Một số ngư dân là khách hàng của Cty TNHH MTV Nam Triệu hiện đang “vò đầu bứt tai” vì không có cách nào đưa những con tàu hỏng hóc vào đến xưởng để khắc phục sự cố.
Ngư dân đưa tàu vào xưởng sửa chữa
“Hễ rời bến một quãng là máy móc nóng ran, ì ạch, không nhúc nhích gì được. Tình trạng tàu rất nguy hiểm, chúng tôi không thể liều mạng giữa biển khơi”, ông Lê Văn Thải, chủ tàu vỏ thép BĐ 99016 TS nói.
Tàu ông Thải có công suất 940CV, đóng mới với chi phí 18,7 tỉ đồng. Theo thỏa thuận giữa chủ tàu với Cty Nam Triệu, ông Thải phải đưa tàu từ cảng cá Đề Gi (Phù Cát, Bình Định) – nơi một phần sản nghiệp của ông nằm vật vạ từ nhiều tháng nay – vào xưởng sửa chữa tại Cam Ranh (Khánh Hòa) để được thay máy.
Ông Lê Văn Thải không phải là trường hợp duy nhất lâm cảnh “giữa đường mắc kẹt”. Đồng hương của ông, ông Đinh Công Khánh, cũng đang nhấp nhổm như ngồi trên đống lửa. Tàu ông Khánh, ông Thải lắp đặt động cơ không chính hãng, thiếu đồng bộ mà phải bằng biện pháp đấu tranh quyết liệt, cơ quan chức năng ở Bình Định mới thành công trong việc buộc đơn vị cung cấp động cơ thừa nhận sai phạm.
“Máy móc chắp vá, không chính hãng nên sau ngày nhận bàn giao, con tàu liên tiếp hư hỏng. Công ăn việc làm ngưng trệ, kinh tế gia đình điêu đứng. Cực chẳng đã, tôi phải đồng ý với doanh nghiệp đưa tàu vô Cam Ranh. Nhưng thế này thì đi đứng làm sao? Cứ nổ máy chạy vài hải lý là động cơ lại ì ra “ăn vạ”. Tàu nằm bờ quá lâu, giờ tất cả đều rệu rã hết rồi”, ông Thải than thở.
Ông Đinh Công Khánh: “Mới khởi động đã thế, làm sao chúng tôi dám mạo hiểm trên suốt quãng đường từ đây vào đến Khánh Hòa. Nó giở chứng giữa chừng thì xoay trở ra sao? An toàn con tàu, rồi sinh mạng của mình nữa. Đúng là lẩn quẩn, bế tắc. Tàu không vào được xưởng, không biết bao giờ mới hết cảnh nằm bờ”.
Phó Tổng Giám đốc Cty TNHH MTV Nam Triệu Bùi Hữu Hùng xác nhận tình trạng trên. Ông Hùng đưa ra hướng giải quyết: Cty sẽ điều động nhân viên kỹ thuật đến Đề Gi xem xét, sửa chữa tại chỗ. Tuy nhiên, nếu khắc phục sự cố theo hướng đó, sẽ nảy sinh lo ngại mới liên quan đến chất lượng kỹ thuật, tính ổn định lâu dài của tàu cá. Đơn giản vì Đề Gi không phải là… xưởng sửa chữa tàu, đặc biệt là tàu vỏ thép!