(Thủy sản Việt Nam) – Ngày 20/12/2011, Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi Thủy sản đã tổ chức Hội nghị “Tổng kết thực hiện nhiệm vụ năm 2011 và triển khai kế hoạch năm 2012”.
Năm vượt khó
Năm 2011, là một năm khó khăn với ngành khai thác thủy sản. Tuy nhiên, ngành khai thác cũng đã tạo nên một diện mạo mới với nhiều thành công mang tính đột phá như: Đã vận động phát triển được trong cả nước 2.410 tổ đội sản xuất hỗ trợ nhau nhằm giảm thiệt hại rủi ro trên biển. Các tàu cá được đăng kiểm đạt được 63.224 tàu trong số 64.445 tàu thuộc diện cần đăng kiểm. Dự án Movimar cung cấp trang bị hệ thống thông tin liên lạc sóng HF tầm xa có tích hợp thiết bị định vị vệ tinh cho 28 tỉnh, thành phố ven biển, giúp thông tin liên lạc được tốt hơn, đặc biệt là những thông tin về bão và tìm kiếm cứu nạn. Chính phủ và các Bộ ngành liên quan cũng thỏa thuận với các nước trong việc hợp tác tìm kiếm cứu nạn trên biển khiến người dân yên tâm hơn khi khai thác ở vùng biển xa, vùng nước Hiệp định. Nhiều chính sách hỗ trợ đánh bắt xa bờ hiệu quả lớn không chỉ mang lại lợi ích cho ngư dân mà còn thực hiện tốt vấn đề chủ quyền biển đảo và an ninh quốc gia. Dự án Hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản giúp khai thác cá ngừ đại dương, xây dựng thương hiệu Cá ngừ Việt Nam.
Việc phối hợp giải cứu ngư dân và thuyền viên của Việt Nam khai thác xâm phạm lãnh hải nước ngoài như vụ 112 ngư dân bị bắt giữ tại Philippines, 5 ngư dân bị Trung Quốc bắt giữ… cũng được các cấp lãnh đạo và ngành triển khai kịp thời, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho ngư dân.
Trong năm tới, tàu công suất nhỏ sẽ phải giảm số lượng
Tính đến giữa tháng 12/2011, tổng sản lượng thủy sản khai thác đạt 2.350.000 tấn, tăng 2,32% so với cùng kỳ, trong đó hải sản là 2.172.000 tấn. Cấp được 15.125 giấy chứng nhận khai thác thủy sản với 70.362 tấn. Áp dụng các kỹ thuật mới để bảo quản sau thu hoạch cũng mang lại những hiệu quả thiết thực. Thông qua các chương trình, dự án như: dự án SCAFI, ngành khai thác đã từng bước thực hiện tốt vấn đề khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản ven bờ, tạo sinh kế cho người dân, tái tạo, phục hồi nguồn lợi thủy sản…
Những việc cần làm
Trong năm tới, ngành cần tập trung giải quyết những vấn đề lớn như: giảm số lượng tàu công suất nhỏ (hiện nay tàu có công suất <20 CV vẫn chiếm hơn 50%). Hoàn thiện các trạm đài, bờ để thông tin liên lạc được tốt hơn. Đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng tại một số đảo lớn như đảo Đá Tây, Trường Sa để làm hậu cần vững chắc cho nghề khai thác xa bờ. Nâng cao ý thức của người dân, đầu tư và cải tạo trang thiết bị hiện đại như: trang bị tàu công suất lớn, kỹ thuật bảo quản sản phẩm sau thu hoạch. Hiện nay, đối với vùng biển Hiệp định khai thác chung giữa Việt Nam và Trung Quốc thì khó khăn lớn nhất của ngư dân Việt Nam là tàu nhỏ và kỹ thuật khai thác lạc hậu, không cạnh tranh được với ngư dân Trung Quốc. Bên cạnh đó, việc thành lập lực lượng Kiểm ngư là việc làm cần thiết và cấp bách, ông Nguyễn Văn Trung, Chi cục trưởng Chi cục KT&BVNL Vịnh Bắc bộ cho biết.
Để nâng cao hiệu quả khai thác trong những năm tới, theo ông Phạm Anh Tuấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, ngành cần phải tập trung nâng cao công tác điều tra nguồn lợi, nâng cao hiệu quả của tổ đội sản xuất, bổ sung những chính sách còn thiếu, đề xuất những chính sách mới, phù hợp để đạt được những kết quả xứng đáng với tiềm năng của ngành, góp phần vào sự phát triển và ngày càng lớn mạnh của ngành thủy sản Việt Nam.
“>>> Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy Sản Vũ Văn Tám: Cần phải hiện đại hơn nữa nghề khai thác, trong năm tới sẽ tổ chức đề án lớn về khai thác cá ngừ đại dương. Đổi mới phương pháp làm việc, đào tạo cán bộ có chất lượng và chuyên môn cao, phù hợp với tình hình phát triển.
Quốc Minh