẩm có giá trị cao và nhiều khả năng chạm ngưỡng giao dịch 250.000 USD. Trong khi đó, việc xuất khẩu các loài khác như tôm, sẽ không chịu nhiều ảnh hưởng.
Theo số liệu từ Expana, Indonesia đang thống trị thị trường thịt ghẹ xanh tại Mỹ với 47% thị phần, trong khi Việt Nam đứng thứ hai với thị phần 11% và Philippines xếp thứ ba với 10,3%. Đáng chú ý, hơn một nửa sản lượng cua ghẹ của Việt Nam là thịt ghẹ đỏ.
Trong năm 2024, Indonesia đã xuất khẩu 27,8 triệu pound thịt ghẹ xanh vào thị trường Mỹ, tăng 15,7% so với năm 2023 (24 triệu pound). Trong 9 năm qua, Indonesia duy trì sản lượng trên 20 triệu pound, với mức cao nhất là 29,6 triệu pound vào năm 2021.
Ông Gavin Gibbons, Giám đốc Chiến lược của Viện Thủy sản Quốc gia Mỹ (NFI) cho biết, việc Indonesia mở rộng quy định có thể ảnh hưởng đến thương mại thủy sản giữa hai nước. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh rằng đây chỉ là hệ quả ngoài ý muốn của thay đổi chính sách và hy vọng rằng các nhà hoạch định chính sách Indonesia có thể đưa ra những điều chỉnh hợp lý.
Tôm là một mặt hàng xuất khẩu quan trọng của Indonesia, nhưng các bên tham gia thị trường nhận định rằng các hãng xuất khẩu tôm sẽ không chịu tác động đáng kể, vì giá giao dịch không đạt đến ngưỡng áp dụng của chính sách mới.
Chính phủ Indonesia nhấn mạnh rằng các biện pháp trừng phạt sẽ được áp dụng đối với các nhà xuất khẩu không tuân thủ chính sách, bao gồm việc đình chỉ dịch vụ xuất khẩu. Quy định này sẽ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/3/2025, và chính phủ sẽ tiếp tục đánh giá tác động của nó đối với nền kinh tế quốc gia.
Theo Reuters, các nhà xuất khẩu có thể sử dụng nguồn thu của mình nếu chúng được quy đổi sang rupiah hoặc phục vụ cho hoạt động kinh doanh, như chi trả cổ tức, mua nguyên liệu thô hoặc thanh toán các khoản vay.
Tuấn Minh
Theo Seafoodnews