(TSVN) – Hỏi: Vào mùa mưa tôm thường ăn kém, giảm ăn. Hỏi biện pháp để khắc phục?
(Lê Văn Trí, xã Quỳnh Bảng, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An)
Trả lời:
Mùa mưa, thời tiết thay đổi thất thường, mưa bão kéo dài làm biến động các yếu tố môi trường pH, kiềm, nhiệt độ, độ mặn, ôxy giảm; hàm lượng khí độc tăng cao; tiếng ồn tăng và kéo dài do trời mưa làm tôm không thích ứng được sự thay đổi nhanh chóng của các yếu tố môi trường, làm tôm bị stress giảm ăn hoặc bỏ ăn gây ra nhiều thiệt hại ảnh hưởng đến năng suất cho người nuôi.
Để hạn chế tình trạng trên, khi mưa kéo dài làm tăng mực nước trong ao, để tránh sự phân tầng nhiệt độ cần hút xả bớt nước tầng mặt. Duy trì mực nước 1,3 – 1,5 m để giữ nhiệt độ ổn định.
Khi mưa lớn, tăng cường hàm lượng ôxy trong ao nuôi bằng cách tăng cường sục khí, bố trí quạt nước với công suất phù hợp để đảm bảo hàm lượng ôxy hòa tan trong ao > 4 mg/lít, tốt nhất là đạt trên mức 5 mg/lít. Bà con nên dự trữ oxygen để bổ sung hàm lượng ôxy cấp bách trong những ngày trời mưa, ao thiếu ôxy, hoặc phòng trường hợp mất điện. Dự trữ máy phát điện phòng trường hợp mưa lớn gây mất điện
Thời điểm này tôm rất nhạy cảm với các mầm bệnh do hệ miễn dịch đang rất yếu. Do đó, cần bổ sung Vitamin C 5 g/kg thức ăn và men tiêu hóa thức ăn vào thức ăn giúp ruột to, phân dài, tiêu hóa nhanh thức ăn. Ức chế các vi khuẩn gây bệnh đường ruột từ đó giảm nguy cơ nhiễm các bệnh đường ruột như ruột lỏng, đứt khúc, phân trắng trên tôm.
Bổ sung đầy đủ khoáng chất bằng cách trộn cho ăn và tạt trực tiếp vào nước giúp tôm hấp thu dễ dàng nhanh cứng vỏ khỏe mạnh, hạn chế sự tấn công của các mầm bệnh
Tăng cường sử dụng chế phẩm vi sinh bổ sung vi khuẩn có lợi vào môi trường nước, ổn định màu nước, xử lý làm sạch môi trường nước ao nuôi.
Ban KHKT