Ứng dụng công nghệ biofloc trong nuôi tôm mang lại năng suất cao, nhưng chi phí thức ăn rất lớn; vì vậy, việc nghiên cứu để giảm lượng thức ăn mà vẫn đảm bảo hiệu quả kinh tế có ý nghĩa vô cùng to lớn.
Nuôi tôm theo quy trình biofloc mang lại hiệu quả bền vững Ảnh: Phan Thanh
Chuẩn bị thí nghiệm
Gồm trên 18 bể composite thể tích 500 l/bể và cấp thể tích nước là 250 l. Tôm thẻ chân trắng trọng lượng trung bình 0,42 + 0,078 g/con, chiều dài trung bình 3,92 + 0,352 cm. Tiến hành vệ sinh xung quanh trại, dụng cụ thí nghiệm bằng nước sạch và khử trùng bằng chlorine 200 ppm. Nước có độ mặn 75‰, pha nước lợ 15‰ từ nước biển và nước ngọt, xử lý bằng chlorine 30 ppm, sục khí mạnh. Sau đó, lọc qua túi lọc vải 1µm khi sử dụng.
Thí nghiệm gồm 6 nghiệm thức bố trí hoàn toàn ngẫu nhiên, gồm 3 nghiệm thức cho ăn với lượng thức ăn khác nhau và có bổ sung bột gạo theo lượng thức ăn (60BG, 80BG, 100BG) và 3 nghiệm thức đối chứng cũng cho ăn với các lượng thức ăn tương tự nhưng không bổ sung bột gạo (60ĐC, 80ĐC, 100ĐC), mỗi nghiệm thức được lặp lại 3 lần, mật độ 200 con/m3. Bột gạo được tính theo lượng thức ăn bổ sung trong 3 ngày, cân và đem pha với nước ủ trong 48 giờ, tạt ban ngày. Trong quá trình nuoi, thường xuyên theo dõi các thông số môi trường pH và nhiệt độ đo 2 lần/ngày, độ mặn và độ kiềm tiến hành đo 7 ngày/lần.
Chăm sóc và cho ăn
Sử dụng thức ăn chuyên dùng trong nuôi tôm thẻ chân trắng có chứa 42% protein, cho ăn 4 lần/ngày. Theo dõi thường xuyên các các biến đổi của môi trường nuôi. Định kỳ theo dõi sự tăng trưởng về khối lượng và chiều dài của tôm nuôi (7 ngày/lần).
Kết quả
Trong quá trình thí nghiệm, các yếu tố môi trường có biến động, tuy nhiên tất cả vẫn ở mức phù hợp với sự sinh trưởng và phát triển của tôm nuôi. Nhiệt độ trung bình của các nghiệm thức ít có chênh lệch, nhiệt độ thấp nhất vào buổi sáng là 26,8 + 1,230C và cao nhất vào buổi chiều là 27,8 + 1,270C. Giới hạn nhiệt độ cho sự sinh trưởng của tôm thẻ chân trắng 14,5 – 350C (Christopher, 2008) và nhiệt độ thích hợp cho sự phát triển của tôm thẻ chân trắng 26 – 310C (Ching & Lisuwan, 2012).
Giá trị pH trung bình của các nghiệm thức ít có chênh lệch, pH thấp nhất vào buổi sáng là 7,8 + 0,56 và cao nhất vào buổi chiều là 8,2 + 0,396, biên độ dao động pH đều không vượt quá 0,5 đơn vị ở tất cả các nghiệm thức. Độ kiềm trong các thí nghiệm dao động 39 – 160 mg/l (CaCO3) và biến động trong suốt quá trình thí nghiệm, tuy nhiên, vẫn ở mức phù hợp với sự sinh trưởng và phát triển của tôm. Vật chất hữu cơ dễ bay hơi (TSS), chất rắn lơ lửng (VSS) có thời điểm tăng cao nhưng tôm vẫn có thể sống và phát triển, độ đục tăng dần ở các nghiệm thức, các nghiệm thức có bổ sung bột gạo độ đục cao hơn các nghiệm thức đối chứng.
Lượng TAN (tổng đạm Amoni) ở các nghiệm thức có bổ sung bột gạo cao hơn so với các nghiệm thức đối chứng, trong đó nghiệm thức 100BG (14,6 mg/l) tăng cao nhất. Hàm lượng Nitrite (NO2-) ở các nghiệm thức đối chứng cao hơn các nghiệm thức có bổ sung bột gạo, cao nhất là nghiệm thức 100ĐC (34 mg/l) và 80ĐC (32 mg/l), 60ĐC (23,2 mg/l) và thấp nhất là 60BG (15 mg/l).
Mật độ vi khuẩn tổng ở các nghiệm thức có xu hướng tăng dần về cuối thí nghiệm; trong khi, mật độ vi khuẩn Vibrio có xu hướng giảm dần, ở nghiệm thức 100BG mật độ vi khuẩn tổng và Vibrio cao nhất.
Lượng biofloc phù hợp cho tôm phát triển ở nghiệm thức 60BG (14,3 ml/l) ở các nghiệm thức còn lại lượng biofloc tuy dao động cao hơn nhưng vẫn thích hợp cho tôm, chỉ có nghiệm thức 100BG lượng biofloc tăng cao nhất (34 ml/l). Ở nghiệm thức 100BG có hạt floc kích cỡ lớn hơn so với các nghiệm thức khác.
Tỷ lệ sống cao nhất ở nghiệm thức 100ĐC (79,3%) sau đó là nghiệm thức 80BG (78%), 100BG (75,3%) và 60BG (73,3%). Ở nghiệm thức 80BG thì tôm đạt khối lượng trung bình cao nhất là 12,54 g và đạt năng suất cao nhất là 1,96 kg/m3.
>> Khi nuôi tôm theo quy trình biofloc với các lượng thức ăn khác nhau, thì từ các kết quả phân tích cho thấy, nghiệm thức 80BG (cho ăn 80% lượng thức ăn có bổ sung bột gạo) cho kết quả tốt về tỷ lệ sống, tăng trưởng khối lượng, năng suất cũng như các chỉ tiêu môi trường đều phù hợp cho tôm phát triển. |