Ngư dân các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa hiện đang kêu trời vì giá cá ngừ rớt xuống thấp thê thảm và cho rằng các doanh nghiệp (DN) mua “ép”.
Trong khi đó, các DN lại gửi đơn khẩn thiết kiến nghị Bộ NNPTNT tìm giải pháp để “cứu” thương hiệu cá ngừ Việt Nam, bởi hiện nay ngư dân khai thác tận diệt cá ngừ bằng đèn cao áp, làm cho 70% sản lượng cá kém chất lượng, gây khó khăn cho tiêu thụ sản phẩm.
Cá ngừ chất đống, giá bèo
Mùa này, tàu câu cá ngừ đại dương trở về bến, neo đậu ken dày ở các cảng cá Hòn Rớ (TP.Nha Trang, Khánh Hòa), phường 6 (TP.Tuy Hòa, Phú Yên) và cảng cá Quy Nhơn, Bình Định. Cá ngừ đưa lên bờ chất từng đống trên nền ximăng trong cảng. Trong 3 tháng đầu năm, tỉnh Phú Yên khai thác được trên 2.850 tấn, tỉnh Khánh Hòa 250 tấn cá ngừ, Bình Định đánh bắt được 2.053 tấn… Sản lượng đánh bắt đạt rất cao, nhưng niềm vui của ngư dân không được trọn vẹn, bởi “đặc sản cá ngừ” xuất khẩu đang rớt giá thê thảm. Nhiều ngư dân bị lỗ vốn chuyến biển, bức xúc cho rằng chủ nậu “ép giá”, nên nảy sinh tranh cãi lẫn nhau.
Anh Quân – DNTN Hồng Ngọc (Phú Yên) – cho biết, chất lượng cá quá kém, không đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Điều này dẫn đến giá cá ngừ câu thẻo, câu vàng truyền thống từ 180.000/kg hạ xuống còn 110.000-120.000 đồng/kg; cá ngừ câu đèn cao áp giá thấp từ 39.000-48.000 đồng/kg. Hiện DN Hồng Ngọc còn tồn kho trên 350 tấn; Công ty TNHH Hoàng Hải tồn trên 500 tấn cá… phải đem luộc dần để chế biến đồ hộp.
Theo ông Võ Văn Đẹp – chủ tàu KH 96679, ở xã Phước Đồng (TP.Nha Trang) – do giá vật tư tăng cao nên mỗi tàu câu khơi sắm chuyến với chi phí từ 120 – 180 triệu đồng. Theo một số chủ tàu, chi phí cao, giá bán lại thấp khiến nhiều bạn thuyền đành bỏ nghề biển, chuyển sang nghề khác.
Cá ngừ câu đèn cao áp kém chất lượng chất đống ở cảng cá Hòn Rớ, TP.Nha Trang. Ảnh: Lưu Phong
Hệ lụy từ câu đèn cao áp
Nghề câu tay kết hợp đèn cao áp xuất phát từ tỉnh Bình Định vào năm 2012. Lợi thế là thời gian chuyến biển ngắn hơn, chỉ lao động ban đêm, tàu di chuyển gần nên tiêu hao nhiên liệu ít, chi phí chuyến biển thấp từ 70-110 triệu đồng, trong khi sản lượng tăng cao.
Trong một thời gian ngắn, ngư dân tỉnh Bình Định đã phát triển 1.060 chiếc tàu chuyên làm nghề này, Phú Yên có 160 chiếc, và toàn bộ 130 chiếc tàu ở tỉnh Khánh Hòa cũng chuyển câu vàng sang câu tay với đèn cao áp. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Do – Phó phòng Hậu cần dịch vụ nghề cá, Cục Khai thác và BVNL thủy sản (Tổng cục Thủy sản) – với việc ngư dân dùng ánh sáng, thả câu độ sâu chỉ 60 – 100m và thu câu nhanh khi cá mắc câu… dẫn đến giảm giá trị, chất lượng của cá. Trong khi cá ngừ đại dương được nhiều nước trên thế giới sử dụng chủ yếu ở dạng thức ăn tươi sống (sashimi), nên đòi hỏi chất lượng cá phải tươi! Do vậy, có đến 70% sản lượng cá ngừ câu bằng đèn cao áp không đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, mất khả năng cạnh tranh.
“Cứu” lấy thương hiệu cá ngừ VN
Năm 2012, Việt Nam xuất khẩu cá ngừ sang thị trường EU và các nước Mỹ, Nhật Bản, Israel, Trung Quốc… đạt 159.628 tấn, với giá trị hơn 569 triệu USD. Nhưng, xuất khẩu trong 3 tháng đầu năm 2013 đã giảm 16% và hiện đang “khủng hoảng thừa” nguyên liệu cá. Ông Vũ Đình Đáp – Chủ tịch Hiệp hội Cá ngừ VN – cho hay, nhiều hội thảo bàn về vấn đề phát sinh nghề câu đèn cao ép làm giảm chất lượng cá ngừ XK, đồng thời đề xuất các cơ quan chức năng thực hiện đề tài nghiên cứu về nghề này, nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả! Mới đây, 3 DN thu mua cá ngừ ở các tỉnh Nam Trung Bộ là DNTN Hồng Ngọc, Lợi Anh, Mười Sum đã gửi thư khẩn thiết kiến nghị Bộ NNPTNT tìm giải pháp để “cứu” thương hiệu cá ngừ Việt Nam.
Ông Vũ Văn Tám – Thứ trưởng Bộ NNPTNT, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản – cho biết: “Tổng cục Thủy sản sẽ nghiệm thu đề tài nghiên cứu khoa học về đánh giá của nghề câu tay kết hợp ánh sáng, làm ảnh hưởng đến chất lượng và có tác động đến bảo vệ nguồn lợi. Từ đó, cùng với DN và ngư dân bàn giải pháp khôi phục và phát triển nghề câu vàng truyền thống như lâu nay; vận động ngư dân không nên phát triển rộng rãi nghề câu cá ngừ bằng đèn cao áp”.