T2, 07/11/2022 02:03

Khắc phục “thẻ vàng”: Cam kết mạnh mẽ của Việt Nam

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Sau 5 năm bị Ủy ban châu u (EC) cảnh cáo “thẻ vàng” trong lĩnh vực khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), Việt Nam đã rất nỗ lực để khắc phục triệt để các khuyến nghị được EC đưa ra. Trong cuộc họp mới đây với đoàn công tác của EC, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã đưa ra những cam kết mạnh mẽ.

Vẫn còn rất khó

Một nửa thập kỷ bị “thẻ vàng” đeo bám, xuất khẩu hải sản của Việt Nam sang châu Âu gặp rất nhiều trắc trở. Để tháo gỡ, ngành thủy sản Việt Nam đã rất nỗ lực khắc phục đầy đủ mọi khuyến nghị của phía EC, thế nhưng, cơ hội để được xóa thẻ dường như vẫn rất nhỏ. Bởi như trong một cuộc hội thảo trước đây, bà Phan Thị Huệ, Vụ trưởng Vụ Pháp chế – Thanh tra (Tổng cục Thủy sản), cho biết rằng phía EC khẳng định còn 1 tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài thì không rút “thẻ vàng”.

Quyết định này như một “bản án” rất khó gỡ, bởi cho đến hết quý III năm nay, tình trạng tàu cá Việt Nam vi phạm vùng biển nước ngoài vẫn xảy ra. Theo số liệu của Tổng cục Thủy sản, tính đến hết tháng 9, cả nước vẫn còn 62 vụ/85 tàu/704 ngư dân vi phạm vùng biển ở nước ngoài bị cơ quan chức năng các nước bắt giữ, xử lý. Trong đó đã xác định 43 vụ đánh bắt tại khu vực vùng biển chồng lấn, tranh chấp, vùng nước lịch sử, chưa rõ tọa độ. 

Phó Thủ tướng Lê Minh Thành cam kết sẽ điều chỉnh chế tài xử phạt IUU. Ảnh: TTXVN

Tỉnh Kiên Giang vẫn đứng đầu cả nước về số vụ, số tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài. Cụ thể, 9 tháng đầu năm, toàn tỉnh có 11 vụ/17 tàu cá/157 ngư dân có dấu hiệu vi phạm. Chưa kể, tình trạng tàu cá mất kết nối trên biển, mất kết nối trong bờ hoặc có tín hiệu kết nối trong bờ thời gian dài vẫn thường xuyên xảy ra với số lượng lớn… 

Ngoài ra, việc quản lý tàu cá hiện vẫn còn bất cập khi tổng số tàu đã được cấp giấy phép khai thác thủy sản mới đạt 64,35% (59.018/91.716 tàu); cập nhật quản lý đội tàu về cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia mới chỉ đạt hơn 82% (75.235 tàu); công tác kiểm soát sản lượng, truy xuất nguồn gốc cá mới đạt khoảng 30%, nhật ký khai thác mới đạt được 45% so với yêu cầu…

Theo Bộ NN&PTNT, trong 4 khuyến nghị của EC (khung pháp lý; theo dõi, kiểm tra, kiểm soát hoạt động tàu cá, quản lý đội tàu; chứng nhận sản lượng và truy xuất nguồn gốc thủy sản từ khai thác; thực thi pháp luật), chúng ta mới thực hiện tương đối tốt ở khâu xây dựng, hoàn thiện khung pháp lý, các khâu khác đạt hiệu quả chưa cao.

Theo đánh giá của một số chuyên gia, chính tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”, sự lơ là giám sát của chính quyền một số địa phương đã và đang khiến ngư dân còn vi phạm khai thác IUU trên các vùng biển. Và cũng là nguyên nhân khiến “thẻ vàng” chưa thể được gỡ bỏ. Điều này khiến cho xuất khẩu hải sản của Việt Nam sang thị trường EU thiệt hại rất nặng. Còn nếu tình huống xấu là “thẻ đỏ” thì lúc đó, tất cả sản phẩm hải sản khai thác của Việt Nam sẽ bị cấm xuất khẩu vào EU, như vậy, ngành thủy sản Việt Nam sẽ tổn thất khoảng 350 – 400 triệu USD.

Cam kết của Việt Nam

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), trong thời gian bị áp “thẻ vàng”, 100% số container hàng hải sản xuất khẩu bị giữ lại cảng đến để kiểm tra nguồn gốc khai thác. Ðiều này khiến cho doanh nghiệp không chỉ mất thêm thời gian thông quan (3 – 4 tuần/container) mà còn tốn thêm chi phí kiểm tra (500 GBP/container). Tệ nhất là nếu các container hàng bị trả lại thì doanh nghiệp còn chịu tổn thất nặng nề nữa.

Tại cuộc họp mới đây với đoàn công tác của EC về chuyến kiểm tra lần thứ 3 đối với các giải pháp gỡ “thẻ vàng” thủy sản của Việt Nam, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đề nghị EC và các nước thành viên EU tiếp tục hợp tác chặt chẽ và hỗ trợ kỹ thuật để Việt Nam thực hiện các khuyến nghị hiệu quả hơn. Đồng thời, Phó Thủ tướng cam kết sẽ điều chỉnh chế tài xử phạt IUU, thực hiện chiến lược thủy sản bền vững bằng cách giảm đánh bắt, tăng nuôi trồng; quyết tâm ngăn chặn và tiến tới loại bỏ tình trạng khai thác trái phép, vì uy tín và lợi ích của quốc gia.

Phía EC cũng đề nghị tăng mức xử phạt tàu cá vi phạm đánh bắt vùng biển nước ngoài hơn nữa, không khoan nhượng với hành vi IUU, đồng thời kiểm soát kỹ hơn hải sản nhập khẩu vào Việt Nam.

Số liệu của VASEP cho thấy, 3 quý đầu năm, xuất khẩu hải sản khai thác của Việt Nam đã mang về trên 3,4 tỷ USD, tăng 40% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, giá trị xuất khẩu mặt hàng này sang EU chỉ đạt 272 triệu USD (chiếm 26% trong tổng giá trị xuất khẩu thủy sản sang thị trường EU) và đứng thứ 5 trong số các thị trường xuất khẩu hải sản của nước ta sau Nhật Bản, Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc. 

Theo đại diện của VASEP, dù giá trị xuất khẩu hải sản sang EU vẫn tăng, nhưng trong cả bức tranh xuất khẩu thủy sản nói chung và hải sản nói riêng của Việt Nam, vị thế của EU ngày càng mờ nhạt và thu hẹp, chủ yếu vì ảnh hưởng của “thẻ vàng” IUU.

>> Theo VASEP, xuất khẩu sang thị trường EU chiếm 15 - 17% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam. Năm 2022, ước tính xuất khẩu thủy sản sang EU sẽ đạt hơn 1,4 tỷ USD, trong đó hải sản khoảng 420 triệu USD.

PV

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!