(TSVN) – Lĩnh vực khai thác hải sản của nước ta từ lâu được coi là mũi nhọn của ngành thủy sản, đóng góp chính trong sản xuất và xuất khẩu, tạo việc làm cho hàng triệu lao động. Tuy nhiên, trong xu hướng phát triển mới của thế giới, khai thác thủy sản đang có rất nhiều vấn đề cần phải được xem xét lại và thay đổi theo hướng bền vững hơn.
Thời gian qua, lĩnh vực khai thác thủy sản có nhiều thuận lợi, các địa phương tổ chức triển khai thực hiện tốt quy định của Luật Thủy sản năm 2017 và các văn bản hướng dẫn Luật; đặc biệt là các quy định để tháo gỡ “thẻ vàng” của EC, tạo sự chuyển biến tích cực trong định hướng phát triển nghề cá bền vững.
Năm 2020, giá nhiên liệu tương đối ổn định và giảm trong nhiều tháng, góp phần khuyến khích ngư dân vươn khơi bám biển, giảm chi phí và nâng cao hiệu quả kinh tế cho hoạt động khai thác; tổng sản lượng khai thác cả nước đạt 3,85 triệu tấn, tăng 2,06% so năm 2019. Riêng 3 tháng đầu năm 2021, sản lượng khai thác đạt 857,4 nghìn tấn, tăng 1,1% cùng kỳ; trong đó, khai thác biển đạt 817,5 nghìn tấn, tăng 1,1%.
Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, kim ngạch xuất khẩu hải sản năm 2020 cả nước đạt 3,435 tỷ USD, tăng 3,12% so cùng kỳ năm 2019. Các sản phẩm hải sản đóng góp tỷ trọng chính trong tổng kim ngạch trên lần lượt là: Cá biển các loại 37,81%; cá ngừ 18,87%; nhuyễn thể 16,32%; tôm biển 10,32%; chả cá, surimi 11,06%; cua, ghẹ 5,29% và cá biển khác 0,32%. Ba tháng đầu năm nay, xuất khẩu cá ngừ đạt 153,3 triệu USD, bằng 104,5%; mực và bạch tuộc đạt 116,1 triệu USD, bằng 107,8% so cùng kỳ năm 2020.
Xây dựng cơ cấu nghề khai thác hợp lý cũng là giải pháp góp phần đảm bảo sự phát triển bền vững của ngành thủy sản Ảnh: Vũ Mưa
Tính đến tháng 12/2020, cả nước có tổng số 94.572 tàu cá, trong đó 27.607 tàu có chiều dài lớn nhất từ 15 – 24 m; 2.630 tàu chiều dài lớn nhất trên 24 m. Hiện nay, ngành thủy sản đã cấp phép cho khối tàu khai thác vùng khơi là 29.516 tàu, đạt 94,3%; đồng thời thực hiện chủ trương xã hội hóa công tác đăng kiểm tàu cá, hướng dẫn các địa phương thực hiện việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình.
Theo ông Nguyễn Văn Trung, Vụ trưởng Vụ Khai thác thủy sản, những năm gần đây, nguồn lợi thủy sản bị suy giảm mạnh, cường lực khai thác vẫn ở mức cao trong thời gian qua, dẫn đến hiệu quả sản xuất nghề khai thác giảm, công tác ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao giá trị sản phẩm khai thác chưa được nhiều. Ngoài ra, số lượng lao động trực tiếp khai thác hải sản liên tục giảm trong những năm qua. Từ năm 2015 – 2019, số lượng lao động giảm từ 755.646 người xuống 645.870 người, giảm khoảng 2,92%/năm. Tình trạng thiếu lao động trong khai thác hải sản đã và đang phổ biến ở nhiều địa phương. Trình độ văn hóa của lực lượng lao động trên biển so với mặt bằng chung của xã hội hiện nay còn thấp, ảnh hưởng đến việc ứng dụng các công nghệ khai thác, bảo quản hiện đại vào sản xuất.
Cùng đó, hạ tầng cảng cá còn thiếu hoặc xuống cấp, việc duy tu, sửa chữa định kỳ còn hạn chế, không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Luồng lạch vào cảng bị bồi lắng nhưng chưa được nạo vét kịp thời, làm cho tàu thuyền ra, vào bốc dỡ hàng hóa, neo đậu gặp nhiều khó khăn, không an toàn. Chưa kể, công tác bảo quản sản phẩm thủy sản trên tàu cá, cảng cá chưa cải thiện đáng kể, tổn thất sau thu hoạch vẫn còn ở mức cao, gây lãng phí nguồn lợi, ảnh hưởng lớn đến chất lượng sản phẩm và giá trị sản xuất.
Mặt khác, nguồn lợi thủy sản đang chịu áp lực rất lớn. Theo số liệu thống kê của Viện Nghiên cứu Hải sản, nguồn lợi hải sản đang có tốc độ suy giảm rất mạnh. So với giai đoạn 2011 – 2015, thì tổng trữ lượng các nhóm nguồn lợi chủ yếu trong giai đoạn 2016 – 2019 thấp hơn 9,4% tương đương 410 nghìn tấn; trong đó, nhóm nguồn lợi hải sản tầng đáy giảm 18,4%, nhóm cá nổi nhỏ giảm 7,3% và nhóm cá nổi xa bờ giảm 8,8%.
Mặc dù còn nhiều tồn tại, thách thức, thế nhưng không phủ nhận, hiện nay khai thác hải sản vẫn là lĩnh vực quan trọng trong sản xuất và xuất khẩu thủy sản của cả nước. Theo chỉ tiêu năm 2021, xuất khẩu các mặt hàng hải sản sẽ chiếm từ 35 – 37% tổng kim ngạch xuất khẩu ngành thủy sản.
Để hoàn thành kế hoạch này và đảm bảo nghề khai thác thủy sản phát triển bền vững, ngành thủy sản đã đưa ra những giải pháp sát thực. Trong đó, quyết liệt chỉ đạo hoàn thành việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15 m trở lên, đảm bảo khối tàu từ 15 m trở lên khi ra khơi phải có thiết bị giám sát hành trình và duy trì kết nối trong suốt thời gian hoạt động; lập danh sách tàu cá có dấu hiệu vi phạm để tăng cường kiểm soát. Tiếp tục điều tra nghề cá thương phẩm phục vụ công tác đánh giá, xác định sản lượng khai thác tối đa cho phép trên các vùng biển, theo nghề một cách hợp lý và bền vững; tăng cường điều tra biến động nguồn lợi hải sản ở các vùng biển, đặc biệt là vùng ven bờ, phục vụ việc xác định hạn ngạch giấy phép khai thác của các địa phương. Đồng thời, xây dựng cơ cấu nghề khai thác hợp lý, cơ cấu lao động chuyên ngành, kiêm nghề phù hợp với điều kiện tự nhiên, nguồn lợi thủy sản, đặc điểm kinh tế – xã hội từng vùng. Phân bổ hạn ngạch khai thác thủy sản phù hợp; giảm thiểu, tiến tới chấm dứt các nghề khai thác có tính hủy diệt nguồn lợi thủy sản, chuyển đổi sang các nghề thân thiện với môi trường và nguồn lợi thủy sản.
Ngoài ra, thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển khai thác thủy sản; hình thành một số doanh nghiệp, tập đoàn lớn để hợp tác khai thác viễn dương. Củng cố, đổi mới các tổ, đội, hợp tác xã; tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị. Mặt khác, tăng cường công tác xúc tiến thương mại và đẩy mạnh quá trình đàm phán, tiến tới ký kết các hiệp định thương mại song phương và đa phương; nhằm tạo điều kiện cho thủy sản nói riêng và nông sản của Việt Nam nói chung thâm nhập được các thị trường mới…
Phan Thảo