(TSVN) – Biển nước ta có vùng đặc quyền kinh tế rộng hơn 1 triệu km2, dọc theo bờ biển dài hơn 3.260 km có 28 tỉnh/thành phố với 136 quận, huyện, thị xã, thành phố là 675 xã, phường, thị trấn ven biển. Với ưu thế về điều kiện tự nhiên từ lâu đã hình thành cộng đồng cư dân ven biển có tính liên kết chặt chẽ đưa ngành thủy sản nói chung, khai thác thủy sản nói riêng đã là ngành kinh tế quan trọng. Tuy nhiên, phát triển khai thác thủy sản thời gian qua đã bộc lộ các tồn tại, hạn chế cần có giải pháp tháo gỡ để tái cơ cấu lại khai thác thủy sản nước ta để đảm bảo phát triển bền vững.
Đó cũng là một trong những mục tiêu chính của “Chương trình quốc gia phát triển khai thác thủy sản hiệu quả, bền vững ở Việt Nam giai đoạn 2021 – 2030” thuộc Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã được Chính phủ phê duyệt.
Mục tiêu tổng quát của Chương trình là khai thác thủy sản đến năm 2030 có cơ cấu tàu, nghề khai thác hợp lý, phù hợp với khả năng cho phép khai thác của nguồn lợi thủy sản; sử dụng công nghệ tiên tiến, cơ giới hóa, hiện đại hóa để khai thác và bảo quản sản phẩm, giảm tổn thất sau thu hoạch, nâng cao hiệu quả khai thác, chất lượng và giá trị thủy sản, nâng cao đời sống ngư dân; đảm bảo an toàn cho người và tàu cá; tuân thủ các quy định của Luật Thủy sản và quy định quốc tế có liên quan; sẵn sàng tham gia bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Thực hiện điều chỉnh cơ cấu nghề khai thác thủy sản phù hợp với nguồn lợi thủy sản trên từng ngư trường; tổ chức quản lý số lượng tàu, cơ cấu nghề khai thác bằng hạn ngạch. Tiếp tục triển khai điều tra đánh giá nguồn lợi thủy sản trên các vùng biển để cung cấp thông tin, dữ liệu, cơ sở khoa học phục vụ công tác quản lý, sử dụng nguồn lợi thủy sản bền vững; xác định trữ lượng, sản lượng cho phép khai thác, đánh giá sự biến động của nguồn lợi thủy sản, chất lượng môi trường sống của loài thủy sản. Nghiên cứu đề xuất các cơ chế, chính sách quản lý nhằm giảm cường lực khai thác hải sản, cắt giảm tàu cá khai thác, tăng cường giải bản, xóa đăng ký tàu cá đảm bảo cường lực khai thác phải phù hợp khả năng tái tạo của nguồn lợi thủy sản. Tiếp tục thực hiện nghiêm quản lý tàu cá theo hạn ngạch Giấy phép khai thác hải sản trên biển theo Luật Thủy sản 2017; từng bước triển khai chế độ hạn ngạch khai thác đối với một số loài thủy sản và vùng biển trọng điểm đảm bảo sản lượng khai thác biển “không tăng trưởng” và “tăng trưởng âm” theo lộ trình thích hợp.
Khai thác thủy sản phải đảm bảo an toàn, có trách nhiệm và tuân thủ các quy định và hội nhập quốc tế; ảnh: Xuân Trường
Tiếp tục kiểm soát chặt việc đóng mới, cải hoán tàu cá theo hạn ngạch Giấy phép khai thác thủy sản vùng ven bờ và vùng lộng thuộc phạm vi quản lý của địa phương và hạn ngạch Giấy phép khai thác thủy sản vùng khơi do Bộ NN&PTNT xác định. Rà soát, cập nhật đầy đủ vào Cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia (Vnfishbase), thực hiện xóa đăng ký đối với các tàu cá theo quy định tại Điều 72 của Luật Thủy sản.
Xây dựng dự án thí điểm tổ chức mô hình liên kết chuỗi: Khai thác – thu mua – bảo quản – tiêu thụ sản phẩm trong khai thác thủy sản để triển khai giai đoạn 2022 -2025. Tiến hành tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm và mở rộng các mô hình giai đoạn 2026 – 2030 tại các tỉnh, thành phố ven biển.
Xây dựng các mô hình khuyến ngư đồng thời đổi mới công tác khuyến ngư theo hướng xã hội hóa, tăng cường sự tham gia của các tổ chức, doanh nghiệp khoa học công nghệ để đẩy mạnh chuyển giao, áp dụng tiến bộ khoa học, công nghệ mới đối với ngư cụ, kỹ thuật khai thác; hầm bảo quản, trang thiết bị bảo quản sản phẩm trên tàu cá.
Xây dựng và áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc điện tử các khâu từ khai thác, bảo quản, chế biến và tiêu thụ đối với một số sản phẩm hải sản có giá trị cao; đồng thời, tiếp tục thúc đẩy tiêu thụ, nâng cao giá trị sản phẩm tại thị trường nội địa và thị trường xuất khẩu.
Nâng cao năng lực phòng ngừa, ứng phó và xử lý tình huống tai nạn, sự cố tàu cá. Định kỳ tổ chức diễn tập các phương án ứng phó sự cố tàu cá trong khu vực cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá và phương án tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ tàu cá trên biển, tạo điều kiện, môi trường thuận lợi, an toàn giúp ngư dân an tâm sản xuất khai thác thủy sản.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết cần tăng cường các giải pháp tháo gỡ “thẻ vàng” đối với lĩnh vực khai thác hải sản, tổ chức lại hoạt động khai thác hải sản, thay đổi phương thức hoạt động phù hợp. Ngành thủy sản tiếp tục chủ động, thích ứng với thị trường, tăng cường xúc tiến thương mại, duy trì phát triển thị trường truyền thống, tìm kiếm mở rộng thị trường mới; xây dựng vị trí các sản phẩm thủy hải sản Việt Nam, đặc biệt chú trọng thị trường tiêu thụ trong nước. Bám sát mục tiêu nội dung chiến lược phát triển thủy sản đến năm 2030, tầm nhìn 2045, chủ động xây dựng các chương trình dự án, đề án kế hoạch để triển khai thực hiện đạt mục tiêu kế hoạch đề ra.
Diệu An