Khắc phục hiện tượng cá thiếu ôxy

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Mưa tác động trực tiếp đến nước ao nuôi, làm giảm nhiệt độ, pH,… Đặc biệt, việc thiếu hụt ôxy hòa tan được xem là nguyên nhân chính gây ra hiện tượng cá nổi đầu và chết sau các đợt mưa bão.

Nguyên nhân

Trong ao, thường có hai nguồn ôxy hòa tan (DO), từ máy sục khí và từ thực vật phù du. Suốt giai đoạn mưa kéo dài, hoạt động của thực vật phù du sẽ chậm lại vì có ít ánh sáng mặt trời, chính vì vậy xảy ra hiện tượng phân tầng nước ao, tù nước sẽ xảy ra. Lớp nước ngọt (phân tầng) trên bề mặt ao khiến cho ôxy khó hòa tan vào phần nước còn lại.

Cùng đó, mưa lớn đầu mùa cuốn trôi mùn bã hữu cơ, đất cát trên đất liền làm gia tăng hàm lượng chất rắn lơ lửng (TSS) gây tắc nghẽn cấu trúc mang cá, cản trở hô hấp gây ngạt và chết. Tất cả các yếu tố trên có thể là nguyên nhân dẫn đến hiện tượng thiếu hụt ôxy trầm trọng khiến cá nổi đầu và chết hàng loạt.

Ngoài ra, sự thiếu hụt ôxy dẫn đến quá trình phân hủy thiếu khí tạo thành các khí độc như NH3, H2S, CH4 sẽ dẫn tới tình trạng cá bị sốc, ngộ độc, giảm sức đề kháng và bệnh sẽ phát triển. Nếu quá trình thiếu khí xảy ra trong thời gian dài, cá nuôi sẽ bị chết ngạt do thiếu ôxy.

Dấu hiệu

Khi lượng ôxy giảm hơn nữa, cá sẽ bắt đầu thở gấp và chuyển động mang nhanh hơn khi chúng cố gắng lấy đủ ôxy từ nước bằng cách truyền nhiều nước hơn qua mang. Cá thiếu ôxy thường có các biểu hiện như: Cá nổi lên trên mặt nước, đớp không khi để hô hấp. Nếu tình trạng thiếu dưỡng khí kéo dài sẽ quan sát thấy môi dưới của cá nhô ra, màu sắc trên lưng cá biến nhạt.

Khắc phục

Trước hết người nuôi cần triển khai cấp cứu, cung cấp ôxy bằng cách bổ sung cấp tốc các sản phẩm cung cấp ôxy tức thời cho cá trên thị trường. Đồng thời, kiểm soát ôxy hòa tan trong ao, bố trí máy sục khí, máy thổi khí, quạt nước,… để tạo ôxy hòa tan.
Giảm 50 – 70% lượng thức ăn cho cá hoặc ngừng cho ăn tùy tình hình nếu cá thiếu ôxy, nổi đầu quá nặng.

Khi cá bị nổi đầu do thiếu ôxy thì tốt nhất là không bón thêm phân hữu cơ, phân chuồng vào trong ao nuôi. Đồng thời, cứ 15 – 20 ngày dùng vi sinh xử lý đáy, vi sinh đáy để kiểm soát vi sinh vật trong ao và lượng hữu cơ tồn đọng ở đáy ao nuôi. Bên cạnh đó, luôn kiểm soát tốt các loại tảo độc trong ao như tảo lam, tảo đỏ, tảo mắt bằng thuốc diệt tảo, vi sinh đáy tránh hiện tượng tảo tàn gây thiếu ôxy hòa tan vào sáng sớm.

Các ao, lồng đang có cá chết cần vệ sinh khu vực nuôi, thu gom cá chết ra khỏi khu vực nuôi ngăn ngừa ô nhiễm môi trường và phát sinh mầm bệnh. Dừng thả nuôi mới nhằm giảm thiểu rủi ro do ảnh hưởng xấu của môi trường và có thời gian để cải thiện môi trường nước vùng nuôi.

Phòng bệnh

Kiểm tra, gia cố lại bờ ao bảo đảm chắc chắn; nạo vét, khơi thông cống, rãnh, kênh mương bảo đảm thoát nước.

Thu gom, xử lý rác, thủy sản chết (nếu có) và các chất thải khác trong khu vực nuôi.

Xả bớt nước trên tầng mặt để giảm bớt lượng nước mưa trong ao; chạy máy quạt nước, sục khí nhằm hạn chế sự phân tầng nước đối với những ao nuôi thâm canh và bán thâm canh.

Thường xuyên sử dụng các thiết bị để kiểm tra hàm lượng ôxy trong ao nuôi.
Chủ động các thiết bị, hóa chất để tăng cường ôxy hòa tan trong nước.

Kiểm tra, bảo quản tốt thức ăn cho thủy sản nuôi, tránh bị ẩm mốc. Cho cá ăn thức ăn bảo đảm chất lượng, bổ sung Vitamin C, chế phẩm sinh học vào thức ăn để tăng sức đề kháng, phòng bệnh cho thủy sản nuôi.

Cần thường xuyên quan sát nước vùng nuôi và cá nuôi, khi thấy nước đục, cá kém ăn hoặc bơi chậm, nhao lên mặt nước cần có biện pháp xử lý kịp thời, tăng cường ôxy.

Nguyễn Hằng

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!