T2, 06/07/2020 11:41

Khai thác hiệu quả tiềm năng kinh tế thủy sản vùng Tây Nam của Việt Nam

Chưa có đánh giá về bài viết

Vùng Tây Nam của Việt Nam là vùng biển, ven biển và hải đảo ở phía Tây Nam của Việt Nam, thuộc hai tỉnh Kiên Giang và Cà Mau, là vùng rất giàu tiềm năng phát triển kinh tế thủy sản cả về đánh bắt, nuôi trồng và chế biến thủy sản.

Từ lâu, vùng Tây Nam của Việt Nam đã là vùng sản xuất thủy sản trọng điểm của Việt Nam và quốc tế. Bài viết này giới thiệu tiềm năng, phân tích thực trạng kinh tế thủy sản của Vùng, trên cơ sớ đó đề xuất một số giải pháp giúp vùng Tây Nam của Việt Nam khai thác có hiệu quả hơn tiềm năng kinh tế thủy sản của Vùng.

Từ khóa: Kinh tế thủy sản, Vùng Tây Nam của Việt Nam, khai thác thủy sản, nuôi trồng thủy sản, chế biến thủy sản.

Vùng Tây Nam của Việt Nam (VTNCVN) là vùng biển, ven biển và hải đảo thuộc quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam ở phía Tây Nam Việt Nam được giới hạn từ Hà Tiên (Kiên Giang) đến Mũi Cà Mau – Năm Căn (Cà Mau) là vùng rất giàu tiềm năng phát triển kinh tế thủy sản trên cả 3 lĩnh vực: đánh bắt, nuôi trồng và chế biến thủy sản. Việc khai thác tiềm năng kinh tế thủy sản ở VTNCVN những năm qua đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể, trở thành vùng sản xuất thủy sản trọng điểm của cả nước. Việc đẩy mạnh khai thác hiệu quả tiềm năng kinh tế thủy sản của Vùng hiện nay, không chỉ đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế, mà còn góp phần đảm bảo an sinh xã hội và tăng cường quốc phòng an ninh bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo phía Tây Nam của Tổ quốc.

 

1. Tiềm năng kinh tế thủy sản của Vùng Tây Nam của Việt Nam

VTNCVN có chiều dài bờ biển hơn 347 km, vùng biển rộng hơn 300.000 km2, với hơn 150 hòn đảo nổi lớn nhỏ và phần đất liền ven biển Tây Nam kéo dài từ Hà Tiên (Kiên Giang) đến Mũi Cà Mau có tổng diện tích 11.643,4 km2, dân số 2,96 triệu người thuộc hai tỉnh Kiên Giang và Cà Mau. Dọc theo chiều dài bờ biển Tây Nam có nhiều cửa sông, rạch đổ ra biển, mang theo nhiều vật chất hữu cơ, phiêu sinh vật đổ ra biển tạo nguồn thức ăn dồi dào cho các loài thủy sản biển sinh sôi nảy nở, đồng thời nước mặn theo sông rạch xâm nhập sâu vào nội đồng tạo thành một vùng nước lợ rất giàu tiềm năng, lợi thế  phát triển nghề nuôi trồng thủy hải sản.

VTNCVN từ lâu đã được ví như “mỏ tôm” của Việt Nam và của quốc tế. Nơi đây chứa đựng nguồn lợi thủy sản vô cùng phong phú, đa dạng về giống loài, giàu có về trữ lượng. Tổng số loài thủy sản ở vùng biển Tây Nam của Việt Nam có tới 2.000 loài, trong đó có hơn 80 loài có giá trị kinh tế cao và cá đáy chiếm 70% số loài, với trữ lượng cá, tôm khoảng 610.000 tấn, trong đó vùng ven bờ quanh các đảo và vùng ven biển có trữ lượng chiếm 56% và trữ lượng cá tôm ở tầng nổi chiếm 51,5%, khả năng khai thác cho phép bằng 44% trữ lượng, tức là hàng năm có thể khai thác trên 268.000 tấn.

Ngành nuôi trồng thủy sản VTNCVN chỉ mới xuất hiện vào những năm cuối thập niên 90 của thế kỷ XX, nhưng đã có bước phát triển hết sức nhanh chóng, qua hơn 2 thập kỷ xây dựng và phát triển, đến nay VTNCVN đã có 471.238 ha diện tích nuôi trồng thủy sản và 2.500 lồng bè nuôi hải sản trên biển. Trong đó, diện tích nuôi tôm có 376.642 ha, diện tích nuôi tôm thâm canh là 10.151 ha, nuôi tôm quảng canh cải tiến 78.500 ha và nuôi theo mô hình tôm – lúa 267.991 ha.

Kinh tế thủy sản đã được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn của Vùng, đồng thời cũng là vùng sản xuất thủy sản trọng điểm của cả nước. Nghề khai thác, nuôi trồng và chế biến thủy sản là ngành kinh tế truyền thống của Vùng, quyết định sự phát triển hưng thịnh trong phát triển kinh tế-xã hội và tăng cường quốc phòng an ninh của toàn Vùng. Vì vậy, việc tiếp tục đẩy mạnh khai thác hiệu quả tiềm năng kinh tế thủy sản ở VTNCVN hiện nay có ý nghĩa hết sức to lớn cả về kinh tế, xã hội và đảm bảo sinh kế của hơn 2,96 triệu dân vùng ven biển và hải đảo thuộc hai tỉnh Kiên Giang và Cà Mau và rất có ý nghĩa trong việc tăng cường quốc phòng an ninh bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển phía Tây Nam của Tổ quốc.

 

2. Thực trạng khai thác tiềm năng kinh tế thủy sản ở Vùng Tây Nam của Việt Nam

2.1. Một số thành tựu đạt được trong khai thác tiềm năng kinh thủy sản thời gian qua

Giai đoạn 2010 – 2014, kinh tế thủy sản VTNCVN liên tục tăng, nếu năm 2010 tổng sản lượng thủy sản của Vùng mới đạt 863.894 tấn, thì đến năm 2014 đã tăng lên 1.114.320 tấn, tăng bình quân 6,57%/năm. Năm 2014, tổng sản lượng thủy sản của Vùng đã tăng 28% so với năm 2010. Tổng giá trị ngành kinh tế thủy sản (GDP) của Vùng tính đến năm 2014 đạt khoảng 45.416 tỷ VND (giá so sánh năm 2010), tăng 43,26% so với năm 2010, bình quân tăng 8,65%/năm. Kinh tế thủy sản thật sự trở ngành kinh tế mũi nhọn của VTNCVN, trong đó giải quyết việc làm trực tiếp cho trên 992.390 người và gián tiếp cho 807.609 người (UBND tỉnh Kiên và Cà Mau, 2014).

– Về khai thác thủy sản: Giai đoạn 2010 – 2014 VTNCVN tổ chức thực hiện khai thác thủy sản theo hướng vươn ra khai thác ở vùng biển xa bờ, giảm áp lực khai thác ở vùng biển ven bờ. Năm 2014, Vùng có 17.026 chiếc tàu cá, trong đó tàu cá có công suất máy chính từ 90 CV/chiếc trở lên chiếm 50%, Kiên Giang có 10.950 chiếc, Cà Mau có 6.076 chiếc. Hệ thống cảng cá, bến cá được đầu tư xây dựng gồm 28 công trình điển hình như: cảng cá Sông Đốc, cảng cá Cà Mau, cảng cá Hòn Khoai (Cà Mau); Cảng cá Tắc Cậu, cảng cá Nam Du, cảng cá Phú Quốc (Kiên Giang);… Trong đó, có 5 cảng cá loại I, 9 cảng cá loại II và 18 bến cá. Hệ thống cảng cá có công suất bốc dỡ hải sản khoảng 165.000 tấn/năm.Tổng sản lượng hải sản khai thác giai đoạn 2010 – 2014 tăng đáng kể, năm 2014 toàn Vùng khai thác đạt 642.100 tấn, tăng 23% so với năm 2010, bình quân tăng 5,35%/năm. Công tác bảo vệ nguồn lợi hải sản luôn được quan tâm và mở rộng hợp tác quốc tế để thu hút các nguồn lực bảo vệ nguồn lợi hải sản, bảo vệ các rạng san hô, thảm cỏ biển, tuyên truyền nâng cao ý thức bảo vệ nguồn lợi hải sản,…đã góp phần tích cực duy trì trữ lượng hải sản để đảm bảo khai thác bền vững.

– Về nuôi trồng thủy sản: Giai đoạn 2010 – 2014, các tỉnh VTNCVN đã làm tốt quy hoạch và rà soát bổ sung quy hoạch nuôi trồng thủy sản theo hướng bền vững, tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng, chuyển giao và áp dụng khoa học công nghệ vào nuôi trồng thủy sản theo hướng thâm canh, bán thâm canh, luân canh, xen canh, đa dạng hóa đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao (UBND tỉnh Kiên Giang và Cà Mau, 2014). Tổng sản lượng nuôi trồng thủy sản năm 2014 đạt 472.220 tấn, tăng 9,8% so với năm 2013 và tăng 37,5% so với năm 2010, bình quân tăng 8,29%/năm. Dù còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng nuôi trồng thủy sản VTNCVN vẫn đảm bảo tốc độ tăng trưởng nhanh và ổn định. Cơ cấu sản lượng nuôi trồng thủy sản gồm tôm chiếm 42,65%, cua biển và nguyễn thể hai mảnh vỏ (sò, nghêu, hàu, hến…) chiếm khoảng 35,5%, còn lại là các loài cá có giá trị kinh tế cao như: cá mú, cá bớp, cá chẽm… chiếm khoảng 21,85%.

VTNCVN có sản lượng tôm nuôi khá lớn với tổng sản lượng năm 2014 đạt khoảng 201.430 tấn, trong đó tỉnh Cà Mau có sản lượng tôm nuôi lớn nhất Việt Nam với khoảng 150.000 tấn/năm. Kiên Giang đứng hàng thứ thứ năm về sản lượng tôm nuôi với hoảng 51.430 tấn/năm.   

Tốc độ tăng trưởng sản lượng nuôi tôm VTNCVN tuy không ổn định, nhưng vẫn giữ được nhịp độ tăng trưởng với tốc độ khá cao. Nếu năm 2010 sản lượng tôm nuôi của Vùng chỉ mới đạt 152.513 tấn/năm, thì đến năm 2014 đã đạt 201.430 tấn, tăng gấp 1,32 lần so với năm 2010, bình quân tăng 7,27%/năm, chiếm 30,5% lượng tôm nuôi cả nước. Điều đó cho thấy VTNCVN là “mỏ tôm” của Việt Nam và vẫn còn tiềm năng nuôi tôm rất lớn.

– Về chế biến thủy sản và xuất khẩu: Tính đến năm 2014, VTNCVN có khoảng 220 doanh nghiệp chế biến thủy sản các loại, những năm qua các doanh nghiệp trong Vùng đã có nhiều tích cực đầu tư, đổi mới công nghệ chế biến thủy sản, và xuất khẩu đạt được một số thành tựu đáng khích lệ, trong đó có nhiều doanh nghiệp chế biến thủy sản đạt các tiêu chuẩn quốc tế như: HACCP, Codex, ISO, BRC-food, Halal nhằm đáp ứng tốt yêu cầu về chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm, nhiều doanh nghiệp được cấp mã số xuất khẩu vào thị trường EU (UBND tỉnh Cà Mau và Kiên Giang, 2014).

Giai đoạn 2011- 2014, sản phẩm thủy sản chế biến của Vùng có bước tăng trưởng khá, tăng bình quân 10,68%/năm. Năm 2014, VTNCVN đã chế biến được 421.516 tấn thủy sản các loại, tăng 34% so với năm 2011, tăng bình quân 10,68%/năm. Cơ cấu thủy sản chế biến gồm có thủy sản đông lạnh chiếm 40,59%, bột cá chiếm 23,46%, hải sản khô và đồ hộp chiếm 24,28%, nước mắm Phú Quốc chiếm 11,15%. Trong đó, sản phẩm tôm đông VTNCVN được sản xuất với số lượng lớn đạt 180.000 tấn, chiếm tỷ lệ đáng kể trên thị trường toàn cầu, góp phần đưa Việt Nam trở thành quốc gia xuất khẩu tôm đứng hàng thứ ba trên thế giới (VASEP, 2014). Đặc biệt, nước mắm Phú Quốc là sản phẩm truyền thống của Vùng nổi tiếng cả thị trường trong nước và quốc tế.

Xuất khẩu thủy sản cũng là điểm sáng của VTNCVN, sản phẩm thủy sản của Vùng đã có mặt trên 166 quốc gia, trong đó có nhiều thị trường truyền thống lớn luôn được duy trì và chiếm tỷ trọng xuất khẩu cao như: Mỹ, Nhật, EU, Úc, Canada, Trung Quốc, Hàn Quốc, Hồng Kông… Giai đoạn 2010 – 2014 xuất khẩu thủy sản của Vùng tăng trưởng khá, nếu năm 2010 sản lượng thủy sản xuất khẩu của Vùng mới đạt 130.860 tấn, thì đến năm 2014 sản lượng thủy sản xuất khẩu của Vùng đã đạt 190.622 tấn, tăng 45,66% so với năm 2010, trong đó Cà Mau xuất khẩu 132.622 tấn, Kiên Giang xuất khẩu 58.000 tấn.

Giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản của VTNCVN năm 2014 đạt 1.457,74 triệu USD, tăng 57,11% so với năm 2010, tăng bình quân 12,15%/năm và thường chiếm trên 18,59% xuất thủy sản của cả nước. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Cà Mau đạt 1.284,94 triệu USD, của Kiên Giang đạt 172,8 triệu USD. Điều đó, cho thấy VTNCVN là vùng xuất khẩu thủy sản trọng điểm của cả nước.

2.2. Một số tồn tại hạn chế, yếu kém

Tuy đạt được một số thành tựu nhất định, nhưng ngành kinh tế thủy sản VTNCVN vẫn còn tồn tại một số hạn chế yếu kém sau đây:

– Kinh tế thủy sản vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng vốn có của nó, tính bền vững chưa cao, nguồn lợi thủy sản tự nhiên có dấu hiệu cạn kiệt, sản lượng khai thác thủy sản đang có xu hướng giảm. Nuôi trồng thủy sản chi phí cao, khiến tình hình chế biến xuất khẩu luôn đối mặt với những khó khăn và thách thức lớn trong điều kiện phải đáp ứng sự đòi hỏi ngày càng cao của thị trường toàn cầu hiện nay.

– Tốc độ tăng trưởng kinh tế thủy sản toàn Vùng những năm gần đây có xu hướng chậm lại dần. Sản lượng thuỷ sản sản xuất không ổn định.

– Công nghệ và cơ sở vật chất – kỹ thuật trong ngành kinh tế thủy sản của Vùng còn lạc hậu so với thế giới. Cảng cá, khu neo đậu tránh trú bảo chưa đáp ứng yêu cầu sản xuất của ngư dân. Tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch trong khai thác hải sản còn cao, khoảng 30% (Sở NN&PTNT Kiên Giang, 2014). Phương pháp nuôi chủ yếu là nuôi quảng canh và quảng canh cải tiến chiếm đến 73,51% chủ yếu dựa vào thiên nhiên, chưa có công nghệ kiểm soát môi trường nước, kiểm soát dịch bệnh… Công nghệ chế biến thủy sản xuất khẩu còn chưa đồng bộ, chủ yếu là sơ chế, tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm còn nhiều hạn chế, yếu kém. Công nghệ chế biến thức ăn chăn nuôi thủy sản chưa phát triển.

– Ô nhiễm môi trường nặng nề ở các khu vực nuôi trồng và chế biến thủy sản, gây ra nhiều bức xúc về sức khỏe cho con người và môi trường thiên nhiên, đặc biệt là dịch bệnh tôm lây lan làm tôm chết hàng loạt chưa có cách khắc phục đang gây ra thiệt hại nặng nề cho ngư dân.

– Công tác quản lý trong ngành kinh tế thủy sản của Vùng còn nhiều bất cập, hạn chế cần sớm khắc phục như: vấn đề quản lý bảo vệ nguồn lợi thủy sản, quản lý ngư trường,… dẫn đến suy giảm trữ lượng thủy sản. Bất cập quản lý vùng nuôi thủy sản, quản lý kiểm soát dịch bệnh,…gây ra nhiều thiệt hại cho ngành nuôi trồng thủy sản. Nhiều yếu kém trong quản lý các yếu tố đầu vào và đầu ra của ngành kinh tế thủy sản dẫn đến vệ sinh, an toàn thực phẩm thủy sản không đảm bảo, giá thủy sản xuất khẩu và tỷ giá hối đoái thường xuyên biến động gây bất lợi cho kinh tế thủy sản chưa có cách khắc phục. 

 

3. Một số giải pháp phát triển kinh tế thủy sản vùng Tây Nam của Việt Nam đáp ứng yêu cầu thị trường toàn cầu hiện nay

Để kinh tế thủy sản phát triển bền vững, đáp ứng yêu cầu đòi hỏi ngày càng cao của thị trường toàn cầu hiện nay, VTNCVN cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp sau:

Một là, trên cơ sở thực hiện phương hướng phát triển kinh tế thủy sản trong Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội vùng biển và ven biển Việt Nam thuộc Vịnh Thái Lan đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Theo đó, các tỉnh VTNCVN phải tiến hành nghiên cứu, khảo sát, điều tra, thăm dò kỷ hơn về đặc điểm tự nhiên, và hiện trạng ngành kinh tế thủy sản của Vùng để thu thập đầy đủ hơn cơ sở dữ liệu về nguồn tài nguyên thủy sản, mức độ ô nhiễm môi trường, tình hình khai thác, nuôi trồng, chế biến và tiêu thụ sản phẩm thủy sản của Vùng (Thủ tướng Chính phủ, 2009). Rà soát, điều chỉnh quy hoạch khai thác, nuôi trồng và chế biến thủy sản ở trình độ cao hơn, hiện đại hơn, đáp ứng yêu cầu tiêu thụ thủy sản trên thị trường toàn cầu. Đồng thời, phải tăng cường hợp tác với các nước quanh Vịnh Thái Lan nghiên cứu ngư trường; khai thác, quản lý, bảo vệ và tái tạo nguồn lợi hải sản, nhất là nguồn lợi ở các vùng biển khơi và phát triển nuôi trồng thủy đặc sản trên biển và ven biển của Vùng.

Hai là, tích cực huy động các nguồn vốn đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất – kỹ thuật phục vụ cho phát triển bền vững ngành khai thác và nuôi trồng thủy sản của Vùng. Xây dựng các cảng cá, khu neo đậu tránh bão cho tàu cá ở tuyến ven bờ và tuyến đảo. Chuyển đổi mạnh cơ cấu sản xuất từ nghề cá ven bờ sang nghề cá xa bờ gắn với bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, kết hợp khai thác hải sản với quốc phòng, an ninh và bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển. Xây dựng hệ thống thủy lợi đáp ứng yêu cầu nuôi trồng thủy sản ở trình độ cao hơn của Vùng. Ưu tiên phát triển nuôi thâm canh và bán thâm canh ở những nơi có điều kiện. Phát triển nuôi nhuyễn thể vùng triều và nuôi cá, đặc sản trên biển kết hợp với du lịch.

Ba là, tiếp tục đầu tư hiện đại hóa các cơ sở chế biến thủy sản hiện có, xây dựng một số cơ sở chế biến hiện đại tại các khu vực thuận tiện về kết cấu hạ tầng, về tiếp thị, thương mại và xử lý chất thải như ở các khu công nghiệp: Tắc Cậu, An Thới, Hòa Trung và một số khu khác…, tạo các sản phẩm chất lượng cao phục vụ xuất khẩu. Hình thành hai trung tâm chế biến thủy sản quy mô cấp Vùng tại thành phố Cà Mau và Tắc Cậu (Kiên Giang). Phải quan tâm cải thiện điều kiện vệ sinh tại các nhà máy chế biến thủy sản. Phát triển các sản phẩm thủy sản chế biến đảm bảo các tiêu chuẩn quốc tế và xây dựng hệ thống marketing chuyên ngành kinh tế thủy sản của Vùng.

Bốn là, tăng cường ứng dụng các công nghệ mới vào sản xuất thủy sản, nhất là các công nghệ về nuôi trồng thủy sản, công nghệ bảo quản sản phẩm sau thu hoạch và công nghệ chế biến thủy sản. Có cơ chế vừa khuyến khích, vừa bắt buộc các doanh nghiệp ngành thủy sản đầu tư nghiên cứu cải tiến kỹ thuật và áp dụng công nghệ mới, công nghệ thích hợp vào sản xuất thủy sản. Đẩy mạnh công tác điều tra cơ bản và nghiên cứu khoa học – công nghệ chuyên ngành kinh tế thủy sản để có đủ căn cứ khoa học cho việc xây dựng các kế hoạch phát triển kinh tế thủy sản lâu dài, hiệu quả và bền vững. Có chính sách ưu đãi để thu hút các cán bộ khoa học có trình độ về làm việc tại Vùng.

Năm là, có chính sách tích cực để thu hút và đào tạo nguồn nhân lực cho kinh tế thủy sản của Vùng. Từng bước xây dựng lực lượng lao động chất lượng cao để đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững kinh tế thủy sản đáp ứng nhu cầu thị trường toàn cầu trong giai đoạn tới. Nghiên cứu ban hành các chính sách, chế độ ưu đãi cụ thể để thu hút nhiều lao động có kỹ thuật, các chuyên gia, các nhà doanh nghiệp giỏi… từ các vùng khác đến làm việc lâu dài tại VTNCVN. Mở rộng đào tạo, dạy nghề trong kinh tế thủy sản bằng nhiều hình thức, đào tạo và đào tạo lại đội ngũ cán bộ, công chức các cấp phục vụ quản lý ngành kinh tế thủy sản.

Sáu là, tăng cường quản lý Nhà nước đối với ngành kinh tế thủy sản, đặc biệt là phải quản lý chặt hoạt động khai thác hải sản, nhất là ở vùng triều và ven bờ. Quy định cụ thể về số lượng tàu thuyền, loại nghề và sản lượng khai thác tối đa cho từng khu vực, từng mùa vụ để bảo vệ và phát triển nguồn lợi. Tăng cường quản lý kiểm soát bệnh dịch, kiểm định giống và bảo vệ tốt môi trường nuôi trồng thủy sản. Quản lý chặt các yếu tố đầu vào và đầu ra của ngành kinh tế thủy sản để đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm thủy sản xuất khẩu. Cung cấp thông tin đầy đủ về giá thủy sản xuất khẩu và tỷ giá hối đoái cho các doanh nghiệp kinh doanh của Vùng.

Khai thác hiệu quả tiềm năng kinh tế thủy sản VTNCVN là nhiệm vụ rất quan trọng nhằm khai thác, phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế kinh tế thủy sản của Vùng, để kinh tế thủy sản thật sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế với tốc độ cao và bền vững, đảm bảo sinh kế bền vững cho cư dân trong Vùng và tăng cường quốc phòng an ninh, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo phía Tây Nam của Tổ quốc.

 

 

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Cục Thống kê Cà Mau, 2010-2014. Tình hình KT-XH Cà Mau 2010…2014, Kiên Giang.

2. Cục Thống kê Kiên Giang, 2010 – 2014. Tình hình KT-XH Kiên Giang 2010…2014, Kiên Giang.

3. Sở Công thương Cà Mau, 2010-2014. Báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ ngành công thương 2010…2914, Cà Mau.

4. Sở Công thương Kiên Giang, 2010-2014. Báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ ngành công thương 2010…2914, Kiên Giang.

5. Sở NN&PTNT Cà Mau, 2010-2014. Báo cáo tổng kết ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn 2010…2014, Cà Mau.

6. Sở NN&PTNT Kiên Giang, 2010-2014. Báo cáo tổng kết ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn 2010…2014, Kiên Giang.

7. Thủ tướng Chính phủ, 2009. Phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH vùng biển và ven biển Việt Nam thuộc Vịnh Thái Lan, Hà Nội.

8. UBND tỉnh Cà Mau, 2010-2014. Tình hình KT-XH và kế hoạch phát triển năm 2010…2014, Cà Mau.

9. UBND tỉnh Kiên Giang, 2010-2014. Tình hình KT-XH và kế hoạch phát triển năm 2010…2014, Kiên Giang.

10. VASEP, 2014. Báo cáo xuất khẩu thủy sản Việt Nam 2014, TP Hồ Chí Minh.

Thạc sĩ Phạm Văn Quang - Trường Chính trị Kiên Giang, NCS về kinh tế biển - Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!