Khai thác “mỏ vàng” rươi – lúa hữu cơ

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Mô hình canh tác kết hợp rươi – lúa hữu cơ thời gian qua đã mang lại giá trị rất lớn. Ngoài thu được nguồn lợi từ rươi, gạo của lúa canh tác trên cánh đồng nuôi rươi được thị trường rất ưa chuộng, có giá bán rất cao. Hiệu quả sản xuất của mô hình này cao hơn 15 – 20 lần so với sản xuất lúa đơn thuần. Chính vì vậy, nhiều tỉnh, thành có lợi thế đã và đang phát triển phương thức canh tác thông minh này.

Rươi – lúa: “Cặp đôi hoàn hảo”

Rươi (Tylorrhynchus heterochaetus), từ lâu đã được người dân ở các vùng đồng bằng ven biển biết đến như là một món đặc sản bổ dưỡng. Ngoài giá trị về thực phẩm, chúng còn có giá trị về sinh thái như khả năng làm sạch môi trường, hạn chế ô nhiễm và làm thông thoáng cho các vùng đất ngập nước nơi chúng sinh sống. Hiện nay, nhu cầu của thị trường ngày càng lớn, sự phát triển mạnh ngành công nghiệp, tốc độ đô thị hóa nhanh đã làm cho môi trường nước bị ô nhiễm làm cho nơi sống của rươi ngày một hẹp dần; ngoài ra việc sử dụng nhiều loại hóa chất và thuốc trừ sâu trong nông nghiệp cũng làm ảnh hưởng rất lớn đến sinh sản và phát triển của rươi; vì vậy nguồn lợi rươi tự nhiên suy giảm mạnh.

Để khôi phục và khai thác lợi thế từ con rươi, những năm qua nhiều tỉnh, thành mà tiêu biểu là tại Hải Phòng, Thái Bình, Hải Dương, Nam Định, Quảng Ninh, Hà Tĩnh… những nơi có diện tích các đầm rươi cũng rất lớn, đủ điều kiện để kết hợp sản xuất lúa – rươi đã triển khai nhiều giải pháp nhân rộng mô hình sản xuất này.

Đẩy mạnh mô hình sản xuất rươi – lúa hữu cơ nhằm tận dụng và khai thác “mỏ vàng” của ngành nông nghiệp. Ảnh: Ngô Mơ

Theo chia sẻ của các hộ dân, nếu ruộng rươi tự nhiên trước đây chỉ đạt mật độ 10 – 15 con/m² và cho thu hoạch từ tháng 9 – 10 (ÂL), thì bây giờ ruộng canh tác lúa hữu cơ được bổ sung dinh dưỡng nên mật độ tăng lên từ 35 – 40 con/m², có nơi trên 100 con/m² và cho thu hoạch vào cả tháng 5 – 6 (ÂL). 

Là một trong những người tiên phong vận động người dân kết hợp trồng lúa trên đầm rươi, chị Nguyễn Thị Hà, Giám đốc HTX nông nghiệp Thụy Hương (xã Thụy Hương, huyện Kiến Thụy, TP Hải Phòng) cho rằng, với diện tích hàng nghìn ha đầm có thể phát triển được mô hình lúa – rươi, nếu Hải Phòng tận dụng khai thác tốt thì đây thực sự là “mỏ vàng” của ngành nông nghiệp đất Cảng; khi người dân có thể thu được hàng trăm tỷ đồng từ lúa và hàng nghìn tỷ đồng từ rươi, còn doanh nghiệp có được những sản phẩm gạo ngon, đảm bảo chuẩn hữu cơ để cung ứng cho thị trường với giá cao gấp đôi so với các loại gạo thông thường.

Phát huy lợi ích kép

Huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương là một trong những địa phương huyện có hệ thống giao thông đường bộ, đường sông thông suốt, đồng bộ, thuận lợi cho phát triển kinh tế, giao lưu hàng hóa giữa các địa phương trong vùng, trong huyện. Đến nay, tổng diện tích sản xuất hữu cơ kết hợp khai thác rươi, cáy của toàn huyện lên 550 ha. Sản lượng rươi đạt 450 tấn/năm, cáy 200 tấn/năm, lúa 3.000 tấn/năm; giá trị sản phẩm đạt từ 400 – 450 triệu đồng/ha/năm, cao gấp 8 – 10 lần so với thâm canh vô cơ.

Hiện toàn huyện có 34 sản phẩm được chứng nhận OCOP; trong đó có 12 sản phẩm của vùng sản xuất hữu cơ kết hợp khai thác rươi, cáy được chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao: Gồm rươi cấp đông, cáy cấp đông, chả rươi Hải Nam, mọc rươi Hải Nam, niêu rươi đốt Hà Tiến, chả rươi Hà Tiến, nem rươi Hà Tiến, rươi cấp đông Hà Tiến, rươi đốt Tuấn Viên, chả rươi Tuấn Viên, gạo bãi rươi An Thanh và gạo nếp cái hoa vàng Quang Trung.

Theo kế hoạch, trong thời gian tới, huyện Tứ Kỳ tiếp tục thực hiện cải tạo vùng sản xuất hữu cơ kết hợp khai thác rươi, cáy trong đồng tại các xã An Thanh, Quang Trung, Bình Lãng, Chí Minh, Cộng Lạc, Nguyên Giáp, Hà Thanh… Đồng thời, quyết liệt chỉ đạo thực hiện cải tạo xong 340 ha và tiến tới chứng nhận hữu cơ cho diện tích này, nâng diện tích vùng sản xuất hữu cơ kết hợp khai thác rươi, cáy đạt 700 ha vào năm 2025 và 1.000 ha vào năm 2030.

Hải Phòng có diện tích canh tác rươi, lúa – rươi trên 2.000 ha, phân bố chủ yếu tại huyện Tiên Lãng, Kiến Thụy, Vĩnh Bảo. Từ năm 2023, Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng đã thực hiện Dự án “Xây dựng mô hình nuôi rươi kết hợp sản xuất lúa gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm” tại xã Tam Cường, huyện Vĩnh Bảo với quy mô 0,4 ha /2 hộ; năm 2024 Dự án này tiếp tục được triển khai. Mới đây, trong tháng 5, Trung tâm đã tổ chức bàn giao rươi giống, lúa giống và vật tư cho các hộ tham gia.

Theo đánh giá của ngành chức năng, Dự án hỗ trợ phát triển nuôi rươi thương phẩm bằng con giống nhân tạo kết hợp canh tác lúa hữu cơ tại địa phương có điều kiện phù hợp; nhằm đa dạng hóa đối tượng nuôi, giảm rủi ro trong sản xuất, nâng cao hiệu quả sử dụng mặt nước, hình thành vùng sản xuất lúa rươi có chất lượng cao, bảo vệ và phát triển nguồn lợi rươi đặc sản của địa phương, tạo sinh kế, việc làm, thu nhập cho người dân.

Thời gian qua, một số địa phương tại tỉnh Hà Tĩnh phát huy lợi thế, đẩy mạnh mở rộng vùng sản xuất lúa hữu cơ kết hợp nuôi rươi (lúa – rươi – cáy), hướng tới xây dựng vùng sản xuất chuyên canh nhằm nâng cao giá trị kinh tế trên một đơn vị diện tích. Những ruộng lúa – rươi – cáy tại xã Kỳ Khang, huyện Kỳ Anh hay xã Xuân Lam, huyện Nghi Xuân và nhiều địa phương khác trong tỉnh đã và đang giúp người dân có thu nhập cao, hệ sinh thái đồng ruộng được phục hồi. Năng suất lúa ổn định 250 – 280 kg/sào, 20 – 25 kg rươi và 40 – 50 kg cáy mang lại thu nhập từ 10 – 15 triệu đồng. 

Thực hiện chủ trương sản xuất lúa hàng hóa theo hướng hữu cơ, từ vụ Xuân 2022, huyện Kỳ Anh bắt đầu triển khai thí điểm mô hình “Mô hình chuyển giao kỹ thuật sản xuất lúa hữu cơ kết hợp tái tạo, phục hồi nguồn lợi rươi tự nhiên” tại thôn Đậu Giang, xã Kỳ Khang, với diện tích 5 ha với 8 hộ tham gia, mục đích tạo ra sản phẩm lúa gạo chất lượng, khôi phục lại nguồn rươi cáy tự nhiên, tăng giá trị thu nhập cho người dân.

Cũng là khu vực thường xuyên được phù sa bồi đắp, đất khá giàu mùn, thuận lợi cho lúa cũng như rươi sinh trưởng, phát triển; tháng 9/2022, chính quyền xã Xuân Lam (huyện Nghi Xuân) đã chỉ đạo triển khai cải tạo đồng ruộng để thực hiện mô hình sản xuất lúa hữu cơ kết hợp nuôi rươi tại thôn 2 và thôn 3 với quy mô 10 ha, giao HTX nông nghiệp Thống Nhất thực hiện. Ông Nguyễn Văn Chiến, Giám đốc HTX nông nghiệp Thống Nhất cho biết, việc triển khai mô hình này nhằm khai thác ưu thế của địa phương, tạo ra sản phẩm gạo, rươi, cáy an toàn, từ đó làm cơ sở để địa phương xây dựng sản phẩm gạo rươi đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao; hướng tới xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm, nâng cao giá trị gia tăng, góp phần tăng thu nhập cho người dân. Qua 2 vụ sản xuất, năng suất lúa hữu cơ trên ruộng rươi tăng lên rõ rệt, đạt bình quân 54 tạ/ha, rươi đạt 2,5 tạ/ha, cáy đạt 3,5 tạ/ha. Từ diện tích ban đầu 10 ha, HTX đang tiếp tục xây dựng vùng chuyên canh lúa hữu cơ kết hợp nuôi rươi, cáy với quy mô tập trung 80 ha.

Tính đến nay, toàn tỉnh Hà Tĩnh đã có hơn 133 ha diện tích lúa sản xuất theo hướng hữu cơ trên vùng khai thác rươi, cáy, mang lại lợi ích kép cho nông dân. Mới đây, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã phê duyệt Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ tỉnh giai đoạn 2024 – 2030, theo đó, mở rộng thêm 57 ha sản xuất lúa kết hợp rươi, cáy tại các địa phương thuộc các huyện: Kỳ Anh, Đức Thọ, Nghi Xuân, TP Hà Tĩnh và thị xã Hồng Lĩnh. Đây là cơ sở để các địa phương xây dựng cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện để tái tạo và phát triển rươi cáy tự nhiên, kỳ vọng sẽ mở ra hướng đi mới, giúp nông dân thay đổi nhận thức trong áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao trên cùng một đơn vị diện tích, tạo động lực để nông dân đầu tư phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững.

Hồng Hạnh

Ngày 12/6 tới, Sở NN&PTNT tỉnh Hải Dương sẽ phối hợp Huyện ủy - UBND huyện Tứ Kỳ tổ chức Lễ hội lúa rươi hữu cơ Tứ Kỳ năm 2024, tại vùng sản xuất lúa rươi hữu cơ thôn An Định, xã An Thanh, huyện Tứ Kỳ. Đây là năm thứ ba liên tiếp sự kiện này được tổ chức, nhằm duy trì, bảo tồn và quảng bá nông nghiệp sạch tại địa phương này.

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!