THỨ NĂM, ngày 23/1/2025

Khai thác mực… thân thiện

Chưa có đánh giá về bài viết

Nói tới xã biển Bình Châu ở huyện Xuyên Mộc (Bà Rịa – Vũng Tàu), nhiều người nghĩ ngay tới “phong trào” khai thác mực mang tính hủy diệt môi trường. Nhưng giờ đây, ngư dân Bình Châu đã tìm cách khai thác mực thân thiện với môi trường.

Đủ kiểu truy sát mực

Ông Trần Văn Tỷ – trưởng vạn lâu năm ở Bình Châu cho biết, trước đây ngư dân chỉ quen khai thác mực bằng cách gắn trên ghe, trên tàu một dàn đèn cực đại ít nhất 10 bóng có công suất khoảng 2.000W/bóng để nhử mực. Do sức nóng đèn pha, những chú mực sẽ bị nổ mắt phải trồi lên mặt nước, người đánh bắt cứ ung dung bủa lưới mành mà bắt.

Có điều, cách đánh bắt mực như vậy chỉ thực hiện vào những đêm tối trời từ ngày 17 tháng trước tới ngày 7 tháng sau (âm lịch), còn những đêm trăng sáng đành “chào thua”. Ánh sáng và sức nóng của giàn đèn pha không chỉ làm mực nổ mắt mà còn làm cho trứng mực bị ung, mực con mới nở không sống nổi. Đây chính là tác nhân làm cho nguồn mực ngày càng cạn kiệt.

 

Một tàu câu mực đang chuẩn bị ngư cụ, lương thực… để ra khơi.

 

Hơn thế, dùng đèn pha lâu ngày, con mực quen dần sẽ không còn tác dụng nữa, trong khi ngư dân phải chịu hao tốn rất nhiều nhiên liệu để chạy máy phát điện trên tàu. Thực tế này khiến nghề bắt mực (còn gọi mành mực) ngày càng bấp bênh.

Cùng với đèn pha, nhiều ngư dân ở Bình Châu trước đây còn dùng “cào bay” khai thác mực. Trên ghe người ta dùng bình ắc-quy ô tô làm động cơ máy nổ để tăng tốc độ vận hành của ghe mỗi khi đánh bắt.

Lê Toán – ngư dân tâm huyết với ngư trường Bình Châu kể: “Mỗi khi “cào bay” xuất hiện, không chỉ mực vừa mới nở, mực trong độ tuổi được khai thác và nhiều loài thủy sinh như san hô, rong biển đều bị “cào bay” xúc, cào tan nát!”.

Ông Toán cũng cho biết, để ghe, thuyền có chỗ chứa các loại mực, cá có giá trị, các chủ “cào bay” thảy xác thủy sinh, thủy sản nhỏ đã chết xuống mặt biển, gây ô nhiễm.

 

Cùng giữ môi trường biển

Trưởng vạn Trần Văn Tỷ giới thiệu với chúng tôi con tôm mồi chế tác bằng nhựa dẻo y hệt tôm thứ thiệt. Bên ngoài thân tôm được rắc lớp nhũ phát sáng, dưới đuôi gắn chùm móc thép nhỏ, sắc lẻm. Ông Tỷ gọi đây là con tôm mồi. Tôm mồi buộc vào dây câu, mỗi giàn câu có từ 1.500 dây trở lên. Dây câu tùy mực nước mà tính độ dài sao cho con mồi xuống tới đáy nước để mực lớn dễ phát hiện tưởng tôm thật liền tung râu quấn chặt con tôm và vô tình mắc vào chùm móc thép.

“Bằng phương pháp câu nhử như vậy, giờ đây chúng tôi đánh bắt mực ban ngày là chính chứ không phải thức trắng đêm như cách đánh bằng ánh sáng đèn pha cực đại hồi chưa được Hội ND và cán bộ khuyến ngư hướng dẫn” – ông Trần Văn Tỷ vui vẻ nói.

Với phương pháp câu mới, ngư dân chỉ dùng ghe nhỏ, nhẹ, dễ cơ động, ít tốn nhiên liệu, trong khi năng suất đạt gấp 2-3 lần cách đánh mực bằng đèn pha. Ông Tỷ nói thêm: "Trước đây, một chuyến đi mành mực 20 ngày, năng suất tối đa chỉ 300-500kg. Nay câu bủa bằng mồi tôm nhựa thời gian chừng 6-7 ngày/chuyến, lại không phụ thuộc trời có trăng hay không có trăng , mà thu từ 1-1,5 tấn”.

“Nhà nước lo cho bà con ngư dân Bình Châu quá nhiều tại sao chúng tôi lại không cùng nhau giữ gìn môi trường biển, cùng nhau bảo vệ nguồn lợi của biển để Bình Châu sạch đẹp, thu hút ngày càng nhiều du khách” – ông Tỷ nói.

>> Trong tổng số 23.000 nhân khẩu của xã Bình Châu thì 2/3 sống bằng nghề khai thác thủy sản và dịch vụ phục vụ chế biến hải sản cửa sông Bến Lội được Nhà nước đầu tư xây dựng khu neo đậu tránh, trú bão cho tàu và nạo vét sâu, đủ chỗ cho cả nghìn chiếc tàu, ghe các loại ra vào an toàn.

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!