Tính đến nay tổng sản lượng khai thác trên toàn tỉnh Quảng Ninh đạt 56.764 tấn, tăng 11,3% so với kế hoạch và 8% so với cùng kỳ.
Nghề khai thác xa bờ là đội tàu chủ lực của tỉnh đem lại sản lượng cao, có nhiều thuận lợi hơn đội tàu hoạt động tại vùng lộng và vùng ven bờ. Các đội tàu xa bờ thuộc các nghiệp đoàn nghề cá hoạt động có hiệu quả cao như đội tàu chài chụp kết hợp ánh sáng huyện Vân Đồn, huyện Hải Hà được đầu tư trang bị các trang thiết bị hiện đại như máy đo sâu dò cá, máy dò ngang, hệ thống thông tin hiện đại, vỏ tàu chắc chắn nên thời gian bám biển dài ngày hơn, vùng hoạt động tại các vùng biển xa bờ nên đem lại doanh thu và lợi nhuận lớn. Vào đầu vụ cá Nam do nắm bắt được quy luật phân bố và di cư của nguồn lợi thuỷ sản, một số tàu cá có công suất lớn của huyện Vân Đồn đã mạnh dạn di chuyển vào các ngư trường miền Trung và Đông Nam bộ để đón đầu đánh bắt những đàn cá nổi lớn chủ yếu là cá nục, cá ngừ, bạc má… đến đầu vụ cá Bắc đội tàu này lại di chuyển ra vùng biển vịnh Bắc Bộ để đánh bắt mực ống và các loại cá nổi như cá trích, nục, lầm… Đội tàu lưới rê của huyện Vân Đồn, đội tàu câu vàng của TX Quảng Yên thường xuyên đánh bắt tại ngư trường phía Đông Nam quần đảo Cô Tô, đảo Bạch Long Vĩ và vùng đánh cá chung vịnh Bắc Bộ… năng suất và sản lượng của nghề này không cao nhưng lợi nhuận và thu nhập của người lao động lớn và được đảm bảo vì chi phí thấp hơn nhiều so với các nghề khác, bên cạnh đó, sản phẩm khai thác chủ yếu là tươi sống như cá song, cá vược, cá hố, cá dưa… đây là những sản phẩm rất được ưa chuộng tại thị trường nội địa và xuất khẩu.
Thủy sản khai thác được ngư dân Vân Đồn bán tại cầu cảng Cái Rồng.
Tại các ngư trường gần bờ đội tàu khai thác như lưới kéo tôm, lưới rê ghẹ, rê cá, câu tay mực của các huyện Cô Tô, Đầm Hà, Móng Cái… cho sản lượng khá. Điểm khác biệt của đội tàu này là trong những năm gần đây nghề khai thác sứa tại các huyện ven biển của tỉnh phát triển mạnh, mùa sứa kéo dài từ tháng 2 đến tháng 6 dương lịch do đó tàu cá vùng bờ tập trung đi khai thác sứa đã đem lại hiệu quả kinh tế rất cao, giảm áp lực nguồn lợi ven bờ và nâng cao được thu nhập cho người dân. Sản lượng sứa thành phẩm năm 2012 đạt gần 3.000 tấn sứa thành phẩm, giá trị ước đạt khoảng 120 tỷ đồng.
Đặc biệt năm 2012 Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản, phối hợp với Viện Khoa học và Công nghệ khai thác thuỷ sản (Trường đại học Nha Trang) thực hiện dự án tiếp nhận công nghệ khai thác câu vàng mực và lồng bẫy cải tiến tại Quảng Ninh. Đây là công nghệ mới, tiên tiến, có tính chọn lọc cao và thân thiện với môi trường, thành công bước đầu của dự án đã mở ra hướng đi mới cho nghề khai thác thuỷ sản của tỉnh, chuyển sang nghề mới có tính chọn lọc và hiệu quả kinh tế cao, từng bước nâng cao năng suất, chất lượng, sản lượng khai thác.
Đồng chí Vũ Văn Nam, Chi cục trưởng Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản cho biết: Hoạt động khai thác thuỷ sản năm 2012 gặp nhiều khó khăn do tàu thuyền của tỉnh có công suất nhỏ, khai thác tại vùng biển ven bờ là chủ yếu nên hiệu quả sản xuất thấp, trong tổng số trên 11.000 phương tiện tàu thuyền khai thác hiện nay thì có tới hơn 8.000 tàu thuyền hoạt động ven bờ và chỉ có 158 tàu công suất trên 90CV hoạt động khai thác xa bờ, trong khi đó nguồn lợi thuỷ sản ven bờ đang có dấu hiệu suy giảm. Bên cạnh đó tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, cộng với giá xăng dầu tăng giảm thất thường vì thế số ngày bám biển của ngư dân giảm; mặt khác do thiếu vốn để đầu tư mua sắm, sửa chữa tàu thuyền, ngư lưới cụ đã ảnh hưởng nhất định đến hoạt động khai thác thuỷ sản của bà con ngư dân trong tỉnh. Tuy nhiên với sự nỗ lực, cố gắng của bà con ngư dân, sự hỗ trợ tích cực của các địa phương, cơ quan chuyên môn nên đến thời điểm này có thể đánh giá là hoạt động khai thác thuỷ sản đã đạt hiệu quả cao.