Khắc phục tình trạng tôm hùm bị thiếu ôxy

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Thời gian qua, hiện tượng tôm hùm chết nhiều tại Phú Yên đã gây thiệt hại lớn cho người dân. Theo cơ quan chức năng, nguyên nhân ban đầu được xác định là do hàm lượng ôxy hòa tan tại vùng nuôi thấp sau nhiều ngày thời tiết nắng nóng và có mưa dông lớn vào ban đêm.

Nguyên nhân

Tại Phú Yên, từ ngày 18 – 20/5/2024, trên 129 tấn tôm hùm, cá nuôi tại đầm Cù Mông thuộc xã Xuân Thịnh bị chết đột ngột, gây thiệt hại trên 38 tỷ đồng. Từ ngày 22 đến 24/6 tại xã Xuân Cảnh, thị xã Sông Cầu cũng xảy ra tình trạng tôm hùm, cá chết hàng loạt. Theo thống kê ban đầu, số lượng tôm hùm thịt bị chết khoảng 1,7 tấn; tôm hùm con (từ 1 đến 2 tháng tuổi) chết khoảng 6.000 con.

Thường xuyên kiểm tra sức khỏe tôm nuôi để phát hiện kịp thời sự cố có thể xảy ra. Ảnh: Kim Sơ

Theo cơ quan chức năng, nguyên nhân ban đầu xác định vùng nuôi quá tái, môi trường bị ô nhiễm. Cùng đó, nắng nóng oi bức, xuất hiện mưa dông đã làm nước bị phân tầng, tăng áp suất tầng đáy, thúc đẩy quá trình phân hủy chất hữu cơ, làm tiêu hao hàm lượng ôxy hòa tan trong nước, đặc biệt là trong khoảng thời gian từ 0 – 3 giờ sáng dẫn đến hiện tượng tôm nuôi bị chết.

Dấu hiệu

Khu vực nuôi có hiện tượng phân tầng nhiệt độ, tầng đáy nước nóng nhiệt độ rất cao so với tầng mặt nước. Nước ở vùng tôm chết có mùi hôi, màu nước trắng đục, các loài cá tự nhiên cũng bị chết…

Giải pháp

Chính quyền và người nuôi ở địa phương cần phải di chuyển hoặc giảm số lượng lồng nuôi trên một đơn vị diện tích ở tại vùng nuôi này; kéo tất cả số lồng nuôi có tôm chết (lồng không còn tôm) lên bờ nhằm giảm tải vùng nuôi và tăng cường sự lưu thông nước. Ngoài ra cần tổ chức vớt, thu gom xác tôm chết trôi nổi trên đầm đưa vào bờ xử lý hợp vệ sinh nhằm tránh tình trạng vùng nuôi tiếp tục bị ô nhiễm.

Nâng các lồng nuôi lên gần mặt nước. Song song với việc này phải che mát các lồng nuôi bằng cách dùng lưới lan hay tận dụng tàu dừa sẵn có ở địa phương.

Người nuôi không nuôi với mật độ dày mà phải tiến hành san thưa thủy sản nuôi, giãn khoảng cách lồng để tăng lưu thông nước, tránh hiện tượng bị thiếu ôxy cục bộ tại lồng nuôi.

Chỉ bố trí lồng bè nuôi trong khu vực được quy hoạch nuôi trồng thủy sản và có mực nước tối thiểu 4 m khi triều kiệt.

Giảm lượng thức ăn hằng ngày hoặc ngừng cho ăn vào những ngày nắng nóng gay gắt, chọn loại thức ăn có hàm lượng dinh dưỡng cao kết hợp với việc bổ sung Vitamin C, khoáng chất, chế phẩm sinh học nhằm tăng cường sức đề kháng của tôm trong giai đoạn thời tiết thất thường như hiện nay.

Thức ăn tươi phải được xử lý sạch trước khi cho tôm hùm ăn, trường hợp cần thiết có thể ngâm rửa thức ăn tươi bằng thuốc tím (KMnO4) với liều lượng 3 – 5 mg thuốc tím/L nước để loại bỏ bớt các mầm bệnh có trong thức ăn tươi.

Bên cạnh đó, thường xuyên vệ sinh lồng nuôi để tăng cường quá trình trao đổi nước, thường xuyên kiểm tra sức khỏe tôm nuôi, nhất là ban đêm, để phát hiện kịp thời sự cố có thể xảy ra.

Nên thu hoạch toàn bộ hoặc thu tỉa tôm nuôi ngay khi đạt kích cỡ thương phẩm để giảm thiểu thiệt hại khi xảy ra sự cố do môi trường, dịch bệnh.

Chủ động theo dõi diễn biến thời tiết, kết quả quan trắc môi trường của các cơ quan chức năng để chủ động xử lý tình huống trong quá trình nuôi.

Người nuôi cần phải trang bị một số bình ôxy hay ôxy dạng hạt để xử lý kịp thời, cung cấp ôxy trong giai đoạn tôm nuôi bị thiếu ôxy, nhất là vào ban đêm, lúc thủy triều rút.

Địa phương tiếp tục triển khai kế hoạch phòng chống dịch bệnh trong nuôi tôm, tăng cường quản lý nuôi tôm trong điều kiện thời tiết nắng nóng, mưa bão và hạn hán xâm nhập mặn năm 2024. Cùng đó, thường xuyên cập nhật, chuyển thông tin quan trắc môi trường đến người nuôi chủ động ứng phó kịp thời, tránh thiệt hại.

Nguyễn Hằng

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!