Kenya: Thách thức và cơ hội của các trang trại nuôi cá hồi trout

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Hai nhà sản xuất cá hồi hàng đầu Kenya là Kiganjo National Trout Hatchery và Trout Masters cho biết, ngành nuôi cá hồi của Kenya quy mô nhỏ và đang phải đối mặt với nhiều thách thức, nhưng ngành này vẫn có tiềm năng lớn để phát triển.

Ở Kenya, cá hồi chiếm chưa đầy 1% tổng sản lượng nuôi trồng thủy sản nước ngọt và thường được nuôi ở vùng nước lạnh vùng núi Kenya. Nuôi cá hồi phụ thuộc vào hệ thống thủy văn, do đó phụ thuộc vào hệ sinh thái rừng, điều này khiến khu vực vùng núi Kenya đặc biệt thích hợp cho hoạt động kinh doanh.

Hiện có 6 trang trại nuôi cá hồi thương phẩm ở Kenya, chủ yếu nuôi cá hồi vân, sử dụng hệ thống ao và raceway thâm canh, trong đó sản lượng dao động 10 – 80 tấn/ha/năm. Hầu hết doanh nghiệp nuôi trồng thủy sản thương mại thu hoạch cá hồi sau 2 năm hoặc có thể sớm hơn, khi đó trọng lượng cá hồi có thể đạt tới 1,5 kg/con. Kiganjo National Trout Hatchery và Trout Masters là 2 nhà sản xuất cá hồi hàng đầu của Kenya.

 

Kiganjo National Trout Hatchery

Là một trung tâm giới thiệu nghề cá nước lạnh tại Mathira West Sub County, được thành lập vào năm 1948 bởi Bộ Nông nghiệp, Chăn nuôi, Thủy sản và Thủy sản Kenya. Ban đầu, Trung tâm nuôi cả cá hồi vân và cá hồi nâu để thả vào các con sông địa phương phục vụ câu cá thể thao. Cơ sở rộng 10 mẫu Anh có hơn 30 ao và raceway, với công suất sản xuất 12 tấn mỗi năm, ông Opallo Erick, Giám đốc thủy sản của Trung tâm Kiganjo National Trout Hatchery cho biết. 

Kenya có 6 trang trại nuôi cá hồi thương mại

Theo ông Opallo, mục tiêu của trang trại trong 5 năm tới là “đáp ứng nhu cầu về cá hồi trong khu vực, vì hiện tại nguồn cung cấp mỗi tháng thiếu 5 tấn”. Tuy nhiên, biến đổi khí hậu và nạn phá rừng đã tác động tiêu cực đến việc nuôi cá hồi ở Kenya, đây là một trong những thách thức lớn mà họ phải đối mặt.

Ông Opallo nói: “Biến đổi khí hậu nghĩa là chúng ta phải đối mặt với tình trạng thiếu nước, bởi vì chúng ta chia sẻ nước sông với các cộng đồng ở thượng nguồn”.

Bảo vệ môi trường đi đôi với việc nuôi cá hồi ở Kenya, vì các trang trại xung quanh vùng núi Kenya dựa vào các con sông để cung cấp nước liên tục. Do đó, những người nông dân nuôi cá hồi liên tục lên tiếng về vấn đề bảo vệ rừng, vì nó đóng một vai trò quan trọng trong việc bảo vệ nguồn nước.

Ông Opallo cho biết thêm: “Không đủ kinh phí để cải thiện sản xuất; những thách thức về nguồn cung cấp thức ăn chất lượng cao; kinh phí hạn chế cho hoạt động nghiên cứu; tình hình dịch bệnh phức tạp… là một số thách thức khác mà chúng tôi phải đối mặt”.

Trout Masters

Ông John N Kamau bắt đầu nuôi cá hồi từ khi còn trẻ và hiện là quản lý của Trout Masters. Tọa lạc tại Chania, Trout Masters được thành lập vào năm 2016, công suất sản xuất 50 tấn/năm. Hiện trang trại có 13 ao trên một mẫu đất. Trong số 13 ao, 6 ao có sức chứa 15.000 – 20.000 con cá cỡ thương phẩm và 4 ao có thể chứa 40.000 – 50.000 con.

Trout Masters sản xuất 200 kg thức ăn mỗi tuần, tùy thuộc vào nguồn nguyên liệu thô

“Tôi được nuôi dưỡng trong một trang trại cá hồi, tên là Ken Trout, nơi cha tôi là người quản lý. Đó là nơi tôi đã khiến tôi có niềm đam mê với cá hồi. Sau khi tốt nghiệp trung học, tôi vào đại học và thường xuyên cùng cha làm nông trại”, ông Kamau kể lại.

Trước khi chuyển đến Chania, ông Kamau và bố có một trang trại nhỏ ở Nyandarua, nơi họ đã phải đối mặt với những khó khăn về nguồn nước. 

“Khi chúng tôi đến đây, tôi đã phải thiết kế 1 trang trại để có thể tối đa hóa nguồn nước sẵn có, đó là lý do tại sao chúng tôi có thể sản xuất 50 – 100 tấn nếu được quản lý tốt”, ông Kamau giải thích.

Trang trại sử dụng ao và raceway, có thể được nuôi thâm canh hoặc siêu thâm canh. Ông Kamau cho biết, họ không sử dụng ao tròn vì ao tròn thích hợp để sản xuất cá con hơn. Theo ông Kamau, đối với số lượng lớn cá có kích cỡ lớn, ao hình chữ nhật tốt hơn nhiều vì có thể quản lý, làm sạch ao và giăng lưới để thu hoạch một cách dễ dàng.

Ở Kenya, hầu hết người nuôi cá hồi nhập khẩu trứng từ nước ngoài và Trout Masters nhập khẩu 100.000 – 200.000 trứng hàng năm từ Mỹ, Đan Mạch hoặc Nam Phi.

Cá hồi cầu vồng – Rainbow trout

Trout Masters sản xuất khoảng ​​10 – 25 tấn cá hồi thương phẩm mỗi năm, giá bán khoảng 1.000 KES/kg (8,6 USD). Khách hàng tiêu thụ chính của Trout Masters là các khách sạn và trung tâm thương mại. “Tuy nhiên, vì những thách thức về thức ăn chăn nuôi… chúng tôi hiện bán cá hồi thương phẩm với giá 1.200 KES/kg (10 USD) và khách hàng vẫn rất hài lòng, hầu hết họ đều quan tâm đến kích cỡ, ví dụ như các khách sạn thường ưa chuộng cá trên 300 g”, ông Kamau nói.

Dù ngành nuôi cá hồi ở Kenya có nhiều mặt triển vọng, song ông Kamau cũng có những lo lắng tương tự như ông Opallo. “Thách thức lớn nhất mà chúng tôi phải đối mặt là biến đổi khí hậu. Ngoài ra khó khăn khác chính là việc tiếp cận nguồn thức ăn chất lượng”, ông nói.

Trout Masters đã từng nhập khẩu gần như tất cả loại thức ăn, tuy nhiên COVID-19 đã làm gián đoạn điều này. Gần đây Trout Masters đã thành lập một nhà máy nhỏ và mua máy móc để tự sản xuất thức ăn. Tuy nhiên, theo ông Kamau, công thức mà họ nghĩ ra để sản xuất thức ăn không thể so sánh về chất lượng với thức ăn nhập khẩu, bởi việc tiếp cận nguồn nguyên liệu ở Kenya là một thách thức vì giá thành đắt, không có sẵn và khi mua được chất lượng đã có thể bị thay đổi”.

Ông Kamau cho rằng, nuôi cá hồi có thể là một công việc kinh doanh tốt, nhưng cần được tư vấn rõ ràng trước khi bắt đầu.

Ở Kenya, giá cá hồi dao động 3 – 12 USD/kg, tùy thuộc vào thị trường tiêu thụ, do đó thu được lợi nhuận tương đối cao so các loài khác. Hiện, nhu cầu cá hồi trên toàn quốc vào khoảng 10 tấn/tháng, trong khi nguồn cung chưa đến 1% nhu cầu này, do đó tạo ra sự thiếu hụt rất lớn. Trong năm năm tới, mục tiêu của ông Kamau là đưa Trout Masters trở thành nhà sản xuất cá hồi lớn nhất ở Kenya và xuất khẩu sang các nước khác.

>>Nuôi cá hồi ở Kenya có nhiều tiềm năng để thu lợi nhuận cao và tạo ra nguồn dinh dưỡng lành mạnh. Nhu cầu cao trong khi nguồn cung hạn chế tạo cơ hội cho ngành này phát triển. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều thách thức cần giải quyết như: Biến đổi khí hậu; chất lượng con giống, thức ăn; những hạn chế về kỹ thuật và tài chính…

Hải Băng

Theo Thefishsite

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!