Nghề khai thác cá ngừ đại dương (CNĐD) bằng câu đèn xuất hiện từ đầu năm 2012, đã làm tăng sản lượng CNĐD, nhưng cũng mang theo nhiều hệ quả xấu, có nguy cơ làm mất thương hiệu CNĐD Việt Nam.
“Mấy năm trước, câu được con cá bò gù (CNĐD) là mừng hết lớn, bây giờ cả tàu đầy cá mà giá không đáng là bao”. Ông Mai Thành Phúc, ngư dân lão luyện ở Hòn Rớ (xã Phước Đồng, thành phố Nha Trang, Khánh Hòa) nói.
CNĐD câu vàng đang được phân loại, làm sạch tại cảng cá phường 6, Tuy Hòa.
Chuyến biển vừa rồi, tàu cá số hiệu KH-91539-TS của ông bắt được 3,5 tấn CNĐD, với giá bán 55.000đồng/kg, ông thu được gần 200 triệu đồng, trừ mọi chi phí, mỗi bạn nghề chỉ được chia 2,7 triệu đồng. Tuy nhiên, chuyến cá đó vẫn còn được giá. Theo ông Võ Thiên Lăng, Phó Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam, Chủ tịch Hội Nghề cá tỉnh Khánh Hòa, ngày 31/3 giá mua CNĐD tại cảng cá Hòn Rớ chỉ còn 38.000đ/kg. “Giá CNĐD không bằng giá con cá nục đánh bắt ven bờ, nghịch lý”, ông Lăng nói.
Ông Lê Văn Lợi, chủ DNTN Lợi Anh ở thành phố Tuy Hòa cho biết, ông không mua CNĐD câu đèn, vì không đủ chất lượng xuất khẩu. Trong số CNĐD của các tàu câu vàng bán cho ông, thường có 20-30% cá bị loại vì chất lượng thấp, do tàu câu vàng ở gần nơi có tàu câu đèn, cá bị rọi đèn lại ăn mồi ở dây câu vàng. Ông Lợi cho biết thêm, trước kia hầu hết CNĐD nặng 90 – 100 ký, nay trọng lượng trung bình của CNĐD câu được chỉ còn 50 – 60 ký.
Tháng 8/2012, tại hội nghị về Thí điểm tổ chức khai thác, bảo quản,a thu mua chế biến cá ngừ theo chuỗi, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Vũ Văn Tám nói, cần sớm kết luận, nghề câu đèn tác động thế nào với chất lượng CNĐD, nên điều chỉnh như thế nào với nghề này. Tuy nhiên, đến nay mới chỉ có đề cương nghiên cứu các vấn đề trên. Ông Thiên Lăng kiến nghị, Tổng cục Thủy sản phải sớm mở hội nghị cho ba tỉnh có nghề câu CNĐD là Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, để có biện pháp quyết liệt, dứt khoát. “Không thể cứ dềnh dàng mấy năm nữa khi có kết luận thì ngư dân chết rồi”, ông Thiên Lăng nói.