Khai phá tiềm năng nuôi cá lồng trên sông

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Tận dụng lợi thế các dòng sông chảy qua tỉnh, những năm qua, Bắc Ninh đã triển khai nhiều mô hình nuôi trồng thủy sản mang lại hiệu quả kinh tế cao. Với các lồng nuôi cá truyền thống và cá đặc sản, các dòng sông qua miền quê quan họ đã liên tục “đẻ ra tiền”.

Đa dạng mô hình nuôi

Những năm qua, nghề nuôi cá lồng trên sông đã mở ra hướng đi mới cho sản xuất nông nghiệp của tỉnh Bắc Ninh, góp phần tăng sản lượng NTTS của tỉnh, tạo thêm việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân. Bên cạnh đó, một số đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao được nhiều hộ dân lựa chọn như chép giòn, trắm đen, trắm cỏ… 

Theo hướng dẫn của cán bộ khuyến ngư, các hộ nuôi đều bảo đảm quy mô mỗi lồng đạt thể tích 108 m3 (kích thước 6x6x3 m), thể tích ngập nước 90 – 100 m3/lồng. Lồng nuôi đặt ở nơi có môi trường nước sạch, không bị ô nhiễm nước thải công nghiệp hoặc nước sinh hoạt khu dân cư; thuận tiện giao thông, dễ vận chuyển vật tư, cá giống, thức ăn.

Nhiều người dân tại Bắc Ninh đã thu lãi lớn từ nuôi cá lồng trên sông. Ảnh: Hữu Thắng

Nên thả những giống cá có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, sử dụng thức ăn công nghiệp dạng viên nổi để giảm thất thoát và giảm thiểu ô nhiễm môi trường nước. Đồng thời, thường xuyên theo dõi quá trình sinh trưởng của cá để điều chỉnh lượng thức ăn cho phù hợp. Sau khoảng 5 – 7 tháng (cá lăng từ 12 – 24 tháng), khi cá đạt cỡ thương phẩm, có thể tiến hành thu tỉa những con cá lớn, cá nhỏ hơn để nuôi cho đến cuối vụ thu hoạch toàn bộ.

Nhàn nhã nhờ thức ăn công nghiệp

Trong những mô hình nuôi cá lồng trên sông tại Bắc Ninh, chủ yếu là các đối tượng nuôi như cá nheo Mỹ (cá lăng đen), cá điêu hồng, cá chép, cá trắm cỏ, cá ngạnh sông… mang lại hiệu quả kinh tế cao. Trong đó, nuôi cá lăng đen trên sông rất mau lớn do nguồn nước sạch, ổn định, không bị nhiễm bẩn. Trên địa bàn tỉnh có một số cụm lồng nuôi lớn mang lại hiệu quả kinh tế cao như cụm lồng nhà anh Nguyễn Xuân Tài ở xã Mão Điền, huyện Thuận Thành có 85 lồng với 95% số lồng nuôi cá lăng đen. Anh Tài chia sẻ, cá lăng đen dễ nuôi, khi còn nhỏ cá ăn cả ngày lẫn đêm, khi trưởng thành chủ yếu ăn đêm. Thức ăn cho cá được quản lý chặt theo quy chuẩn VietGAP, thời gian nuôi từ lúc giống đến khi xuất bán khoảng 18 tháng. Với 85 lồng bè nuôi, mỗi năm anh có thể đưa ra thị trường 400 – 600 tấn cá thịt.

Một đối tượng khác cũng rất tiềm năng là cá trắm đen – giá trị kinh tế cao, có thể sử dụng hoàn toàn thức ăn công nghiệp, có hàm lượng protein từ 40% trở lên trong suốt quá trình nuôi mà không cần bổ sung thức ăn tự nhiên (trai, sò, ốc, hến). Để giúp người dân lựa chọn được phương thức nuôi phù hợp, đem lại hiệu quả kinh tế, năm 2020, Trung tâm Khuyến nông và Phát triển nông nghiệp công nghệ cao Bắc Ninh triển khai mô hình “Sử dụng thức ăn hỗn hợp dạng viên có hàm lượng protein từ 40% trở lên để nuôi thâm canh cá trắm đen bằng lồng trên sông”; thực hiện tại 2 hộ trên địa bàn xã Trung Kênh, huyện Lương Tài, với quy mô 4 lồng nuôi có kích thước 9x6x3 m/lồng.

Cá giống được chọn lựa từ đơn vị cung ứng uy tín, đảm bảo chất lượng, kích cỡ đồng đều từ 1 – 1,2 kg/con, cá khỏe mạnh, không dị hình, không xây xát. Cá được thả ngày 30/3/2020 với mật độ 10 con/m³ lồng và mỗi lồng thả thêm 3 – 5 con cá dọn bể để dọn sạch đáy lồng. Kết quả sau hơn 8 tháng nuôi, bình quân khối lượng cá trắm đen tại các điểm đạt 5,54 kg/con, tỷ lệ nuôi sống trung bình 95,5%, năng suất ước đạt 52,9 kg/m³ lồng. 

Theo ông Nguyễn Văn Thoan, xã Trung Kênh, huyện Lương Tài, chủ hộ tham gia mô hình: “Với giá bán hiện tại gia đình tôi cầm chắc lãi 140 – 150 triệu/lồng. So với nuôi cá trắm đen trong ao sử dụng thức ăn công nghiệp thì nuôi cá trắm đen trong lồng không tốn nhiều nhân lực, một lao động có thể nuôi được 10 lồng, còn đối với nuôi 1 ha ao cần ít nhất 2 lao động trở lên. Thời gian nuôi lồng chỉ bằng một nửa so với nuôi ao, mật độ thả cao hơn nhiều lần”.

>> Chi cục Thủy sản Bắc Ninh vừa thực hiện đề tài khoa học “Thử nghiệm mô hình nuôi thương phẩm một số loại cá có giá trị kinh tế cao bằng lồng trên sông Đuống” tại gia đình ông Đỗ Đăng Năng ở thôn Thụy Mão, xã Mão Điền (huyện Thuận Thành). Đến nay, mô hình đã bước đầu cho hiệu quả, trung bình một lồng nuôi cá điêu hồng cho sản lượng 5 tấn, với giá bán 50.000 – 60.000 đồng/kg, trừ các chi phí, lợi nhuận thu về đạt trên 45 triệu đồng/lồng nuôi/vụ.

Ngọc Diệp

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!