Khắc phục vàng gan trên tôm

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Hỏi: Tôm có hiện tượng bị vàng gan là do nguyên nhân gì? Xin hỏi cách khắc phục?

(Nông Thị Luyến, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa)

Trả lời:

Tôm bị vàng gan có thể do rất nhiều tác nhân khác nhau gây ra: Do vi khuẩn Vibrio parahaemolyticus gây vàng gan, sưng gan và teo gan, trống ruột trên tôm; Lạm dụng kháng sinh, thuốc tây, thuốc thú y… sẽ tăng nguy cơ vàng gan trên tôm; Độc tố của tảo và nấm trong ao cao… làm cho gan tôm dễ suy yếu; Cho tôm ăn quá tải, gan tôm đào thải không kịp, làm tôm bị sưng gan, teo gan; Thức ăn ẩm mốc, hàm lượng kim loại nặng nhiều sẽ gây vàng gan và sưng gan trên tôm; Hoặc do môi trường khi pH quá cao, nhiệt độ và độ mặn cao… cũng ảnh hưởng đến gan tôm. Cách phòng ngừa giúp gan tôm khỏe mạnh bao gồm: Con giống phải được kiểm tra PCR sạch về các bệnh: TSV, EHP, WSD, AHPND… Cho tôm ăn vừa phải và đúng liều lượng. Duy trì pH trong ao ở ngưỡng thích hợp 7,5 – 7,9. Sử dụng vi sinh hàng ngày để ổn định tảo, tránh để nước ao bẩn làm tảo nở hoa. Tiến hành diệt khuẩn, nấm và ký sinh trùng định kỳ trong ao (khống chế khuẩn <1.500 CFU/ml). Cho tôm ăn các loại thảo dược tốt cho gan hàng ngày giúp gan tôm nâu đen, duy trì được màu gan tốt nhất.

Hỏi: Làm sao để quản lý được nhiệt độ trong ao nuôi tôm vào mùa nắng nóng để tôm có thể phát triển, hạn chế dịch bệnh?

(Nguyễn Tuấn Hải, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh)

Trả lời:

Vào ngày nắng nóng để hạn chế nhiệt độ trong ao quá cao làm ảnh hưởng đến tôm người nuôi cần duy trì màu nước ở dạng màu trà và giữ độ trong không quá 35 cm. Ở nhiệt độ 26 – 320C, nên cho tôm ăn đúng khẩu phần phù hợp với quy trình, tránh cho ăn dư thừa; khi trời nắng nóng nhiệt độ tăng tôm sẽ giảm ăn, do vậy chỉ cho tôm ăn lượng thức ăn bằng 70 – 80% lượng thức ăn so với bình thường và tăng lượng thức ăn vào cữ ăn trời mát. Sử dụng màn lưới đen chống nắng căng phía trên mặt ao để hạn chế bức xạ của ánh sáng mặt trời, giảm tăng nhiệt nước ao, tránh gây sốc cho tôm. Cần bổ sung nước mát (ở tầng đáy) của ao lắng vào ao nuôi để duy trì độ sâu và giảm độ mặn nước ao. Tăng cường sục khí trong ao để hàm lượng ôxy được cung cấp đủ ở mọi tầng nước. Hạn chế dùng chài, vó đánh bắt kiểm tra tôm vào ngày nắng nóng để hạn chế hiện tượng đục cơ trên tôm. Định kỳ xi phông nền đáy ao nhằm giảm lượng mùn bã hữu cơ trong ao, hạn chế sự phát sinh các khí độc ảnh hưởng đến tôm. Dùng chế phẩm sinh học EM gốc định kỳ xử lý môi trường nước ao nuôi để hạn chế chất hữu cơ và khí độc ở đáy ao. Đồng thời EM kết hợp với vitamin làm tăng vi sinh vật phù du trong nước làm tăng thức ăn cho tôm ức chế sự phát triển vi khuẩn có hại. Ngoài ra, việc chế biến và sử dụng EM tỏi, chuối bổ sung vào thức ăn cho tôm hàng ngày giúp tăng cường khả năng tiêu hóa và hấp thụ thức ăn, kích thích tăng trưởng.

Ban KHKT

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!