T2, 06/07/2020 12:24

Kết quả thử nghiệm sinh sản cá bè quỵt (Caranx ignobilis Forsskal,1975) tại Khánh Hòa

Chưa có đánh giá về bài viết

Nghiên cứu nhằm thử nghiệm kích thích sinh sản cá bè quỵt (Caranx ignobilis) tại Khánh Hòa. Thí nghiệm đã thành công trong nuôi vỗ thành thục đàn cá bố mẹ với tỷ lệ thành thục cá cái 83,3%, cá đực 84,6%.

Kết quả cũng xác định được phương pháp kích thích sinh sản khi sử dụng kết hợp hormone (liều lượng cá cái: 800UI HCG + 30 Microgam LHRH a3; cá đực = 1/2 cá cái) cho tỷ lệ cá tham gia sinh sản đạt 100%, tỷ lệ thụ tinh 20,3%, tỷ lệ nở 70,5%. Nghiên cứu cũng đã theo dõi được quá trình phát triển và xác định được thời gian nở phôi cá bè quỵt. Đây là những dữ liệu ban đầu phục vụ nghiên cứu sinh sản nhân tạo giống loài cá biển quý hiếm, có giá trị kinh tế cao này.

Từ khóa: cá bè quỵt, hormone, phôi, sinh sản, tỷ lệ thụ tinh.

 

1. Đặt vấn đề

Cá bè quỵt (cá bè vẫu, cá vẩu…) có tên khoa học là Caranx ignobilis Forsskal, 1775, tên tiếng Anh là Giant travelly, Giant kingfish, Barrier travelly… Đây là đối tượng cá biển có giá trị kinh tế cao, tốc độ sinh trưởng nhanh, ít bệnh và đặc biệt chúng có khả năng thích nghi tốt với điều kiện môi trường một số khu vực đầm, phá có biên độ độ mặn dao động lớn. Cá bè quỵt cũng là đối tượng cá biển đang được phát triển nuôi nhiều ở một số vùng biển như Quảng Ninh, Hải Phòng, Thừa Thiên – Huế (được coi là đặc sản khu đầm phá Tam Giang), Khánh Hòa, Vũng Tàu, Kiên Giang… với nguồn giống chính là khai thác từ tự nhiên. Hiện tại, nhu cầu giống hàng năm của riêng vùng nuôi Vân Phong (Khánh Hòa), Tam Giang, Lăng Cô (Thừa Thiên – Huế) là khoảng 0,5 – 0,7 triệu con. Do nguồn giống cung cấp cho người nuôi hầu như phụ thuộc hoàn toàn vào khai thác tự nhiên nên việc phát triển nuôi loài cá này còn gặp nhiều khó khăn.

Nhận thấy cá bè quỵt (bè vẫu) là đối tượng có nhiều ưu điểm và tiềm năng để phát triển thành đối tượng nuôi mới, từ năm 2014 đến nay, trong nội dung thực hiện của Dự án Norad (pha 3), Viện nghiên cứu NTTS I đã tiến hành thu thập và lưu giữ thành công đàn hậu bị cá bè quỵt (Caranx ignobilis) tại vùng biển Khánh Hòa. Đến tháng 3/2016, đàn cá bè quỵt với số lượng 50 cá thể có khối lượng trung bình > 8 kg, độ tuổi > 5 tuổi. Dự án cũng đã triển khai một số nghiên cứu ban đầu về đặc điểm phát triển sinh dục và thử nghiệm kích thích sinh sản. Bài báo này sẽ trình bày một số kết quả ban đầu của nhiệm vụ trong thử nghiệm kích thích sinh sản và một số giai đoạn phát triển của phôi cá bè quỵt tại Vạn Ninh, Khánh Hòa.

 

2. Vật liệu và phương pháp nghiên cứu

2.1. Vật liệu và thời gian nghiên cứu

a) Vật liệu

* Cá bè quỵt (Caranx ignobilis); số lượng: 25 con; khối lượng 9,0 – 14,5 kg; độ tuổi: > 5+.

* Thiết bị, vật tư chính khác: Kính hiển vi, trắc vi: Hund (Đức); Hormone (17a-MT, HCG, LHRH a3) của Sigma – Đức.

b) Thời gian nghiên cứu: từ tháng 3 – 5/2016.

c) Địa điểm triển khai: Trang trại nuôi cá biển công nghiệp Norad – Viện Nghiên cứu NTTS I (Đầm Môn, Vạn Ninh, Khánh Hòa).

2.2. Phương pháp nghiên cứu

2.2.1. Phương pháp nghiên cứu nuôi vỗ thành thục

+ Đàn cá bố mẹ được nuôi vỗ thành thục trong lồng (kích thước 5x5x4 m), mật độ: 0,5 con/m3.

+ Thức ăn sử dụng là cá tạp, mực tươi như: cá nhâm, cá nục, cá trích, mực, cua, ghẹ… bổ sung vitamin và khoáng vi lượng (4 lần/tháng). Thu mẫu, đánh giá tuyến sinh dục 1 tháng/lần.

2.2.2. Phương pháp nghiên cứu kích thích sinh sản

* Kiểm tra chọn cá cho sinh sản: thăm trứng, thăm tinh bằng ống silicon có đường kính trong 800 Micromet. Cá cái: lựa chọn cá cái có trứng tròn đều, rời nhau, đường kính > 450 Micromet; Cá đực: lựa chọn cá có sẹ đặc, trắng, tan nhanh trong môi trường nước biển.

– Cho đẻ trong các lồng có kích thước 5x5x3 m (90 m3); Kích thước mắt lưới 0,5 mm.

+ Lô đối chứng không sử dụng hormone (ký hiệu ĐC): 3 cặp.

+ Lô thí nghiệm 1 sử dụng hormone HCG+LHRH-a3 (ký hiệu H1) với liều lượng như sau: Cá cái: 800 UI HCG + 30 Microgam LHRH-a3/kg; Cá đực: 400 UI HCG + 15 Microgam LHRH-a3/kg: 3 cặp.

+ Lô thí nghiệm 2 sử dụng hormone HCG+LHRH-a3 (ký hiệu H2) với liều lượng như sau: Cá cái: 400 UI HCG + 20 Microgam LHRH-a3/kg; Cá đực: 200 UI HCG + 10 Microgam LHRH-a3/kg: 3 cặp.

2.2.3. Phương pháp nghiên cứu, đánh giá quá trình phát triển phôi

Tách trứng nổi (trứng thụ tinh), chuyển ấp trong các bể composite, mật độ trứng ấp khoảng 500 trứng/l, sục khí nhẹ và có hệ thống nước chảy tràn đảm bảo thay tối thiểu 200% nước trong suốt thời gian ấp. Định kỳ 15 phút/lần, thu mẫu, quan sát sự phát triển phôi.

2.3. Chỉ tiêu thu thập

– Tỷ lệ thành thục (%) = (số lượng cá đực, cái thành thục/ tổng số cá nuôi vỗ) x 100%

– Tỷ lệ thụ tinh (%) = (số trứng thụ tinh/ tổng số trứng thu được) x 100%

– Tỷ lệ nở (%) = (số lượng cá bột/ số lượng trứng thụ tinh) x 100%

2.4. Phương pháp phân tích và xử lý số liệu

+ Phân tích sự phát triển của phôi cá bè quỵt theo phương pháp của Blaxter J.H.S (1969); Branko Glamuzila và cộng sự (2000); Nguyễn Mộng Hùng (1993).

+ Số liệu được so sánh, phân tích thống kê bằng phần mềm Microsoft Office Excel 2007.

 

3. Kết quả và thảo luận

3.1.Kết quả nuôi thành thục

Kết thúc quá trình nuôi vỗ, kiểm tra đàn cá bố mẹ cho thấy cá bè quỵt phân tính đực cái, cá đực thường có màu sắc tối hơn cá cái nhưng đôi khi không rõ ràng. Tỷ lệ cá cái có tuyến sinh dục ở giai đoạn IV đạt tỷ lệ 83,3% (10/12); cá đực thành thục (tinh trắng, đặc và tan nhanh trong nước) đạt 84,6% (11/13). Như vậy, có thể áp dụng phương pháp nuôi vỗ thành thục một số loài cá cá song (Epinephelus sp) của một số tác giả như Lê Xân (2005, 2010), Hoàng Nhật Sơn (2014)… để nuôi vỗ thành thục cá bè quỵt trong lồng bè tại Vạn Ninh, Khánh Hòa.

thử nghiệm sinh sản cá quỵt

3.2. Kết quả thử nghiệm sinh sản

 Nghiên cứu sinh sản đã thử nghiệm với 9 cặp cá bố mẹ (khối lượng 6,5 – 9,7 kg), theo 3 lô thí nghiệm. Phân tích kết quả tại Bảng 1, lô đối chứng không sinh sản sau 10 ngày đêm theo dõi, 2 lô thí nghiệm sử dụng hormone đều cho tỷ lệ 100% số cá cái tham gia sinh sản. Thời gian hormone hiệu ứng với lô H1 là 40 giờ và lô H2 là 61 giờ (sau khi tiêm). Tổng số trứng thực tế thu được trong lô thí nghiệm H1 là cao hơn H2 (5,6/3,1). Ngoài ra, chỉ tiêu tỷ lệ thụ tinh, tỷ lệ nở, lô thí nghiệm H1 đạt lần lượt là 20,3% và 72,5% cũng cao hơn so với kết quả lô H2 (10,5% và 50,2%). Điều này có thể giải thích là liều lượng hormone đã ảnh hưởng đến thời gian hiệu ứng thuốc và các chỉ tiêu sinh sản của 2 lô thí nghiệm trên.

Số trứng thu được trên 1kg cá cái của lô H1 là 68.132 trứng/kg thấp hơn so với H2 là 127.854 trứng/kg. Tuy nhiên, với cả 2 phương pháp đều thu được chỉ tiêu số trứng/kg cá cái thấp hơn so với nghiên cứu của Mutia và ctv (2009, 2014) khi tiến hành sử dụng riêng lẻ hormone 1.000 UI HCG và 100 Microgam LHRH (tiêm 2 liều cách nhau 24 giờ) đã thu được 223.068 trứng/kg và 176.524 trứng/kg. Như vậy, kết quả đạt được trong thử nghiệm của còn thấp có thể do là lần đầu tiên đàn cá sinh sản, điều này cho thấy các thí nghiệm để xác định loại và liều lượng hormone trong kích thích sinh sản cá bè quỵt cần được tiến hành thêm trong thời gian tới.

Qua việc thu mẫu và đánh giá sự phát triển tuyến sinh dục đàn cá từ tháng 7/2015 – 6/2016, nghiên cứu cũng bước đầu xác định mùa vụ sinh sản của cá bè quỵt (Caranx ignobilis) tại vùng biển Khánh Hòa từ tháng 3 – 6 hàng năm. Như vậy, mùa vụ sinh sản của cá bè quỵt trùng với thời gian sinh sản của cá chim vây vàng, cá mú đen, cá giò… tại vùng biển này.

 

3.3. Quá trình phát triển phôi

Trứng được thụ tinh của cá bè quỵt đo được có kích thước từ 0,7 – 0,8 mm. Quá trình phát triển phôi cá bè quỵt cơ bản cũng trải qua các giai đoạn phát triển chính như phôi của các đối tượng cá biển khác như cá song (E. microdon) (Tawada S.,1989b); cá song (E. costae) (Branko Glamuzila et al., 2000), trải qua các giai đoạn: thụ tinh, phân cắt tế bào, phôi dâu, phôi nang, phôi vị, phôi thần kinh và nở thành cá bột (Bảng 2, Hình 2)

Tại điều kiện môi trường thí nghiệm (độ mặn: 28 – 30‰, nhiệt độ: 30 – 310C, mật độ: 500 trứng/lít), phôi cá bè quỵt cần thời gian khoảng 12 – 13 giờ để phát triển và nở thành ấu trùng. Kết quả nghiên cứu của chúng tôi có sự sai khác nhỏ với kết quả nghiên cứu của Mutia và ctv (2009, 2014), nhóm tác giả đã xác định phôi cá bè quỵt nở trong khoảng thời gian 11 – 17 giờ (khi kích thích bằng HCG). Sự sai khác này có thể do điều kiện nhiệt độ của thí nghiệm này là thấp hơn (27,6 – 29,250C và 30 – 310C). Thời gian phát triển phôi của nhiều loài cá biển (cá song, cá giò, cá hồng Mỹ…) là từ 18 – 28 giờ và dài hơn so với thời gian phát triển phôi cá bè quỵt (khoảng 13 giờ).

Chiều dài cá bột sau khi mới nở là 1,5 – 1,6 mm, khối noãn hoàng nhỏ, có tính hướng quang và chủ động bơi lội (khác so với cá bột, các loài cá mú thường trôi nổi trên mặt nước). So sánh với kích thước ấu trùng của các loài cá biển khác cho thấy ấu trùng cá bè quỵt nhỏ tương tự ấu trùng cá song vua (E. lanceolatus), cá song da báo (P. leopardus)… nên để ương nuôi thành công giống loài cá này cần nghiên cứu sử dụng loại thức ăn tươi sống ban đầu phù hợp để nâng cao tỷ lệ sống.

 

4. Kết luận

1) Phương pháp nuôi vỗ thành thục một số loài cá song (Epinephelus sp) cá thể áp dụng trong nuôi vỗ thành thục cá bè quỵt tại vùng biển Khánh Hòa, tỷ lệ thành thục (với cá đực và cá cái) từ 83,3 – 84,6%;

2) Phương pháp kích thích sinh sản bằng hormone H1 (cá cái: 800 UI HCG + 30 Microgam LHRH-a3/kg; Cá đực = 1/2 cá cái) đạt tỷ lệ sinh sản 100%, tỷ lệ thụ tinh 20,3%, tỷ lệ nở trung bình đạt 72,5%; cao hơn so với lô H2 với liều lượng hormone = 1/2 lượng sử dụng trong H1, các chỉ tiêu lần lượt đạt 10,5% và 50,2%.

3) Phôi cá bè quỵt cũng phát triển qua các giai đoạn giống sự phát triển phôi của một số loài cá song (Epinephelus sp) khác. Kích thước trứng thụ tinh (0,7 – 0,8 mm) và ấu trùng (1,5 – 1,6 mm).

 

Tài liệu tham khảo

1. Branko Glamuzila, Niska Glavic, Pero Tutman,Valter Kozul and Bosvko Skaramuca (2000). Egg and early larval development of laboratory reared goldblotch grouper, Epinephelus costae (Steindachner, 1878). Sci. Mar., 64(3); pp. 341 – 345.

2. Hoàng Nhật Sơn, 2015. Nghiên cứu công nghệ sản xuất giống cá song vua (Epinephelus lanceolatus). Báo cáo tổng kết đề tài. Thư viện Viện Nghiên cứu NTTS I.

3. Hoàng Nhật Sơn, Trần Thế Mưu, 2015. Nghiên cứu chuyển đổi giới tính và thử nghiệm sinh sản cá song chanh (Epinephelus malabaricus Bloch & Schneider 1801) tại Cát Bà. Tạp chí Thủy sản Việt Nam. Số 1(200), trang 53 – 54.

4. Lê Xân, 2005. Nghiên cứu công nghệ sản xuất giống và nuôi thương phẩm một số loài cá song (Epinephelus sp) phục vụ xuất khẩu. Báo cáo tổng kết đề tài. Trung tâm Tư liệu Quốc gia.

5. Lê Xân, 2010. Nghiên cứu công nghệ sản xuất giống và nuôi một số loài cá biển giá trị kinh tế cao. Báo cáo tổng kết đề tài. Trung tâm Tư liệu Quốc gia.

6. Ma. Theresa M. Mutia, Frederick B. Muyot, Myleen L. Magistrado, 2014. Induced Breeding of Giant Trevally, maliputo (Caranx ignobilis). International Workshop on Resouse Enhancement and Suitainable Aquaculture Practice in Southeast Asia, 5 – 7 March, IloilTo Topo City, Philippines. 

7. Ma. Theresa M. Mutia, 2009. Induced Breeding of Maliputo Caranx ignobilis. NFRDI Accomplishment Report CY 2009: R and D Abstract, Training and Extension, Vol 13, No. 1. National Fisheries Research and Development Institute, 940, Quezon Avenue, Quezan City 1103, Philippines.

8. Nguyễn Mộng Hùng (1993). Bài giảng sinh học và phát triển. NXB Khoa học và Kỹ thuật.

9. Tawada S. (1989a). Development of eggs, larvae and juvenile of the grouper Epinephelus microdon (Bleeker) reared ing the hatchery. Suisanzoshoku H1, 99-103 (in Japanese)

10. Tawada S. (1989b). Spawning of brood stock of the grouper Epinephelus microdon (Bleeker). Suisanzoshoku H1, 105 – 108 (in Japanese)

Hoàng Nhật Sơn, Trần Thế Mưu, Phạm Văn Thìn, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản I

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!