(TSVN) – Cà Mau có hơn 5.000 phương tiện khai thác thủy sản, đây là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Những năm gần đây, ngư trường Cà Mau đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức khi phải chịu nhiều sức ép do nguồn lợi thủy sản ngày càng suy giảm vì khai thác quá mức. Chính vì vậy, địa phương đã tăng cường công tác tuyên truyền thay đổi được nhận thức, ý thức chấp hành của ngư dân; để hoạt động khai thác thủy sản ngày một ổn định và bền vững hơn.
Theo thống kê của ngành chức năng, tính từ đầu năm 2021 đến nay, thông qua các cuộc thanh tra, kiểm tra, lực lượng thanh tra chuyên ngành thủy sản thuộc Sở NN&PTNT đã phát hiện và xử lý 37 vụ vi phạm, thu phạt với số tiền 725 triệu đồng. Trong đó, số vụ vi phạm liên quan đến khai thác bất hợp pháp 19 vụ, xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 486,5 triệu đồng.
Để giảm thiểu tình trạng khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (khai thác IUU), Sở NN&PTNT Cà Mau chủ động tham mưu UBND tỉnh và tích cực phối hợp với các đơn vị xây dựng, triển khai nhiều giải pháp đồng bộ có liên quan đến việc chống khai thác bất hợp pháp, như kiểm soát tàu cá vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài bằng việc thường xuyên nắm tình hình tại địa phương. Phối hợp với các lực lượng chức năng có liên quan theo dõi, giám sát chặt chẽ đối với các tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài bị bắt, sau đó mua lại, chuộc về… Không cấp giấy phép khai thác thuỷ sản cho những tàu tái phạm, không xem xét cho chủ tàu, thuyền trưởng thụ hưởng các chính sách hỗ trợ có liên quan của Nhà nước về thủy sản.
Công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát trên các vùng biển luôn được tăng cường thông qua các đợt thanh tra, kiểm tra đột xuất. Ðịa phương quản lý tàu cá theo hạng ngạch được phân bổ. Không kiểm tra cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá và giấy phép khai thác thủy sản nếu chủ tàu cá không đánh dấu tàu theo đúng quy định. Cùng đó, các chương trình hành động là tiến hành rà soát, công bố danh sách tàu cá có nguy cơ cao vi phạm về khai thác bất hợp pháp để đưa vào danh sách theo dõi, quản lý.
Toàn tỉnh hiện có 5 Cảng cá đang hoạt động bao gồm: Cà Mau, Sông Đốc, Cái Đôi Vàm, Rạch Gốc và Hố Gùi, đáp ứng 350 tàu cập bến trong một ngày. Cà Mau có khoảng 4.540 phương tiện đăng ký khai thác thủy sản; trong đó, số lượng tàu có chiều dài lớn nhất dưới 12 m khoảng 1.530 phương tiện, tàu có chiều dài lớn nhất từ 12 m đến dưới 15 m là khoảng 1.370 phương tiện. Số tàu thuộc diện lắp đặt máy giám sát hành trình là 1.637 phương tiện; trong đó, tàu cá đã lắp đặt 1.430/1637 phương tiện, chiếm 87,35%, chưa lắp đặt là 207 phương tiện chiếm 12,65% (trong đó, có 97 tàu hết hạn đăng kiểm và do điều kiện kinh tế nên chưa có tiền lắp đặt chiếm 5,93% và 110 tàu thuộc diện mất tích chiếm 6,72%).
Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đã có công văn chỉ đạo Sở NN&PTNT; Sở Thông tin và Truyền thông; Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh; Công an tỉnh; các cơ quan báo, đài, cổng thông tin điện tử tỉnh; UBND huyện: U Minh, Trần Văn Thời, Năm Căn, Ngọc Hiển, Phú Tân và Đầm Dơi tăng cường tuyên truyền, nâng cao hiệu quả chống khai thác IUU.
Theo đó, giao NN&PTNT chủ trì, phối hợp với sở, ngành, đơn vị chức năng và UBND các huyện có liên quan tiếp tục tổ chức thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ được giao theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về IUU, Bộ NN&PTNT, bộ, ngành có liên quan và UBND tỉnh về chống khai thác IUU; khẩn trương khắc phục ngay những tồn tại, hạn chế trong công tác chống khai thác IUU trên địa bàn quản lý.
Tiếp tục rà soát, lập danh sách các đối tượng, nghề khai thác, các địa bàn trọng điểm… đã vi phạm và có nguy cơ cao vi phạm khai thác thủy sản ở vùng biển nước ngoài để tăng cường công tác theo dõi, nắm tình hình, triển khai đồng bộ các giải pháp về dân vận cơ sở, tuyên truyền, vận động cộng đồng ngư dân và các thành phần có liên quan không thực hiện hành vi vi phạm, đề cao tinh thần ngăn chặn, tố giác các hành vi vi phạm; kiên quyết xử lý nghiêm theo quy định đối với các tổ chức, cá nhân vì lợi ích kinh tế cá nhân cố tình đưa tàu cá, ngư dân đi khai thác thủy sản trái phép ở vùng biển nước ngoài.
Khẩn trương hoàn thành việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá, tổ chức khai thác, vận hành, sử dụng có hiệu quả để theo dõi, giám sát tàu cá hoạt động trên biển; kiên quyết không cho tàu cá tham gia hoạt động khai thác thủy sản trên biến nếu chưa lắp đặt thiết bị VMS, lắp đặt nhưng không có tín hiệu VMS trên hệ thống; đặc biệt phối hợp chặt chẽ, kịp thời với cơ quan chức năng của Bộ trong quản lý tàu cá có chiều dài từ 24 m trở lên, kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm khai thác IUU.
Tổ chức triển khai đúng quy định về công tác kiểm soát tàu cá ra vào cảng, kiểm soát sản lượng thủy sản bốc dỡ qua cảng đảm bảo theo chuỗi, có sự kiểm tra đối chiếu dữ liệu giữa các bên có liên quan, cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia VNFishbase, hệ thống giám sát hành trình tàu cá phục vụ công tác truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác theo quy định.
Phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tăng cường công tác thông tin, truyền thông các quy định pháp luật về chống khai thác IUU đảm bảo kịp thời, cập nhật đầy đủ để cộng đồng ngư dân ven biển và các thành phần có liên quan nắm, tuân thủ thực hiện; kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi khai thác IUU theo quy định tại Nghị định số 42, của Chính phủ. Rà soát, bố trí đủ nguồn nhân lực về số lượng, chuyên môn, nghiệp vụ; trang thiết bị tại các cơ quan, đơn vị có liên quan phục vụ công tác chống khai thác IUU; thường xuyên, tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ cán bộ thực hiện để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao…
Ông Nguyễn Việt Triều, Phó chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Cà Mau cho biết, đánh giá toàn diện, qua công tác tuyên truyền đã thay đổi được nhận thức, ý thức chấp hành của người dân; chủ tàu, thuyền trưởng đã nắm, hiểu được quyền lợi, trách nhiệm của mình và thực hiện cơ bản các nội dung bắt buộc (tàu cá cập, rời cảng cá chỉ định trước khi ra biển, chấp hành sự kiểm soát, kiểm tra trong bờ, ngoài biển của lực lượng chức năng, dần dần thành thói quen trong việc ghi chép nhật ký khai thác, thu mua chuyển tải…).
Hải Lý