T4, 01/09/2021 09:34

Khai thác thủy sản còn vướng “thẻ vàng”

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Việc bị EC cảnh báo “thẻ vàng” đã khiến cho ngành thủy sản Việt Nam bị ảnh hưởng đáng kể. Ngăn chặn khai thác IUU đang là ưu tiên hàng đầu của ngành thủy sản cũng như cả nước, nhằm khơi thông lại con đường xuất khẩu hải sản của Việt Nam tại thị trường rộng lớn bên kia đại dương.

Sụt giảm xuất khẩu

Ngày 23/10/2017, EC chính thức ra cảnh báo “thẻ vàng” đối với sản phẩm thủy sản khai thác của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường châu Âu.

EU là thị trường nhập khẩu thủy sản lớn thứ hai của Việt Nam, giá trị xuất khẩu hải sản mỗi năm trung bình từ 350 – 400 triệu USD, chiếm khoảng 17 – 18% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản của nước ta. Tuy nhiên, sau khi bị cảnh báo “thẻ vàng”, sản lượng xuất khẩu sang thị trường này dần chững lại và sụt giảm.

Tại buổi công bố Báo cáo “Đánh giá tác động kinh tế từ phân tích thương mại của việc không tuân thủ quy định chống khai thác IUU: Trường hợp Việt Nam” ngày 10/8/2021, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Nguyễn Quang Hùng cho biết: “Thẻ vàng” IUU của EC đã khiến cho xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang thị trường này sụt giảm liên tục từ năm 2017 đến nay. So sánh kết quả xuất khẩu 2017 – 2019, sau 2 năm chịu tác động từ “thẻ vàng” IUU, kim ngạch xuất khẩu thủy sản sang thị trường EU giảm 12%, tương đương 183,5 triệu USD.

Theo đó, tổng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng thủy sản giảm trên 10% sau 2 năm, tương đương giảm 43 triệu USD; trong đó, bạch tuộc giảm mạnh nhất 37%, nhuyễn thể hai mảnh vỏ giảm 11%, cá ngừ giảm gần 2%, cua giảm 11%. Xuất khẩu các sản phẩm nuôi trồng sang EU cũng giảm còn 13% từ năm 2017 đến năm 2019.

Xu hướng giảm này tiếp tục kéo dài hơn nữa vào năm 2020, đặc biệt do bị tác động kép bởi dịch COVID-19 đã ảnh hưởng đến hoạt động khai thác cũng như chứng nhận khai thác đối với nguyên liệu hải sản xuất khẩu sang EU.

Và kể từ năm 2019, EU đã tụt từ vị trí thứ hai xuống vị trí thứ tư trong các thị trường nhập khẩu thủy sản Việt Nam, sau Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc; đồng thời, tỷ trọng của thị trường sụt giảm còn 13%.

Chia sẻ về nguyên nhân sụt giảm, đại diện một doanh nghiệp cho biết, xuất khẩu hải sản sang EU giảm do khách hàng EU e ngại việc bị phạt theo quy định IUU nên giảm hoặc ngừng mua hàng của Việt Nam. Còn đối với các doanh nghiệp, đơn hàng không nhiều nhưng chi phí lại đội lên đáng kể. Bởi trong thời gian bị “thẻ vàng”, toàn bộ container hàng hải sản xuất khẩu sang EU đều bị giữ lại kiểm tra nguồn gốc gây mất thời gian và phát sinh thêm chi phí khoảng 500 pound/container phí lưu cảng. Ngoài ra, doanh nghiệp còn chịu nhiều lệ phí cũng như mất uy tín với khách hàng do chậm giao sản phẩm. Nhưng rủi ro lớn nhất là tỷ lệ lớn các container hàng bị từ chối, tổn thất cho việc xuất khẩu hải sản sang EU khi bị “thẻ vàng” trung bình có thể lên đến 10.000 EUR/container.

Và nếu “thẻ vàng” không được gỡ, giá trị xuất khẩu có nguy cơ còn giảm tiếp, do các biện pháp kiểm tra ngày càng nghiêm ngặt hơn. Cùng với đó là việc các nhà nhập khẩu EU không muốn tiếp tục nhập hàng từ Việt Nam do lo ngại về uy tín, cũng như các rắc rối pháp lý có thể vướng phải.

Khó khăn khắc phục

Mặc dù nhiều khó khăn khi đưa hàng sang châu Âu, thế nhưng, EU vẫn là thị trường lớn có tính định hướng và chi phối, rất quan trọng của thủy sản Việt Nam. Vì vậy, ngành thủy sản nói chung và các doanh nghiệp vẫn buộc phải giữ vững thị trường này. Để làm được điều đó, việc phải gỡ được “thẻ vàng” đang ngày càng cấp bách.

Thái Lan là một trong những nước bị EC cảnh báo “thẻ vàng”, nhưng quốc gia này đã gỡ được sau 4 năm khắc phục. Hiện nay, Việt Nam cũng đã dính “thẻ vàng” gần 4 năm nhưng không những không thấy tín hiệu khởi sắc trong việc được EC tháo gỡ cảnh báo, mà nguy cơ bị “thẻ đỏ” lại khá cao. Đây không chỉ khiến cho xuất khẩu hải sản của Việt Nam sang thị trường này gặp khó, mà còn cản trở việc các doanh nghiệp tận dụng được lợi thế thuế suất từ Hiệp định EVFTA.

Theo bà Nguyễn Thị Thu Sắc, Chủ tịch Ủy ban Hải sản (VASEP), từ khi bị EC áp “thẻ vàng” IUU, xuất khẩu hải sản Việt Nam vào EU rất khó khăn do kiểm tra rất gắt gao. Đầu vào thì EU yêu cầu có giấy chứng nhận nguyên liệu thủy, hải sản khai thác, đầu ra lại cần giấy chứng nhận đánh bắt. Chứng từ đi vào châu Âu bị kiểm soát nghiêm ngặt. Cũng theo bà Sắc, hiện nay, xuất khẩu hải sản của Việt Nam vào châu Âu vẫn giảm 30%, trong khi lẽ ra với lợi thế EVFTA, thuế suất nhập khẩu giảm, phải tăng kim ngạch chứ không thể thế này được.

Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký VASEP cho biết, nếu Việt Nam sớm gỡ được “thẻ vàng” IUU, tận dụng được các ưu đãi thuế quan và thay đổi thể chế từ EVFTA thì cơ hội phục hồi và hướng tới mục tiêu tăng xuất khẩu thủy sản sang thị trường EU tới 1,2 – 1,4 tỷ USD trong những năm tới là hoàn toàn khả thi. Điều này cho thấy, cần có những giải pháp hợp lý, hiệu quả để sớm khắc phục “thẻ vàng”, đưa ngành thủy sản hướng tới mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu hàng năm từ 7 – 9% và đạt 16 – 18 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu vào năm 2030, cũng như hỗ trợ phát triển nghề cá theo hướng bền vững.

Phan Thảo

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!