Khai thác cá cơm Peru – từ ngạc nhiên đến nghi ngờ

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Bộ sản xuất Peru (Produce) đã chính thức phê duyệt mùa khai thác cá cơm thứ 2 của nước này tại các khu vực bắc bộ và trung bộ, với hạn mức 1,682 tấn. Điều này tạo nên tín hiệu lạc quan nhưng bên cạnh đó cũng dấy lên không ít nghi ngờ.

Kết quả thăm dò đầy hứa hẹn

Hội nghị thường niên của Tổ chức đại điện ngành công nghiệp nguyên liệu biển (IFFO) đang diễn ra từ ngày 23 – 25/10/2023 ở Cape Town, Nam Phi. Tại đây, nội dung nóng nhất của thế giới – sản lượng bột cá, dầu cá – đã được đưa ra ngay tại những phiên họp đầu tiên với tâm điểm là mùa khai thác cá cơm của Peru – đất nước đang giữ vị trí nguồn cung chủ chốt bột cá và dầu cá cho toàn thế giới.

Bà Ana Maria Choquehuanca, Bộ trưởng sản xuất của Peru thông báo chính thức mở cửa mùa khai thác cá cơm tháng 11. Ảnh: Elcomercio

Bà Ana Maria Choquehuanca, Bộ trưởng sản xuất của Peru (Produce) đã chính thức công bố mùa khai thác cá cơm thứ 2 của nước này sẽ được khởi động vào đêm 26/10. Hạn mức cho phép là 1,682 tấn. Bà cho biết hạn mức này đã được tính toán cẩn thận dựa trên sự tư vấn của Viện Hải dương học Peru (Imarpe), nhằm đảm bảo các hoạt động khai thác không phá vỡ tính bền vững của nguồn lợi.

Với ước tính của Imarpe, đến cuối mùa khai thác, nguồn lợi cá cơm vẫn còn khoảng 5 triệu tấn, nằm trong ngưỡng cho phép. Trước đó Imarpe đã tiến hành một nghiên cứu sâu để đánh giá sinh khối cá cơm trước sự tấn công của El Nino khiến điều kiện sống thay đổi bất thường. Theo Produce, sinh khối cá cơm được xác định khoảng 7,18 triệu tấn, tăng 7,8% so với số lượng ghi nhận trong thời gian từ mùa đông sang mùa xuân những năm 1996 – 2022. 

Dữ liệu này cho thấy một cộng đồng cá cơm hoàn toàn khỏe mạnh, sinh trưởng và phát triển tốt sau mùa sinh sản tháng 8 – tháng 10.

Từ ngạc nhiên đến nghi ngờ

Với số liệu thăm dò được cho là “rất ổn” để có thể khởi động mùa khai thác cá cơm thứ 2 trong tháng 11, thế nhưng con số 1,682 triệu tấn lại khiến nhiều bên trong ngành ngạc nhiên. 

Sau đợt khai thác thăm dò vào cuối tháng 5, với kết quả cho thấy sinh khối cá cơm hầu hết là con non, Bộ trưởng Bộ sản xuất đã chính thức ký quyết định yêu cầu đóng cửa mùa khai thác. Bởi vậy các bên chỉ đặt kỳ vọng thời gian này sinh khối cá cơm đạt từ 800.000 đến 1 triệu tấn. Do đó, hạn mức khai thác cho phép 1,682 triệu tấn đã tạo nên tín hiệu lạc quan nhưng bên cạnh đó cũng dấy lên không ít nghi ngờ. 

Có nhiều quan điểm xoay quanh mùa khai thác cá cơm thứ 2 của Peru. Ảnh: Intrafish

Một trong những yếu tố khiến các bên tỏ ra không chắc chắn về con số thăm dò, là bởi tại một số khu vực, sinh khối cá cơm non vẫn chiếm tới 30 – 40%. Với con số này, các nhà cầm quyền đáng lẽ nên ban hành lệnh cấm đánh bắt tại một số khu vực cụ thể, đồng nghĩa với việc hạn mức 1,682 triệu tấn là điều không thể xảy ra.

Ngành công nghiệp bột cá và dầu cá đang băn khoăn liệu Peru có thể khai thác đủ hạn mức đã đặt ra trong điều kiện khí hậu bất thường, nhiệt độ nước biển bị El Nino “hâm nóng” và sinh khối cá con tương đối dày.

Tuy nhiên, tại Hội nghị, Bộ trưởng sản xuất Peru vẫn nhấn mạnh hạn mức được tính toán dựa trên bằng chứng khoa học có thể bảo vệ sinh khối cá cơm trong những năm tới.

Một số quan điểm không mấy lạc quan đã được bày tỏ ngay trong Hội nghị, họ tin rằng với khối lượng cá con và sự kiện El Nino ngày càng trầm trọng, việc khai thác sẽ không khả thi cho đến tháng 4 hoặc tháng 5 năm 2024. Kịch bản này sẽ là một đòn giáng khá mạnh không chỉ đối với ngành thủy sản Peru mà còn với thị trường dầu cá và bột cá toàn cầu. Nếu đúng như vậy, giá bột cá sẽ vẫn cao “ngất ngưởng” trong khi nhu cầu đối với thành phần từ biển ngày càng mạnh mẽ. Hiện nay, giá dầu cá và bột cá đã đạt mức kỷ lục, bột cá có giá 2.300 – 2.500 USD/tấn, dầu cá có chứng nhận MarinTrust lên tới 5.000 – 5.300 USD/tấn. Mặt khác, bột cá và dầu cá không có chứng nhận, từ các nguồn cung khác như Ấn Độ có giá thấp hơn nhiều, 1.800 – 2.000 USD/tấn và 3.500 – 4.000 USD/tấn.

An Vy

(Theo Undercurrentnews)

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!