Khắc phục tồn tại, hạn chế chống khai thác IUU

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Tình hình chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) sau hơn 6 năm bị cảnh báo “thẻ vàng” đã có những chuyển biến đáng kể trong công tác quản lý hoạt động khai thác thủy sản, chống khai thác IUU. Tuy nhiên, ngành thủy sản nước ta vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế chậm khắc phục tại địa phương.

Nỗ lực hơn nữa

Theo Bộ NN&PTNT, qua kết quả làm việc trực tiếp với DG-MARE về các khuyến nghị của EC tại đợt thanh tra lần thứ 3, EC tiếp tục ghi nhận, đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam trong chống khai thác IUU, một số nội dung đã triển khai các giải pháp xử lý và có kết quả cập nhật, trao đổi kịp thời. Tuy nhiên, sau đợt thanh tra lần thứ 3 của EC kết quả thực hiện các khuyến nghị của EC, đến nay vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế.

Lắp đặt thiết bị VMS trên tàu cá giúp kiểm soát vi phạm trong khai thác. Ảnh: Thanh Chi

Hiện, nước ta chưa hoàn thành việc đăng ký tàu cá, cấp Giấy phép khai thác thủy sản; cập nhật dữ liệu tàu cá vào cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia (VNFishbase) chưa đầy đủ. Cụ thể: Tổng số tàu cá có chiều dài từ 6 m trở lên đã được đăng ký và cập nhật trên cơ sở dữ liệu VNFisbase là 71.658/86.820 chiếc (đạt 82,5%). Tổng số tàu cá đã được cấp giấy phép còn hạn mới đạt khoảng 70%; trong đó: từ 6 đến dưới 12 mét đạt 46,0%; từ 12 đến dưới 15 mét đạt 64,6%; từ 15 m trở lên đạt 94,8%.

Tình trạng tàu cá tham gia hoạt động khai thác thủy sản chưa đảm bảo đủ điều kiện vẫn tiếp tục diễn ra. Lắp đặt thiết bị VMS đạt gần 100% nhưng tình trạng tàu cá ngắt kết nối VMS xảy ra phổ biến với số lượng lớn; cụ thể: Tỷ lệ số lượng tàu cá có kết nối trung bình hàng ngày qua hệ thống giám sát tàu cá hiện nay đạt khoảng 60%; trong đó: một số tỉnh có tỷ lệ tàu cá kết nối cao hàng ngày từ 80 – 85% như Ninh Bình, Bến Tre, Cà Mau, Vĩnh Long, Long An.

Bộ đội tuyên truyền để ngư dân hiểu rõ về chống khai thác IUU. Ảnh minh họa.

Tàu cá thường xuyên hoạt động sai vùng (như tại các tỉnh Hải Phòng, Quảng Ninh…), vượt ranh giới trên biển phát hiện qua hệ thống giám sát tàu cá nhưng việc xác minh, xử lý rất hạn chế khi tàu cập cảng. Ngoài ra, tình trạng tàu cá không cập cảng chỉ định theo quy định vẫn diễn ra thường xuyên; tỷ lệ giám sát sản lượng thủy sản qua cảng còn thấp.

Trong khi đó, hiện cả nước mới chỉ có 15 tỉnh thành lập Kiểm ngư địa phương dẫn đến chưa đảm bảo đủ năng lực thực thi pháp luật trong khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên vùng biển được phân cấp, tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, chống khai thác IUU.

Một số tàu còn hoạt động sai vùng biển. Ảnh minh họa

Thực hiện xác nhận, chứng nhận và truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác trong nước còn nhiều tồn tại về: Nhật ký khai thác chưa đảm bảo độ tin cậy trong truy xuất nguồn gốc. Chưa triển khai hệ thống điện tử đồng bộ từ Trung ương đến địa phương. Một số hồ sơ truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác xuất khẩu vào thị trường châu Âu hiện nay còn mang tính chất đối phó…

Việc kiểm soát sản phẩm thủy sản khai thác nhập khẩu từ nước ngoài chưa đảm bảo đầy đủ theo quy định quốc tế; chưa có cơ chế kiểm soát được nguồn gốc sản phẩm thủy sản khai thác nhập khẩu vào Việt Nam bằng tàu container; chưa đảm bảo 100% nguyên liệu vào cơ sở chế biến thủy sản được chứng nhận chống khai thác IUU dẫn tới rủi ro có sản phẩm IUU được nhập khẩu vào Việt Nam và có nguy cơ xảy ra tình trạng nguyên liệu thô trong nước và nước ngoài được trộn lẫn để chế biến, xuất khẩu vào thị trường EU.

Mạnh tay xử lý vi phạm

Trong nỗ lực gỡ “thẻ vàng” IUU, yếu tố quan trọng nhất hiện nay là kiên quyết chấm dứt tình trạng tàu cá vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài.

Theo Bộ NN&PTNT, tình trạng tàu cá khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài vẫn diễn biến phức tạp. Cụ thể: Từ đầu năm 2023 đến nay (tính đến ngày 29/8/2023) tiếp tục xảy ra 39 tàu/252 ngư dân bị nước ngoài bắt giữ, xử lý, tập trung tại các tỉnh Bình Định, Khánh Hòa, Bình Thuận, Bến Tre, Bạc Liêu, Tiền Giang, Cà Mau và Kiên Giang; EC khẳng định không gỡ cảnh báo “thẻ vàng” nếu không chấm dứt tình trạng này.

\Chi cục Kiểm ngư liên lạc với tàu chỉ huy. Ảnh: baophapluat

Ngoài ra, tình trạng tàu cá tắt, tháo gỡ thiết bị VMS gửi sang tàu cá khác để khai thác sai vùng và trốn tránh sự giám sát của lực lượng chức năng đi khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài tiếp tục diễn ra phức tạp. Kết quả điều tra, truy tố hành vi môi giới, móc nối đưa tàu cá đi khai thác trái phép ở vùng biển nước ngoài còn hạn chế.

Bên cạnh đó, công tác thực thi pháp luật, xử phạt các hành vi khai thác IUU tại một số địa phương rất yếu kém, thiếu trách nhiệm và chưa thống nhất, đồng bộ; đặc biệt là vi phạm khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài, mất kết nối VMS, vượt ranh giới trên biển… Đặc biệt, còn nhiều địa phương có số lượng lớn tàu mất kết nối trên 10 ngày nhưng không xử phạt vi phạm hành chính trường hợp nào, điển hình các tỉnh: Nghệ An 112 lượt tàu; Quảng Ngãi 46 lượt tàu; Thanh Hóa 42 lượt tàu; Hải Phòng 41 lượt tàu; Tiền Giang 14 lượt tàu; Bà Rịa Vũng Tàu 13 lượt tàu.

Bộ NN&PTNT cũng cho biết, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình các vi phạm trên như: địa phương vẫn còn chủ quan, chưa quan tâm đúng mức nhiệm vụ chống khai thác IUU trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, bố trí nguồn lực, thiếu kiểm tra, giám sát; Tổ chức bộ máy, nguồn nhân lực của ngành thủy sản từ Trung ương đến địa phương chưa đảm bảo. Một số tổ chức, cá nhân thu mua, chế biến, tiêu thụ sản phẩm thủy sản từ khai thác chưa nghiêm túc chấp hành các quy định về chống khai thác IUU. Việc đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng nghề cá, đặc biệt là tại các cảng cá còn nhiều hạn chế để đáp ứng yêu cầu kiểm soát tàu cá ra vào cảng, kiểm soát sản lượng thủy sản qua cảng… Và hơn nữa nguồn lợi thủy sản trong nước bị suy giảm, ý thức chấp hành pháp luật của người dân chưa cao vì lợi lích kinh tế cố tình vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài như ngắt kết nối hoặc gửi thiết bị VMS sang tàu khác, xóa đăng ký hoặc sử dụng đăng ký giả…

Chỉ còn chưa đầy 2 tháng nữa, Ủy ban châu Âu (EC) sẽ sang Việt Nam thanh tra thực tế lần thứ 4 về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU). Hy vọng với nỗ lực mạnh mẽ, Việt Nam sẽ khắc phục những tồn tại, chứng minh được sự cải thiện đáng kể để EC sẽ xem xét gỡ “thẻ vàng” đối với thủy sản nước ta.

Anh Vũ

>> Theo Bộ NN&PTNT, công tác phòng, chống IUU nhằm gỡ “thẻ vàng” tại 28 địa phương ven biển đã có nhiều kết quả đáng khích lệ, như thực hiện kiểm soát 100% tàu cá vào cảng bốc dỡ sản phẩm; giám sát 100% sản lượng bốc dỡ qua cảng; thành lập lực lượng kiểm ngư địa phương. Việc cắt giảm số lượng tàu cá và cường lực khai thác cũng được triển khai mạnh. Đã có 26/28 tỉnh, thành phố ven biển rà soát, kiểm kê tàu cá hiện có tại địa phương, xác định hạn ngạch khai thác thủy sản tại vùng biển ven bờ và vùng lộng...

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!