Sử dụng xung điện, chất nổ, chất độc, lưới cào… trong hoạt động khai thác thủy sản, từ lâu đã bị liệt vào danh mục cấm do những tác hại nghiêm trọng tới nguồn lợi thủy sản, môi trường sinh thái cũng như tính mạng, của cải của người dân. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, trên địa bàn một số tỉnh, TP ven biển, hình thức khai thác này vẫn tồn tại, mà nguyên nhân được cho là do người dân còn nghèo, thiếu vốn để chuyển đổi ngành nghề phù hợp.
Vi phạm giảm song vẫn diễn biến phức tạp
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Nhàn, Chi cục trưởng Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết, những năm qua trên địa bàn tỉnh, các cơ quan chức năng đã có nhiều đợt thanh tra, kiểm tra, bắt và xử lý vi phạm về khai thác thủy sản theo kiểu tận diệt, song vẫn chưa thể xử lý triệt để. Lượng tàu thuyền khai thác ven bờ không được cấp phép vẫn tăng theo từng năm, chủ yếu ở các gò, bãi, khiến nguồn tài nguyên thủy sản ven bờ càng thêm cạn kiệt. Đồng quan điểm, Phó chánh Thanh tra Sở NN và PTNT Bà Rịa – Vũng Tàu Nguyễn Thành Cường cũng cho biết, hiện nay, việc khai thác tận diệt còn tồn tại dưới hình thức sử dụng chất độc, xung điện, lưới cào. Nguyên nhân được cho là thuộc về ý thức người dân, thu nhập của ngư dân còn thấp, trong khi chi phí xăng dầu luôn ở mức cao, nếu ngư dân không sử dụng những biện pháp này, năng suất đánh bắt thấp, không đáp ứng nhu cầu cuộc sống.
Dùng xung điện để bắt cá – Ảnh: DT
Ghi nhận ở một địa phương khác, ông Trần Hoàng Dũng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Sóc Trăng cho biết, trên địa bàn tỉnh không còn tình trạng đánh bắt, khai thác thủy sản dùng thuốc nổ, tuy nhiên, tỷ lệ vi phạm bằng xung điện dù không nhiều song vẫn tồn tại, chủ yếu ở khu vực nội đồng, trên sông. Đối tượng vi phạm là các hộ gia đình với cách làm ăn đơn lẻ. “Song, có một vấn đề nổi cộm hơn cả là tình trạng khai thác sử dụng thuốc độc, cũng chủ yếu diễn ra ở nội đồng, trên sông với phương thức, thủ đoạn rất tinh vi. Đối tượng vi phạm đều tiến hành khai thác vào ban đêm, gây khó khăn cho công tác kiểm tra, xử lý vi phạm”.
Gần đây nhất, tại tỉnh Quảng Ninh, xuất hiện tình trạng một số ngư dân áp dụng phương thức khai thác tận diệt mới, học từ ngư dân Trung Quốc, bằng cách sử dụng máy nén khí, bơm công suất lớn tạo ra dòng nước mạnh xuống đáy biển, thổi tung các loại thủy sản lên cho ngư dân quây lưới. Ông Vũ Văn Nam, Chi cục trưởng Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản cho biết, tình trạng này diễn ra trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 6 với 14 trường hợp vi phạm. Các cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ninh đã kiên quyết xử lý và đến nay, trên địa bàn tỉnh đã không còn vi phạm. “Tuy nhiên, việc khai thác bằng xung điện vẫn tồn tại với diễn biến khá phức tạp. Từ tháng 11-2011 đến tháng 6-2012, lực lượng chức năng đã tiến hành xử lý 175 vụ vi phạm, trong đó có 65 vụ liên quan đến khai thác tận diệt bằng xung điện, còn lại là các lỗi vi phạm hành chính khác. Nguyên nhân vẫn do ngư dân chủ yếu là hộ nghèo, tàu nhỏ nên vì lợi nhận mà vi phạm. Nhiều khi, để kiểm tra, chúng tôi phải trà trộn vào trong dân, song, địa hình tỉnh Quảng Ninh cũng khá phức tạp với nhiều đảo, trong khi tàu của ngư dân thường nhỏ, dễ ẩn nấp”.
Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền
Khai thác thủy sản bằng các phương pháp tận diệt không chỉ gây tác hại nghiêm trọng tới nguồn lợi thủy sản, môi trường sinh thái, mà còn đe dọa tính mạng và tài sản của ngư dân. “Điều đáng mừng là các ngư dân vi phạm khi bị bắt quả tang đều ý thức được hành vi của mình, nên không có tình trạng chống đối lực lượng chức năng. Về phía chính quyền địa phương, chính quyền xã, thanh tra tỉnh cũng thường xuyên kết hợp với chi cục khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản tổ chức các đợt kiểm tra, lập biên bản, tịch thu phương tiện vi phạm và xử phạt hành chính. Việc sửa đổi nghị định 31 nâng mức phạt với hành vi này lên cao cũng là một nét tích cực. Tuy nhiên, do đặc thù đời sống còn nghèo, nên trong thời gian tới, để xử lý triệt để tình trạng này, chúng ta cần tiếp tục tuyên truyền tới ngư dân về tác hại của phương thức khai thác này. Song song với đó là hỗ trợ kinh phí, tìm cách chuyển đổi nghề cho ngư dân để họ đảm bảo nhu cầu cuộc sống” – ông Trần Hoàng Dũng nêu quan điểm. Ông Nguyễn Văn Nhàn cũng đề xuất, không riêng gì chi cục thủy sản, các cơ quan chức năng có liên quan cũng cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ nghề nghiệp, đào tạo chuyển đổi nghề cho ngư dân. Tuy nhiên, kiến nghị này dù được đưa ra khá lâu song đến nay, vẫn chưa có biện pháp giải quyết cụ thể.
Với hình thức khai thác tận diệt mới ở Quang Ninh, ông Vũ Văn Nam cho biết, để tránh tái phạm, tỉnh đã trình văn bản xin ý kiến và nhận được sự đồng ý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn về việc đưa phương thức khai thác này vào danh mục cấp phép. Hiện nay, các cơ quan chức năng của tỉnh Quảng Ninh đang hoàn thiện các thủ tục pháp lý để ban hành rộng rãi quy định. Trong thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục tăng cường hoạt động tuyên truyền, phát tờ rơi, kết hợp công tác kiểm tra, kiểm soát, bảo vệ vùng ven bờ và xử lý vi phạm.