(Thủy sản Việt Nam) – Bắt đầu từ tháng 4 âm lịch, trên vùng biển xã Nhơn Hải (TP. Quy Nhơn, Bình Định) rong mơ biển xuất hiện nhiều. Mỗi ngày có hàng trăm ngư dân địa phương đi khai thác cho thu nhập khá.
Rong mơ – nguồn hải sản dồi dào
Theo người dân Nhơn Hải, rong mơ biển là nguồn hải sản khá dồi dào, mọc ở các rạn san hô gần bờ biển chạy dọc các tỉnh ven biển miền Trung. Rong mơ thường xuất hiện vào mùa hè từ đầu tháng 4 đến tháng 5 (âm lịch). Năm nay, rong mơ xuất hiện ở Nhơn Hải, tuy sản lượng không nhiều nhưng giá bán khá cao, khoảng 6.000 đồng/kg rong khô. Hiện mỗi ngày trên vùng biển xã Nhơn Hải có hàng trăm lao động đi khai thác rong, với thu nhập bình quân từ 100 – 200 ngàn đồng/người/ngày.
Niềm vui từ khai thác rong mơ của người dân Nhơn Hải
Năm 2011, ngư dân xã Nhơn Hải khai thác được 120 tấn rong mơ, giá trị đạt trên 400 triệu đồng, riêng quý II/2011, ngư dân khai thác trên 40 tấn, đạt giá trị trên 100 triệu đồng.
Nghề khai thác rong mơ ở địa phương bắt đầu xuất hiện vào năm 2008, khi các thương lái từ huyện Sông Cầu (Phú Yên) về địa phương thu mua, từ đó người ta mới biết đến giá trị kinh tế từ cây rong mơ biển mang lại.
Chị Phạm Thị Bảy ở thôn Hải Nam, xã Nhơn Hải, chủ một điểm thu mua rong mơ khô, cho biết: “Năm nay rong mất mùa, từ đầu mùa đến giờ tôi chỉ thu mua được trên 20 tấn. Nếu như năm vừa rồi vào thời điểm này tôi đã mua được đến khoảng trên 50 tấn rong khô, và cả vụ rong trong năm vừa qua tôi thu mua đến gần 90 tấn”.
Theo các thương lái thu mua rong ở địa phương thì rong mơ được bán cho các thương lái đến từ Phú Yên, Khánh Hòa, TP Hồ Chí Minh… sau đó được xuất sang Trung Quốc. Ngoài ra, người dân trong xã còn lấy rong mơ phơi khô sắc nước, cho ít đường phèn và lá dứa để làm nước uống giải khát rất tốt cho sức khỏe.
Cây rong mơ có tên khoa học Sargassum, thuộc chi tảo biển, ngành tảo nâu. Trong y học, rong mơ cho keo Aginat dùng để bao viên thuốc, làm chỉ khâu vết mổ, đã được nghiên cứu làm huyết thanh nhân tạo, thuốc cầm máu. Trong công nghiệp, dùng để chế phẩm in hoa, hồ vải, dán gỗ, chế tơ nhân tạo, làm diêm. Trong nông nghiệp, dùng làm phân bón, pha chế thuốc trừ sâu, thay thế phèn chua. Trong thực phẩm, ăn rong mơ biển ngừa và điều trị bướu cổ…
Cần khai thác đúng hướng
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, cây rong mơ thường sống bám vào rạn san hô, các tảng đá ngầm dưới biển, khi cây rong dài có thể tràn trên mặt nước tạo thành từng bãi rong lớn. Đây là chỗ trú ẩn, kiếm ăn và sinh sản của nhiều hải sản. Người dân nơi đây khai thác rong bằng cách lặn xuống rạn để bứt hoặc cắt. Khi bứt một bụi rong thường đồng thời cũng giật vỡ đổ một tảng san hô, làm nát nơi cư trú của tôm cá.
Ông Phạm Văn Hùng – Chủ tịch UBND xã Nhơn Hải, cho biết: “Chúng tôi chưa có đánh giá được hậu quả của việc khai thác rong mơ sẽ ảnh hưởng đến môi trường sinh thái biển và ảnh hưởng đến các loài vật sống dưới khu vực san hô; việc này cũng chưa có cơ quan chức năng nào đánh giá”.
Trước tình hình đó, UBND xã đã ra thông báo vận động người dân khai thác đúng mùa vụ, lúc rong đã lớn.
>> Quản lý, khai thác, bảo vệ, phát triển bền vững nguồn lợi rong mơ là việc làm cấp thiết, rất cần sự chung tay góp sức của nhiều cấp, ngành.
Ngọc Nhuận