Thời gian gần đây, nghề nuôi thủy sản ở Phú Thọ không ngừng phát triển, nhiều địa phương không chỉ xóa đói giảm nghèo mà còn vươn lên trở thành điểm sáng trong phát triển kinh tế.
Thoát nghèo nhờ thủy sản
Tỉnh Phú Thọ hiện có gần 200 mô hình trang trại nuôi thủy sản với diện tích trên 1.400 ha; 7 hợp tác xã chuyên canh thủy sản. Về sản xuất con giống, có 1 trại giống thủy sản cấp 1; 8 cơ sở sản xuất con giống và 580 hộ ương nuôi, cơ bản đáp ứng đủ số lượng con giống phục vụ trong tỉnh. Cùng với chăn nuôi truyền thống, đã xuất hiện một số hộ nuôi thủy đặc sản cá lăng, cá chiên, ba ba… Sau hơn 7 năm đưa thủy sản trở thành ngành kinh tế trọng điểm (từ năm 2006), nhiều hộ phát triển nuôi thủy sản trong tỉnh đã đạt thu nhập 150 – 200 triệu đồng/ha, doanh thu hàng trăm triệu đồng, cá biệt đến hàng tỷ đồng/năm.
Tại xã Minh Côi (huyện Hạ Hòa) có 230 hộ nuôi thủy sản theo hướng kinh doanh với tổng diện tích 68,87 ha. Ông Nguyễn Văn Thành, Chủ tịch UBND xã cho biết: Việc phát triển thủy sản được xã xác định là một trong những hướng phát triển kinh tế mũi nhọn của địa phương, vừa tận dụng được diện tích mặt nước, vừa tạo công ăn việc làm tại chỗ cho người dân, nhất là trong các khoảng thời gian nhàn rỗi giữa các mùa vụ. Thủy sản ở Minh Côi, cùng với tiêu thụ trong tỉnh, còn được đưa đi tiêu thụ ở Yên Bái, Vĩnh Phúc… Bình quân mỗi năm Minh Côi cung cấp cho thị trường gần 200 tấn cá thịt, chưa kể cá đánh bắt tự nhiên khoảng 10 tấn/năm. Nhờ thế, nhiều hộ dân trong xã đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu bền vững, nhờ nuôi thủy sản.
Hộ ông Đặng Văn Được là một trong những điển hình nuôi thủy sản ở xã Văn Khúc, huyện Cẩm Khê. Ông Ðược cho biết: Trước đây, gia đình không đủ ăn; ông quyết định chuyển sang nuôi cá. Năm 2003, khi được phép chuyển đổi ruộng trũng sang nuôi thủy sản, ông đã vay vốn ngân hàng đầu tư đào đắp ao, mở rộng dần diện tích lên 1,5 ha, lúc đầu chỉ nuôi cá truyền thống, mấy năm sau mới nuôi tôm càng xanh. Năm nay, ông nuôi 1 ha chuyên tôm, 0,5 ha cá xen tôm… Ước tính, mỗi năm ông thu khoảng 100 triệu đồng từ nuôi thủy sản.
Huyện Thanh Thủy cũng tận dụng nguồn nước sông Đà phát triển nghề nuôi cá lồng, đem lại hiệu quả kinh tế gấp 2 – 3 lần so với nuôi ở ao, hồ, đầm… Nhiều hộ còn tận dụng nguồn nước sông Đà sạch nuôi cá đặc sản lăng chấm. Chỉ sau 2 – 3 năm nuôi, chủ lồng có thể thu hoạch 4 – 7 tấn cá lăng/năm, với giá bán hiện nay 150.000 – 170.000 đồng/kg, chủ lồng thu về vài tỷ đồng/vụ. Riêng ở xã Sơn Thủy có gần 90% đồng bào Công giáo đã mạnh dạn chuyển đổi những ruộng lúa kém hiệu quả sang nuôi chuyên cá hoặc một vụ lúa một vụ cá. Hiện, toàn xã phát triển được gần 100 ha ruộng trũng sang nuôi thủy sản, mỗi năm doanh thu gần 25 tỷ đồng, chiếm 80% tổng giá trị sản xuất của xã. Nhiều hộ còn dồn điển đổi thửa, đưa cá giống mới, đặc sản, có giá trị kinh tế cao (như rô phi đơn tính, lăng, nheo… vào ương nuôi).
Nhiều hộ nuôi cá lồng sông Đà cho hiệu quả gấp 2 – 3 lần so với nuôi ở ao, hồ… – Ảnh: Quỳnh Văn
Tuy nhiên, năng suất và sản lượng như vậy chưa tương xứng tiềm năng, do người dân vẫn nuôi theo lối quảng canh; bên cạnh đó, thời hạn thuê của một số địa phương ngắn khiến người nuôi thả không muốn đầu tư dài hơi; tình trạng an ninh trật tự chưa nghiêm…
Hướng đúng
Để phát huy tiềm năng, thế mạnh thủy sản, tỉnh Phú Thọ đã đầu tư vào sản xuất giống thủy sản. Đặc biệt, với Trung tâm Giống thủy sản khá hiện đại trên diện tích 13 ha có khả năng sản xuất 10 triệu con giống/năm tiêu chuẩn các loại, đáp ứng khoảng 30% nhu cầu của tỉnh. Ngoài cá, tôm thông thường, ngành thủy sản đã chủ động khai thác, tiếp nhận một số giống thủy sản mới có chất lượng cao (như cá trắm đen, rô đầu vuông, lăng chấm…) vào sản xuất. Chỉ tính năm 2012, Trung tâm đã cung ứng gần 20 triệu con giống thủy sản, phục vụ chính sách trợ giá giống; xây dựng mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, tái tạo bảo vệ nguồn lợi thủy sản, cải tạo nâng cấp xây dựng hạ tầng kỹ thuật giúp các hộ nuôi thuỷ sản giai đoạn 2012 – 2015 cho 13/13 huyện, thành phố, thị xã trong tỉnh, với tổng kinh phí 73,7 tỷ đồng.
Theo đó, các hộ nuôi quy mô 0,5 ha trở lên sẽ được hỗ trợ 5 triệu đồng tiền giống/ha; hỗ trợ 80 triệu đồng/mô hình có quy mô trên 1 ha; 500 triệu đồng/năm cho các dự án thực hiện cải tạo, bảo vệ nguồn lợi thủy sản; hỗ trợ 500 triệu đồng/dự án cho các tổ chức, cá nhân xây mới, nâng cấp hạ tầng. Hỗ trợ 100% giá giống thủy sản đặc sản (cá anh vũ, lăng chấm); 5 – 10 triệu đồng đối với các giống cá chủ lực khác.
Bên cạnh đó, các địa phương trong tỉnh đang tập trung dồn đổi ruộng đất, quy hoạch, lập dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng để nuôi thủy sản vùng chuyển đổi, tăng cường thông tin tuyên truyền, tập huấn kỹ thuật, xây dựng và nhân rộng các mô hình nuôi thâm canh, nuôi giống mới có năng suất, chất lượng cao ở các dạng mặt nước, nhất là diện tích chuyển đổi. Các cơ sở sản xuất giống thủy sản được nâng cấp, khôi phục, đồng thời phát triển các cơ sở sinh sản nhân tạo cá quy mô nhỏ ở các vùng trọng điểm.
Ông Nguyễn Thanh Tùng, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Phú Thọ cho biết: Thời gian tới, tỉnh chỉ đạo chú trọng sản xuất con giống tốt, đưa giống mới, giống đặc sản giá trị kinh tế cao, kết hợp áp dụng tiến bộ kỹ thuật nuôi, chế biến thức ăn vào sản xuất; giúp người dân yên tâm đầu tư, mở rộng sản xuất để tăng giá trị, nâng cao hiệu qua. Đồng thời, tiến hành nghiên cứu quy hoạch, đầu tư, xây dựng hạ tầng, cơ chế chính sách cho sản xuất, nuôi thủy sản phát triển. Đây là điều kiện thuận lợi cho người dân trong tỉnh xây dựng thành công các mô hình sản xuất, nuôi trồng thủy sản an toàn và từng bước khắc phục tình trạng manh mún, nhỏ lẻ hiện nay.
>> Phát triển thủy sản được xác định là một trong 6 chương trình nông nghiệp trọng điểm của tỉnh Phú Thọ; phấn đấu đến năm 2020, nuôi thủy sản đạt diện tích 12.200 ha, sản lượng 24.000 – 25.000 tấn. |