T2, 06/07/2020 09:47

Khai thác hải sản: Tìm đường vượt sóng

Chưa có đánh giá về bài viết

(Thủy sản Việt Nam) – Từ đầu năm 2010 đến nay, nghề khai thác hải sản gặp nhiều khó khăn: giá xăng dầu không ổn định, giá hải sản giảm, thiếu lao động. Nhưng, nhiều tàu cá vẫn “ăn nên làm ra”, bởi họ đã biết tìm đường bám biển bằng cách mạnh dạn đầu tư đóng mới tàu thuyền công suất cao, mua sắm lưới cụ hiện đại để khai thác xa bờ, học hỏi nâng cao trình độ kỹ thuật đánh bắt để làm chủ biển khơi.

 “ĂN NÊN LÀM RA” NHỜ “THẮNG BIỂN”

Tại cảng cá  Bến Đình, TP.Vũng Tàu vào những ngày này nhiều tàu cá đang tất bật chuẩn bị ngư lưới cụ và lương thực, thực phẩm để ra khơi. Nhiều ngư dân cho biết, hiện ngoài khơi biển êm, lại đang vào thời điểm thu hoạch vụ cá Bắc nên sẽ có nhiều luồng cá xuất hiện. Vì vậy, những chủ tàu đánh cá có kinh nghiệm lâu năm sẽ biết nắm bắt cơ hội và sẵn sàng bám biển dài ngày, dù cái Tết đã cận kề. Theo ông Phạm Dũng, chủ vựa thu mua hải sản tại đây, vụ cá Bắc bắt đầu từ tháng 9 âm lịch và kéo dài cho tới tháng 2 năm sau. Hiện, ngoài khơi nhiều tàu cá đang thu hoạch vụ cá Bắc, ngư dân năm nay đón Tết có “rủng rỉnh” hay không tất cả đang chờ tới lúc tàu cập bến. Những tàu cá đang chuẩn bị ra khơi lần này là chuyến biển thứ 2, kể từ khi vụ cá Bắc bắt đầu khởi động. Đây là những tàu cá từ đầu năm đến nay hầu hết là thắng biển nên mới có điều kiện cho tàu nhổ neo vào những ngày giáp Tết. Bởi, để có được chuyến ra khơi vào thời điểm này không phải chủ tàu cá nào cũng làm được, vì chi phí cho mỗi chuyến biển bây giờ lên tới cả tỷ bạc. Nhưng mấy năm nay biển mất mùa, chủ tàu làm ăn hầu hết đều thua lỗ, cuối năm nợ nần chồng chất, trong khi chủ các đầu nậu cho vay gối đầu bây giờ cũng tính toán rất kỹ, chỉ cho vay khi tàu cá làm ăn hiệu quả.

        Vừa cùng với tài công, bạn ghe lấy lương thực và nước đá để 2 ngày nữa tàu cá xuất bến, ông Phạm Văn Nhơn, chủ tàu cá BV 9786 TS cho biết, chuyến biển vừa rồi, 2 cặp tàu khai thác được hơn 100 tấn hải sản các loại. Trong đó, có nhiều loại có giá trị như: mực ống, cá thu, cá bò…

Được biết, từ đầu năm 2010 đến nay 2 cặp tàu của ông Nhơn đã đi được 6 chuyến biển. Chuyến dài nhất là hơn 2 tháng, có chuyến từ 40-45 ngày, tùy vào sản lượng đánh bắt. Tàu cá của ông mỗi khi cập bến ít khi bị lỗ nên trong khi các tàu cá khác “đỏ mắt” tìm kiếm bạn ghe cho từng chuyến biển thì ghe của ông chẳng lúc nào “thiếu bạn”. Nói về kinh nghiệm thắng biển, ông Nhơn chia sẻ: “Nghề khai thác hải sản là một nghề phơi mặt cho nước, phơi lưng cho trời nhưng không phải vì thế mà ngư dân chỉ cần có sức khỏe và sự cần cù là ai cũng làm được. Mỗi chuyến ra khơi bây giờ, chủ tàu không muốn đổ nợ phải tính toán nát óc. Theo tôi, tài công là người quyết định thành công của chuyến biển. Vì vậy, chủ tàu phải biết “nuôi” những  tài công dày dạn kinh nghiệm, kỹ thuật khai thác cũng như ngư trường”. Ông Nhơn cũng cho biết, mỗi lần  nghiên cứu sách báo, nghe nói ở đâu có kỹ thuật khai thác mới, nghề mới đạt hiệu quả, không quản khó khăn ông luôn tìm đến học hỏi. Khi Sở NN&PTNT phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng tàu cá cho ngư dân, ông đều tham dự và về truyền đạt lại cho tài công.  “Tìm một người lèo lái con thuyền giỏi đã khó, nhưng giữ được họ lại càng khó hơn. Muốn gắn kết lâu dài với nhau, chủ tàu và tài công phải luôn gắn bó cùng nhau chia sẻ khó khăn và thành quả”- ông Nhơn nói.

                  

“3 CÂY CHỤM LẠI…”

Từ đầu năm đến nay, thời tiết khá thuận lợi nên ngư dân đã bám biển dài ngày. Các nghề khai thác xa bờ như lưới vây, lưới vây ánh sáng, câu mực đã đạt sản lượng tương đối lớn. Tính riêng 11 tháng đầu năm, sản lượng khai thác hải sản trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 240 ngàn tấn, đạt 97% so với kế hoạch, tăng gần 5% so với cùng kỳ năm 2009. Trong đánh bắt hải sản, ngày càng xuất hiện nhiều mô hình hợp tác sản xuất tốt, vừa giúp ngư dân giảm bớt khó khăn, vừa nâng cao hiệu quả sản xuất, đồng thời tham gia bảo vệ ngư trường và an ninh trên biển. Mỗi tổ hợp tác có từ 5-10 tàu khai thác được liên kết thành một đoàn cùng đánh bắt chung một ngư trường, để hỗ trợ nhau trong quá trình sản xuất. Ông Phạm Quang Thành, ở xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền cho biết, hơn 30 năm theo nghề đi biển, giờ đây ông có 4 chiếc tàu có công suất từ 350-600CV. Tuy tàu cá có công suất lớn, máy móc được thay mới và có đầy đủ các trang thiết bị phục vụ cho công việc khai thác. Thế nhưng, do chi phí cho mỗi chuyến biển ngày một tăng cao mà sản lượng tôm cá thì ngày càng giảm, nên có chuyến biển kéo dài hai tháng liền nhưng khi về tới bến chia đều ra mỗi người chỉ được mấy trăm ngàn đồng. Trước những khó khăn trên, ông Thành đã cùng 2 chủ tàu khác phối hợp thành lập tổ khai thác hải sản. Theo đó, tổ khai thác hải sản của ông gồm có 8 tàu khai thác và 1 chiếc tàu dành riêng làm công tác hậu cần để chở dầu, nước đá, lương thực từ đất liền ra biển và chở cá về. Những tàu còn lại thường xuyên bám biển để giảm chi phí xăng dầu ra vào. Nhờ phương thức làm ăn này mà hầu hết các tàu trong đội khai thác của ông làm ăn đều có lãi.

    Theo tính toán của ngư dân, bình quân, mỗi chuyến đánh bắt xa bờ phải mất  khoảng 40 ngày mới vào bờ. Không có tàu hậu cần để chuyển cá về, thì mẻ cá đánh bắt đầu tiên khi về đến bến phải mất cả tháng, nên không còn tươi, bán không được giá. Với cách liên kết thành tổ thế này không những tiết kiệm được chi phí tiền dầu mà chất lượng sản phẩm được nâng lên, hiệu quả kinh tế cao hơn.

Nhằm tạo điều kiện cho bà con ngư dân và để những mô hình này phát huy hiệu quả, vừa qua UBND tỉnh ban hành Quyết định số 47/2010/QĐ-UBND về Quy chế tổ chức và hoạt động của tổ đoàn kết đánh bắt hải sản trên biển thuộc địa phận tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Việc thành lập tổ đoàn kết đánh bắt hải sản trên biển nhằm khuyến khích những người hoạt động đánh bắt hải sản trên biển phát huy tinh thần tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong khai thác, tiêu thụ hải sản, trao đổi kinh nghiệm, phòng chống thiên tai, tai nạn, cứu hộ, cứu nạn, tham gia đấu tranh với các hành vi vi phạm chủ quyền, an ninh trật tự, tài nguyên quốc gia trên các vùng biển Việt Nam. Bên cạnh đó, để các mô hình hợp tác này phát triển bền vững, thời gian tới ngành thủy sản cần làm tốt công tác điều tra ngư trường, dự báo thời tiết, đảm bảo an toàn cho hoạt động khai thác, định hướng cho ngư dân về phương tiện, nhóm nghề khai thác phù hợp với thời vụ. Ngoài ra, để bảo vệ nguồn lợi thủy sản, lực lượng chức năng cần tuần tra kiểm soát, xử lý các trường hợp khai thác bằng các công cụ hủy diệt.                                          

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!